Đường sắt tốc độ cao là trục 'xương sống' trên hành lang kinh tế Bắc - Nam
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Trục "xương sống" kết nối vùng miền

Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, chủ trương đầu tư dự án sẽ mang lại ý nghĩa lớn và quan trọng cho đất nước và tỉnh. Đây là công trình có tính biểu tượng, là trục "xương sống" trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, tạo động lực cho đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nghị quyết đã được hiện thực hóa theo đúng chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về triển khai quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Vận tải đường sắt với ưu thế vận tải hành khách khối lượng lớn, độ tin cậy cao, an toàn, thuận tiện, thân thiện môi trường, là phương thức vận tải chủ đạo trên các hành lang vận tải có khối lượng lớn. Công trình là bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa hệ thống giao thông của Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho các địa phương có tuyến đường; hình thành mạng lưới giao thông đối nội, đối ngoại đồng bộ, hiện đại, rút ngắn khoảng cách, giảm thời gian kết nối đi lại, giảm chi phí trong lưu thông hàng hóa và vận tải hành khách giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước. Dự án tạo động lực quan trọng để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các tỉnh, tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.

Ông Nguyễn Văn Vinh bày tỏ, với Ninh Thuận, đây sẽ là "cú huých" cho phát triển kinh tế, tái cơ cấu vận tải theo hướng phát huy tối đa lợi thế, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, nguồn lực mới cho tỉnh thông qua khai thác hiệu quả quỹ đất, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo ra hàng triệu việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế.

Cơ hội để chuyển mình, bứt phá

Đất nước đang chuyển mình phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các tuyến giao thông đường bộ, đường không, đường biển… sẽ là động lực quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước.

Ông Nguyễn Anh Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh, việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cùng với hệ thống đường bộ cao tốc, kết nối mạng lưới giao thông trên khắp các vùng miền của đất nước phản ánh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đúng với quy luật khách quan, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa và giao thương quốc tế, tạo động lực cho phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Dự án khi thực hiện sẽ góp phần kết nối vùng, miền các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở rộng không gian phát triển kinh tế, tái cấu trúc các đô thị, phân bổ dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, miền…; tạo ra nhiều việc làm, mở rộng và phát triển mạnh mẽ các ngành du lịch, dịch vụ…

Ninh Thuận là tỉnh tiếp giáp với 3 vùng kinh tế du lịch trọng điểm gồm: Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bình Thuận có đặc điểm địa hình 3 vùng rõ rệt (miền núi, đồng bằng, vùng biển). Đồng thời tỉnh đang hướng đến phát triển du lịch đẳng cấp cao, đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới.

Vì thế, ngoài việc phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, cảng biển, sân bay lưỡng dụng và sắp tới là đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ rút ngắn tối đa thời gian, khoảng cách để người dân ở các vùng miền cả nước đến với Ninh Thuận - miền đất hội tụ những giá trị khác biệt. Từ đó tạo cơ hội hết sức thuận lợi cho tỉnh tận dụng và khai thác triệt để tiềm năng phát triển các loại hình du lịch, nhất là du lịch biển, du lịch sinh thái, thay đổi diện mạo của Ninh Thuận trên bản đồ du lịch của cả nước.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất