|
Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại Bình Dương. (Ảnh: TTXVN)
|
Những năm qua các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã nỗ lực, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đồng thời tập trung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Chính các yếu tố này đang góp phần khai thông trở lực để đón làn sóng đầu tư mới.
Thu hút đầu tư vượt trội
Để tăng thu hút đầu tư nước ngoài, các tỉnh trong Vùng Đông Nam Bộ liên tục đổi mới, sáng tạo, đây được xem là “chìa khóa” để thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn một cách căn cơ và bền vững.
"Dẫn đầu các tỉnh Đông Nam Bộ là “trục” trung tâm phát triển, gồm Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu. Thế mạnh cho nền tảng phát triển kinh tế vùng, cũng như việc đa dạng hóa cung ứng đầu tư, đều tập trung vào “ trục” trung tâm này. Đây chính là những yếu tố thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài”- Tiến sĩ Phạm Đình Dzu, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) nhận định.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nỗ lực vươn lên dẫn đầu khu vực Đông Nam Bộ về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI ). Tính đến nay, Bà Rịa-Vũng Tàu có 476 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 33,298 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2024, nguồn vốn đầu tư nước ngoài thu hút mới và tăng thêm trên 1,7 tỷ đô la, đạt 87% so với kế hoạch năm 2024, trong đó đáng chú ý có 20 dự án FDI cấp mới với 1,5 tỷ đô la Mỹ.
Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, với tư duy đột phá, phát huy tốt các tiềm năng và lợi thế, thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh trong 8 tháng qua đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ. Các dự án đầu tư mới đều có quy mô vốn đầu tư lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến. Tính đến nay, đã có trên 46 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh Đồng Nai với 1.667 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư trên 34 tỷ USD.
Bình Dương cũng đạt được kết quả tích cực trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài. Trong 8 tháng đầu năm 2024, Bình Dương là địa phương đứng thứ 7 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 911 triệu USD.
Tính lũy kế đến nay, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 4.354 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 40,9 tỷ USD- ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương chia sẻ.
Các tỉnh còn lại như Tây Ninh và Bình Phước cũng là những địa phương đang dồn lực, liên tục có nhiều động thái mạnh mẽ kêu gọi thu hút được nhiều đầu tư FDI vào công nghiệp, nông nghiệp.
Theo tiến sĩ Phạm Đình Dzu, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), tính đến nay Đông Nam Bộ là nơi có thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, chiếm 41,1% tổng vốn FDI. Dòng vốn FDI chủ yếu đổ vào lĩnh vực công nghiệp đã giúp vùng Đông Nam Bộ trở thành trung tâm công nghiệp, xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, những điểm sáng trong thu hút vốn FDI thời gian qua ở vùng Đông Nam Bộ cho thấy các địa phương trong vùng liên tục có những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng tạo ra nhiều giá trị hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài.
“Việc Bà Rịa-Vũng Tàu sớm dẫn đầu cả nước trong “hút” vốn FDI từ những tháng đầu năm 2024 đã cho thấy các giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy nhanh các dự án hạ tầng giao thông kết nối đã giúp tỉnh này tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài”- Tiến sĩ Phạm Đình Dzu, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) nhận xét.
Đổi mới để hấp dẫn nhà đầu tư
Các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ liên tục đổi mới, tạo ra sức hấp dẫn riêng của từng địa phương nhằm thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng nhiều hơn, chất lượng và hiệu quả hơn.
Đáng chú ý nhất là Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu - 3 địa phương tạo ra một “trục” trung tâm phát triển hấp dẫn các nhà đầu tư. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa-Vũng Tàu, lợi thế của tỉnh là các khu công nghiệp trên địa bàn đều nằm gần hệ thống cảng biển nước sâu, rất thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Để tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục có các chính sách thu hút đầu tư vào công nghiệp và phát triển các loại hình kinh tế dịch vụ, trong đó ưu tiên thu hút các lĩnh vực như dịch vụ logistics, công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp cơ bản (cơ khí, điện - điện tử, hóa chất), công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp lọc hóa dầu.
Với chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào chất lượng dự án, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thay đổi phương thức thu hút đầu tư theo hướng ưu tiên cho công nghiệp phụ trợ và các ngành công nghiệp công nghệ cao với hàng loạt các tiêu chí bảo đảm môi trường, sử dụng ít năng lượng, nhân công.
Đặc biệt, Bà Rịa-Vũng Tàu không khuyến khích các dự án đầu tư tiêu tốn nhiều năng lượng, khai thác không gắn với chế biến, sử dụng nhiều lao động phổ thông; các dự án sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và những lĩnh vực có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.
Khác với Bà Rịa-Vũng Tàu thu hút các nhà đầu tư bằng sức hấp dẫn từ hệ thống cảng biển nước sâu thì Đồng Nai lại có sức hấp dẫn các nhà đầu tư về kinh tế hàng không.
“Đồng Nai lấy Cảng hàng không quốc tế Long Thành làm hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế trên các lĩnh vực hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ và logistics. Hệ thống đô thị phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc, đặc trưng là phát triển đô thị sân bay, đô thị sinh thái đạt đẳng cấp quốc tế”- ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai chia sẻ.
Nhắc đến Bình Dương, các nhà đầu tư trong và nước đều biết đến là một tỉnh năng động luôn tạo ra môi trường đầu tư nhộn nhịp, hấp dẫn, địa bàn công nghiệp hóa, hiện đại hóa với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phát triển vượt bật. Đây là một trong những yếu tố hàng đầu để tỉnh Bình Dương luôn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
“Để đạt được kết quả thu hút đầu tư ấn tượng, Bình Dương đã triển khai hàng loạt các giải pháp như tận dụng, phát huy tối đa những lợi thế cạnh tranh của tỉnh về vị trí địa lý, tự nhiên. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; tập trung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển; góp phần khai thông những bế tắc để đón làn sóng đầu tư trong và ngoài nước”- ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương khẳng định.
Đặc biệt, Bình Dương không chỉ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình "Phát triển khu công nghiệp gắn liền với khu đô thị, thương mại dịch vụ, nhà ở xã hội, khu tái định cư, bao quanh là hệ sinh thái giao thông, y tế, giáo dục đa dạng, chất lượng cao" tạo sự chuyển biến rõ rệt từ nông nghiệp chuyển sang hoạt động công nghiệp, dịch vụ; mà còn tập trung các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
Đồng thời liên tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ lực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như tham gia vào quá trình mời gọi, thu hút đầu tư.
Thế mạnh chung của Đông Nam Bộ là về vị trí “địa kinh tế”, nhưng ở mỗi tỉnh lại có những khu vực khác nhau về điều kiện tự nhiên, về kết nối hạ tầng giao thông, về nguồn nước thích ứng với từng ngành sản xuất khác nhau. Do đó, thông tin cần thiết đầu tiên mà các nhà đầu tư cần biết giống như sự “chào hàng” về mặt bằng và địa điểm cho những lĩnh vực mà địa phương cần thu hút đầu tư.
“Để đón làn sóng đầu tư mới, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ cần điều chỉnh cơ cấu đào tạo theo hướng giảm bớt số lượng đào tạo các môn nghiên cứu khoa học cơ bản, tăng thêm số lượng đào tạo cho khoa học ứng dụng nhằm cung cấp nhân lực cho các nhà đầu tư mới về công nghệ cao và tăng số lượng khởi nghiệp về phát triển công nghệ cao” - Tiến sĩ Phạm Đình Dzu, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) kiến nghị.
“Chỉ những dự án đầu tư nào đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững về kinh tế và đảm bảo các tiêu chí bảo vệ môi trường thì mới mời gọi, những dự án nào đe dọa ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của vùng Đông Nam Bộ thì phải xem xét, thậm chí sẽ kiên quyết từ chối” - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM nhận xét./.
Nguyễn Văn Việt
Nguồn: Bnews.vn