Dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 47 - 48 tỷ USD trong năm 2025
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chủ trì họp báo (Ảnh: VOV)

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chủ trì họp báo (Ảnh: VOV)

Thông tin tại họp báo, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang cho biết, mặc dù trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột leo thang ở nhiều khu vực; giá xăng dầu, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng diễn biến phức tạp,… nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.

Năm 2024 tăng trưởng 11,26% so với năm trước

Theo đó, kim ngạch dệt may năm 2024 ước đạt 44 tỷ USD như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%; xuất siêu 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023. Đứng đầu thị trường xuất khẩu dệt may trong năm 2024 vẫn là Mỹ với kim ngạch ước đạt 16,71 tỷ USD, tăng 12,33% so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng 37,98% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp sau đó là Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc và thị trường ASEAN.

“Dự báo trong năm 2025, tình hình chung cũng không có gì quan ngại, ngành dệt may đặt kế hoạch xuất khẩu từ 47 - 48 tỷ USD trong năm này”, ông Giang thông tin.

Sở dĩ có được kết quả khả quan trong năm 2024 theo ông Giang là do VITAS đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong các hoạt động vận động chính sách, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN. Cùng với đó là những hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế có chiều sâu, nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa đối tượng khách hàng, mặt hàng.

“Hiệp hội đã tổ chức trên 70 chương trình hội thảo, đào tạo tại 3 miền Bắc, Trung, Nam; kết nạp thêm 60 hội viên mới nâng tổng số hội viên của VITAS lên gần 1.000 DN hội viên chính thức và liên kết”, ông Giang cho biết.

Chủ tịch VITAS cũng nêu ra nhiều lợi thế của dệt may Việt Nam trong năm 2024, khi 17/19 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã có hiệu lực, là thị trường mang tính toàn cầu mang lại lợi thế rất lớn cho dệt may Việt Nam. Cùng với đó, ngành dệt may Việt Nam đã tiếp thu rất nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường; da dạng hóa đối tác khách hàng và đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, ngành cũng tiếp thu tốt công nghệ tự động hóa, quản trị số cũng như thích ứng tốt trước các đòi hỏi về tiêu chuẩn xanh bền vững từ nhiều thị trường xuất khẩu.

“Hiệp hội đánh giá rất cao giải pháp cộng đồng DN khi thích ứng được đòi hỏi về công nghệ may của các nước lớn. Đặc biệt, việc đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác khách hàng được các DN hết sức chú trọng và hợp tác linh hoạt, chính là tiền đề, là cơ sở cho tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam”, ông Giang khẳng định.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu 47 - 48 tỷ USD trong năm 2025, Chủ tịch VITAS đưa ra những cơ sở chính, bao gồm những cơ hội từ quá trình chuyển dịch đơn hàng vào Việt Nam trong bối cảnh tiêu dùng toàn cầu không tăng. Đặc biệt, Chiến lược phát triển ngành dệt may của Chính phủ đặt ra với quyết tâm đưa Thương hiệu Dệt may Việt Nam ra thế giới, điều này đang là động lực lớn nhất thúc đẩy tầm nhìn của ngành dệt may năm 2025 - 2030 phát triển vượt bậc kể cả thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá rất cao giải pháp cộng đồng DN, khi thích ứng được đòi hỏi về công nghệ may của các nước lớn (Ảnh: VOV)

Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá rất cao giải pháp cộng đồng DN, khi thích ứng được đòi hỏi về công nghệ may của các nước lớn (Ảnh: VOV)

25 năm cột mốc đánh dấu sự trưởng thành

Thông tin về Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập VITAS và Tổng kết năm 2024, ông Giang cho biết, sự kiện sẽ được tổ chức vào ngày 13-14/12/2024 tại Quảng Nam. Được thành lập từ năm 1999 và đã trải qua 25 năm, VITAS luôn đồng hành cùng các hội viên và DN trong ngành, nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, góp phần quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành dệt may Việt Nam.

“Lễ Kỷ niệm 25 năm thành lập là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành và những thành tựu, đóng góp của VITAS vào sự phát triển của ngành, cũng như định hướng phát triển cho năm 2025 và giai đoạn tiếp theo, giai đoạn của sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo, thế giới phẳng; của chuyển đổi số và yêu cầu xanh hóa, phát triển bền vững ngành dệt may Việt Nam”, ông Giang nêu rõ.

Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập VITAS cũng sẽ là dịp để mọi người cùng nhìn nhận lại chặng đường lịch sử, đánh giá những dấu mốc phát triển ấn tượng của ngành dệt may Việt Nam, khi đang ở vị trí cường quốc xuất khẩu thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh. Trong sự thành công đó có vai trò kết nối của VITAS giữa các DN trong nước với nhau, với các DN đầu tư nước ngoài để hình thành chuỗi cung ứng, ngày càng mở rộng thị trường xuất khẩu dệt may Việt Nam./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất