|
Vận chuyển hàng hóa phục vụ xuất khẩu tại cảng Hải phòng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
|
Chiều 29/11, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố Top 10 Công ty uy tín ngành logistics năm 2024. Lễ công bố và tôn vinh các doanh nghiệp tiêu biểu sẽ diễn ra vào tháng 1/2025 tại Hà Nội.
Top 10 Công ty uy tín ngành logistics năm 2024 - nhóm ngành giao nhận quốc tế, kho bãi, dịch vụ logistics bên thứ 3, thứ 4 gồm có Công ty cổ phần Gemadept, Công ty cổ phần Tập đoàn ITL, Công ty cổ phần Giao nhận Vận tải Con Ong, Công ty cổ phần Transimex, Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An, Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hải Hàng không Con Cá Heo, Công ty cổ phần Logistics Hàng không, Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn, Công ty cổ phần Kho Vận Miền Nam và Công ty cổ phần Vinafreight.
Nhóm ngành vận tải hàng hóa thì có những doanh nghiệp như: Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam-CTCP, Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí, Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương, Công ty cổ phần Vận tải Nhật Việt, Công ty cổ phần Vận tải Sản phẩm Khí Quốc Tế, Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận, Tổng Công ty cổ phần Đường Sông Miền Nam, Công ty cổ phần Vinafco, Công ty cổ phần Vận tải Biển Việt Nam và Công ty cổ phần Vận tải và Tiếp vận Phương Đông Việt.
Ngoài 2 nhóm vừa đề cập, Vietnam Report cũng ghi danh Top 10 Công ty uy tín ngành logistics năm 2024 nhóm ngành khai thác cảng và nhóm chuyển phát nhanh, giao hàng chặng cuối.
Báo cáo đánh giá này được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học và khách quan, căn cứ trên ba tiêu chí chính là năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng và kết quả khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện cập nhật trong tháng 11/2024.
Đánh giá tình hình phục hồi xuất khẩu đang trở thành động lực chính của ngành logistics trong năm 2024, ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report cho hay, năm 2024, ngành logistics Việt Nam chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, nhờ tăng trưởng xuất khẩu và các yếu tố hỗ trợ từ chính phủ cũng như sự cải thiện về chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu Việt Nam 10 tháng năm 2024 tăng trưởng 14,9%, đạt 335,6 tỷ USD sau giai đoạn sụt giảm trong năm 2023.
Những ngành hàng chủ lực như điện tử, dệt may, và nông sản tiếp tục dẫn đầu với đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó, xuất khẩu sang Mỹ, thị trường lớn nhất của Việt Nam, đã gần cán mốc 100 tỷ USD trong 10 tháng qua, xuất siêu đạt hơn 86 tỷ USD, tăng mạnh 26,9% so với cùng kỳ. Có được kết quả như vậy một phần nhờ sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sự phục hồi xuất khẩu kéo theo sự tăng trưởng tích cực trong ngành logistics. Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển thông qua các cảng biển ước tính tăng khoảng 14% trong 10 tháng năm 2024, đạt trên 570 triệu tấn; trong đó, hàng khô và container chiếm tỷ trọng lớn, với sản lượng xử lý lần lượt đạt hơn 321 và 191 triệu tấn. Ngoài ra, sự mở rộng của các khu công nghiệp, vốn đóng vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng xuất khẩu, cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu logistics.
Theo Công ty TNHH CBRE (Việt Nam), tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp trung bình đạt 81% ở miền Bắc và 92% ở miền Nam vào cuối tháng 6/2024. Con số trên được kỳ vọng khả quan hơn nữa nhờ dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh, với tổng vốn đăng ký đạt trên 27,26 tỷ USD trong 10 tháng năm 2024.
Theo khảo sát doanh nghiệp logistics của Vietnam Report, biến động doanh thu, chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp logistics trong 9 tháng năm 2023 và năm 2024 thể hiện sự phục hồi rõ rệt của ngành. Năm 2023, doanh thu ngành bị ảnh hưởng mạnh khi 33,3% doanh nghiệp giảm đáng kể, nhưng năm 2024, tình hình khởi sắc với 52,9% doanh nghiệp tăng đáng kể, tỷ lệ giảm đã giảm xuống còn 11,8%.
Đồng thời, doanh nghiệp logistics cũng giảm bớt áp lực về chi phí. Tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận chi phí tăng đáng kể đạt 17,6% năm 2024 thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 52,9% doanh nghiệp tăng doanh thu đáng kể. Sự cải thiện doanh thu và kiểm soát chi phí kéo theo triển vọng lợi nhuận tích cực hơn.
Năm 2024, có tới 82,3% doanh nghiệp dự báo lợi nhuận tăng; trong đó, có 58,8% tăng lên đáng kể, và số giảm đã giảm từ 66,7% xuống còn 5,9%. Dữ liệu này phản ánh tác động tích cực từ sự phục hồi xuất khẩu, đầu tư vào công nghệ logistics và chính sách hỗ trợ hiệu quả, khẳng định ngành logistics đang dần lấy lại đà tăng trưởng và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Khảo sát của Vietnam Report cho thấy cộng đồng doanh nghiệp logistics lạc quan về triển vọng năm 2025, tiếp tục đà phục hồi trong năm 2024. Ở góc nhìn chung về toàn ngành logistics, với 29,4% nhận định khả quan hơn một chút và 11,8% đánh giá khả quan hơn rất nhiều.
Đối với các doanh nghiệp, có 64,7% nhận định tình hình sẽ khả quan hơn một chút và 17,6% đánh giá rất khả quan. Chỉ 5,9% dự báo khó khăn hơn rất nhiều, cho thấy niềm tin vào sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững của ngành. Điều này phản ánh niềm tin không chỉ vào cải thiện nội tại của doanh nghiệp mà còn từ sự hỗ trợ của chính sách chính phủ và xu hướng tăng trưởng thương mại quốc tế.
Kỳ vọng vào năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, ngành logistics đang tận dụng cơ hội từ quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy mạnh đầu tư và ứng dụng công nghệ để củng cố vai trò huyết mạch trong nền kinh tế./.
Ngọc Quỳnh
Nguồn: vietnamplus.vn