|
Sơ chế dừa tươi xuất khẩu ở Công ty TNHH Trái cây Mekong, xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre
|
Bến Tre được mệnh danh là "Xứ sở dừa Việt Nam” với diện tích hơn 79.000 ha, lớn nhất cả nước, sản lượng trên 700 triệu trái; trong đó, dừa công nghiệp chiếm khoảng 75%, còn lại là dừa uống nước. Dừa từ lâu được xác định là cây trồng chủ lực, giúp địa phương thu về hơn 400 triệu USD mỗi năm từ hoạt động xuất khẩu sản phẩm từ dừa. Hiện ngành chức năng địa phương, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn đang có những bước chuẩn bị tích cực để xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho hay, tỉnh hiện có 133 vùng trồng cơ bản đáp ứng các điều kiện về sản xuất theo quy định hiện hành; đăng ký cấp mã số vùng trồng dừa tươi xuất khẩu với diện tích gần 8.400 ha và trên 12.800 hộ tham gia. Những con số này là về vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu được nêu trong Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong, xã Hữu Định, huyện Châu Thành (Bến Tre) cho biết: Tất cả hồ sơ về mã vùng trồng, đơn vị đã gửi cho Cục Bảo vệ thực vật và chờ động thái của cơ quan này và phía Trung Quốc đi kiểm tra.
Theo ông Thuật, việc Nghị định thư được ký kết là bước rất quan trọng, tạo tiền đề cho câu chuyện xây dựng mã vùng trồng và mã nhà máy. Hiện tại, mã vùng trồng của công ty đang xây dựng với diện tích hơn 40 ha trên tổng số gần 200 ha vùng trồng của công ty để chuẩn bị phục vụ cho thị trường Trung Quốc.
Khi Nghị định thư được ký để nhập khẩu dừa uống nước của Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu dừa có thêm một khách hàng lớn. Bởi, hàng năm, thị trường “tỷ dân” này tiêu thụ sản lượng dừa rất lớn, nhất là thời điểm mùa hè, hầu như ở Thái Lan hay các quốc gia trồng dừa đều thiếu sản lượng cung cấp cho thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều lo lắng của công ty là khi vào mùa hè, sức mua dừa của thị trường Trung Quốc quá mạnh sẽ đẩy giá thành nguyên liệu đầu vào lên cao, từ đó ảnh hưởng đến các thị trường chung. Hiện tại, công ty đã xuất khẩu sang 10 quốc gia trên thế giới với công suất khoảng 30-40 container dừa tươi mỗi tháng. Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong đã xuất khẩu khoảng 3 triệu trái dừa tươi sang thị trường các nước - ông Thuật chia sẻ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, thời gian qua, nhận thức của người dân tham gia vào kinh tế hợp tác gắn với xây dựng chuỗi giá trị nông sản ngày càng nâng lên. Tỉnh bước đầu hình thành vùng nguyên liệu, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Riêng chuỗi dừa, đến nay, có 32 tổ hợp tác, 34 hợp tác xã tham gia vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị dừa với quy mô hơn 10.094 ha và 7.048 thành viên. Diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt 20.400 ha (chiếm khoảng 25% diện tích dừa toàn tỉnh); trong đó diện tích đạt chứng nhận là 13.000 ha theo tiêu chuẩn Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết: Tỉnh luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện về xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và biến dừa gắn với nhu cầu tiêu thụ trong nước và thị trường quốc tế.
Cụ thể, tỉnh đã có những chính sách, chủ trương và định hướng để khai thác tối đa giá trị cây dừa như: Kế hoạch xây dựng vùng sản xuất dừa tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29 tháng 01 năm 2021 của Tỉnh ủy về việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29 tháng 01 năm 2021 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030; Kế hoạch triển khai Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực (cây dừa) đến năm 2030.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, nhằm cụ thể hóa Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phù hợp với tình hình thực tế địa phương, tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực (cây dừa) đến năm 2030.
Bến Tre đặt mục tiêu ổn định diện tích vườn dừa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế của vườn dừa; phát triển diện tích vườn dừa canh tác theo hướng hữu cơ trên cơ sở liên kết chuỗi giá trị bền vững. Địa phương đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm dừa thông qua việc chứng nhận hữu cơ, GAP và tương đương; cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói… theo yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
|
Đóng gói dừa tươi xuất khẩu tại Công ty TNHH Trái cây Mekong, xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre
|
Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu, khảo nghiệm về giống dừa, cung cấp cây giống dừa chất lượng cao cho nhu cầu trồng mới và cải tạo vườn dừa lão, kém hiệu quả; thực nghiệm trình diễn các mô hình canh tác dừa tiên tiến, hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với việc nghiên cứu phát triển, đa dạng hoá, chế biến sâu sản phẩm dừa đáp ứng nhu cầu của thị trường, tỉnh đồng thời phát triển thị trường xuất khẩu sản phẩm dừa, xây dựng thương hiệu vững chắc trên thị trường xuất khẩu chủ lực; nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành dừa, hiệu quả sản xuất, đời sống dân cư nông thôn và bảo vệ môi trường.
Giai đoạn 2024-2025, Bến Tre đặt mục tiêu phát triển ổn định diện tích dừa khoảng 79.000 ha. Tỉnh xây dựng vùng sản xuất tập trung dừa, gắn với phát triển chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tuần hoàn và chế biến sâu sản phẩm dừa.
Cụ thể, tỉnh phát triển 1.500 ha dừa hữu cơ, nâng tổng diện tích dừa hữu cơ toàn tỉnh lên 20.000 ha; diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 2.000 ha. Giai đoạn này, giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa tăng bình quân từ 17,2%/năm; kim ngạch xuất khẩu dừa tăng bình quân 23,58%/năm, đạt khoảng 1 tỷ USD.
Tiếp đó, giai đoạn 2026- 2030, Bến Tre phấn đấu duy trì và phát triển ổn định diện tích dừa khoảng 80.000 ha. Giai đoạn này, tỉnh phát triển 5.000 ha dừa hữu cơ, nâng tổng diện tích dừa hữu cơ toàn tỉnh lên 25.000 ha. Diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 6.000 ha. Giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa tăng bình quân từ 15,74%/năm; kim ngạch xuất khẩu dừa tăng bình quân 14,87%/năm, đạt khoảng 2 tỷ USD.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh, để đạt được mục tiêu về phát triển cây công nghiệp chủ lực (cây dừa) đến năm 2030, tỉnh sẽ triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp về tuyên truyền; xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và biến dừa; đẩy mạnh phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển dịch vụ du lịch
Tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin, quy định về xuất nhập khẩu dừa của các quốc gia trên thế giới để thông tin, chuyển kịp thời đến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dừa. Đồng thời, vận động, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ dừa, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng ngành dừa nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung.
Để phát triển ổn định, bền vững vùng sản xuất dừa tập trung, tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng chuỗi giá trị dừa, phát triển sản xuất dừa hữu cơ, xây dựng mã số vùng trồng dừa tươi nhằm đáp ứng nhu cầu tối đa nguyên liệu dừa chất lượng phục vụ cho chế biến và xuất khẩu của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Đến năm 2025, tỉnh duy trì và phát triển được 20.000 ha dừa hữu cơ, 2.000 ha dừa tươi được cấp mã số vùng trồng. Đến năm 2030, duy trì và phát triển 25.000 ha dừa hữu cơ, 6.000 ha dừa tươi được cấp mã số vùng trồng.
Công Trí
Nguồn: baotintuc.vn