8 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu gần 1,1 triệu tấn cà phê
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp

Bảng giá nguyên liệu công nghiệp

Giá cà phê xuất khẩu quay đầu tăng trở lại

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khép lại phiên giao dịch gần nhất, giá hai mặt hàng cà phê tăng lần lượt 2,3% với Arabica và 1,1% với Robusta. Rủi ro nguồn cung bị thu hẹp kết hợp với tỷ giá USD/BRL suy yếu là yếu tố quan trọng duy trì hỗ trợ đối với giá hai mặt hàng này.

Mới đây, ngân hàng Citi hạ dự báo mức thặng dư cà phê toàn cầu 2-3 triệu bao trong vụ 2024-2025 do sản lượng mới thu hoạch tại Brazil không đạt kỳ vọng. Trong khi đó, thị trường dự đoán khô hạn kéo dài tại vùng Đông Nam, khu vực sản xuất cà phê lớn nhất nước này sẽ làm giảm sản lượng vụ 2025-2026.

Tại Việt Nam, nguồn cung cạn kiệt ở tháng cuối niên vụ đang kéo theo tình trạng xuất khẩu ảm đạm. Ngoài ra, sản lượng giảm cũng đang gây áp lực lên hoạt động xuất khẩu cà phê Honduras, quốc gia sản xuất Arabica hàng đầu thế giới. Trong tháng 8, nước này chỉ xuất khẩu 280.000 bao cà phê, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn 37,5% so với mức trung bình ba năm. Tính chung cả niên vụ 2023-2024, lượng xuất khẩu cà phê ở mức thấp lịch sử.

Thêm vào đó, trong phiên giao dịch ngày hôm qua (17/9), mặc dù chỉ số Dollar Index phục hồi sau ba phiên giảm liên tiếp nhưng đồng Real của Brazil mạnh hơn đã kéo tỷ giá USD/BRL giảm 0,5%. Qua đó, đã hạn chế tâm lý bán hàng của nông dân Brazil.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (18/9), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đang hướng tới mốc 124.000 đồng/kg, hiện dao động trong khoảng 123.300 - 123.800 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg so với hôm qua.

Kim ngạch xuất khẩu cà phê sau 8 tháng gần bằng mức kỷ lục 4,2 tỷ USD

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 8 đạt 76.214 tấn, trị giá 402,2 triệu USD, giảm 9,9% về lượng nhưng tăng mạnh 55,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung 8 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,1 triệu tấn cà phê, thu về 4 tỷ USD. Mặc dù khối lượng xuất khẩu giảm 12,1%, giá trị xuất khẩu vẫn tăng tới 35,6% so với cùng kỳ năm trước.

8 tháng năm 2024, giá xuất khẩu cà phê ghi nhận mức tăng 54,3%, lên mức bình quân 3.800 USD/tấn

8 tháng năm 2024, giá xuất khẩu cà phê ghi nhận mức tăng 54,3%, lên mức bình quân 3.800 USD/tấn

Kim ngạch xuất khẩu cà phê sau 8 tháng đã gần bằng mức kỷ lục 4,2 tỷ USD đạt được trong cả năm ngoái. Trong tháng 8, giá cà phê xuất khẩu bình quân của Việt Nam đã thiết lập mức kỷ lục mới là 5.278 USD/tấn, tăng 6,6% so với tháng trước và tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bình quân 8 tháng năm 2024, giá xuất khẩu cà phê ghi nhận mức tăng 54,3%, lên mức bình quân 3.800 USD/tấn.

8 tháng đầu năm, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là khách hàng lớn nhất của ngành hàng cà phê Việt Nam. Thị trường này chiếm tới 39% về lượng và 38% trong tổng trị giá xuất khẩu cà phê của nước ta, với khối lượng đạt 412.179 tấn, trị giá trên 1,53 tỷ USD, giảm 9,4% về lượng và tăng 43,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, lượng cà phê xuất khẩu sang Đức giảm 10,9%; Italy giảm 13%; trong khi Tây Ban Nha và Hà Lan lại tăng mạnh 17% và 13,5%... Ngoài EU, lượng cà phê xuất khẩu sang một số thị trường lớn khác như Nhật Bản, Mỹ, Nga... cũng giảm so với cùng kỳ năm 2023 do nguồn cung hạn chế.

Kết thúc 11 tháng niên vụ 2023-2024 (tháng 10/2023 đến tháng 8/2024), Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,4 triệu tấn cà phê các loại, giảm 12,3% so với cùng kỳ niên vụ trước và chiếm khoảng 96% trong tổng số sản lượng vào khoảng 1,47 triệu tấn của niên vụ hiện tại. Nếu không tính lượng tồn kho từ niên vụ trước chuyển sang, Việt Nam chỉ còn khoảng gần 60.000 tấn cà phê để xuất khẩu trong tháng cuối cùng của niên vụ 2023-2024.

Lần đầu tiên giá cà phê đạt mức cao kỷ lục

Về tình hình thời vụ tại Việt Nam, các vườn cà phê đã bắt đầu xuất hiện những trái chín sớm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa bão nên vụ thu hoạch có thể bắt đầu muộn hơn so với bình thường. Theo các bản tin thời tiết, việc mưa bão có thể kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch cà phê trong thời gian tới. Năm nay cũng là lần đầu tiên giá cà phê đạt mức cao kỷ lục trước khi bước vào vụ thu hoạch.

Cà phê Tây nguyên vào vụ rộ từ tháng 11 đến tháng 12 nên giai đoạn hiện tại nguồn cung của Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong năm. Các nhà phân tích cũng cho biết, giá cà phê có thể tăng thêm trong những tháng tới khi tình hình nguồn cung toàn cầu trở nên tồi tệ hơn.

Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) - nhận định, dù vào mùa thu hoạch, sản lượng cà phê sẽ dồi dào nhưng giá cà phê vẫn có thể ổn định ở mức cao, có lợi cho người nông dân.

Thời gian tới, loại hạt này rất khó giảm sâu bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu dẫn đến giảm nguồn cung. Các cuộc xung đột địa chính trị trên thế giới, căng thẳng trên Biển Đỏ khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng. Cùng với đó, nhiều nhà đầu cơ tài chính trên thế giới chọn cà phê (sau dầu mỏ và vàng) để đầu cơ. Đây là các yếu tố tác động lớn đẩy giá cà phê trên toàn cầu tăng và neo ở mức cao, trong đó có giá cà phê ở Việt Nam.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất