(TTĐN) - Từ năm 1970, ngày 14 tháng 10 hàng năm đã được ba tổ chức tiêu chuẩn hàng đầu thế giới là Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC), Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) chọn là Ngày Tiêu chuẩn thế giới nhằm vinh danh những đóng góp và hợp tác của hàng nghìn chuyên gia, tổ chức trên toàn thế giới trong hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn.
|
Robot sử dụng trí tuệ nhân tạo được giới thiệu tại Ngày hội Xúc tiến giao thương Việt - Hàn. (Ảnh: TTXVN)
|
Năm 2021, ba tổ chức cùng thống nhất Chủ đề: “Tiêu chuẩn phục vụ các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) - Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn (Standards for SDGs - Our shared vision for a better world)” nhằm thể hiện vai trò của tiêu chuẩn trong việc đóng góp công cụ để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDG). Đó là những mục tiêu toàn cầu, phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng, thoát khỏi dịch bệnh, chiến tranh, bão lụt và an toàn trong cuộc sống.
Ngày Tiêu chuẩn thế giới năm 2024 được lựa chọn tập trung vào mục tiêu phát triển bền vững số 9 là Công nghiệp, đổi mới và cơ sở hạ tầng bền vững trong thời đại trí tuệ nhân tạo.
Trí tuệ nhân tạo là một trong những công nghệ nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia. Tuy nhiên, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào phát triển đem lại những cơ hội cũng như thách thức. Đó là vấn đề bảo vệ quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu cá nhân, an ninh việc làm, những tiêu chuẩn cần đặt ra cho trí tuệ nhân tạo…
Trên thế giới, một số quốc gia đã công bố những tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan tới trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa về trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam đến nay hầu như vẫn còn trống, chưa có một tiêu chuẩn cụ thể nào. Việc có tiêu chuẩn cụ thể về trí tuệ nhân tạo giúp định hình rõ ràng về công nghệ lõi của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các ngành, lĩnh vực khác nhau.
Hiện Việt Nam cũng đã đưa một số tiêu chuẩn có liên quan tới trí tuệ nhân tạo như trong Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13903:2023 (ISO/IEC TR 24028:2020) về Công nghệ thông tin - Trí tuệ nhân tạo -Tổng quan về tính đáng tin cậy trong trí tuệ nhân tạo. TCVN 13903:2023 do Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số Việt Nam biên soạn, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Theo đó, Tiêu chuẩn này đưa ra những thuật ngữ liên quan đến trí tuệ nhân tạo cần nắm; tổng quan về các khái niệm trí tuệ nhân tạo; các phương pháp tiếp cận để đánh giá tính khả dụng, khả năng phục hồi, tính tin cậy, độ chính xác, an toàn, bảo mật và quyền riêng tư của các hệ thống trí tuệ nhân tạo; đặc tả về các mức độ đáng tin cậy đối với các hệ thống trí tuệ nhân tạo nằm ngoài phạm vi của tiêu chuẩn này. Tuy nhiên, đây mới là những thông tin cơ bản, giải thích ý nghĩa, từ ngữ liên quan đến trí tuệ nhân tạo, không theo kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo hiện nay.
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa xây dựng và lấy ý kiến góp ý về dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về trí tuệ nhân tạo - quy trình vòng đời và yêu cầu chất lượng gồm 2 phần (siêu mô hình chất lượng và độ bền vững). Dự thảo Tiêu chuẩn do Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ công bố.
Theo dự thảo này, tiêu chuẩn về trí tuệ nhân tạo đề xuất sự khác biệt giữa các mô-đun AI liên quan đến tính an toàn, bảo mật, quyền riêng tư và mức độ phù hợp về đạo đức của từng AI; áp dụng cho tất cả các giai đoạn vòng đời của mô-đun AI từ khái niệm, phát triển, triển khai, vận hành và ngừng hoạt động; đồng thời đề cập đến các quy trình vòng đời khác nhau.
Thời gian gần đây, tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, thương mại điện tử… Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127 đối với Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030; trong đó, nhấn mạnh quan điểm xác định trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.
Việc đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể về trí tuệ nhân tạo không chỉ giúp quá trình phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam theo đúng lộ trình, ngày càng hiệu quả mà còn giúp tiếp cận, cải thiện hiệu quả và năng suất của hệ thống khoa học và nghiên cứu công nghệ trí tuệ nhân tạo, giúp giảm chi phí trùng lắp trong việc thu thập, chuyển giao và tái sử dụng dữ liệu và tài liệu khoa học; phát triển các sản phẩm và dịch vụ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo; từ đó, đóng góp cho quá trình chuyển đổi số, phát triển bền vững.
Thu Phương
Nguồn: baotintuc.vn