Động lực mới, khí thế mới cho phong trào thi đua yêu nước của Thủ đô

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao danh hiệu Anh hùng
Lao động cho TrườngTHCS Ngô Sỹ Liên và Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôntại Đại hội Thi đua yêu nước TP Hà Nội (Ảnh: thiduakhenthuong.org.vn)

Sức lan tỏa mạnh mẽ

Thấm nhuần "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 67 năm, thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng, Kết luận 83-KL/TW ngày 30/8/2010 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) “Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”, Chỉ thị 34-CT/TW, ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, trong những năm qua, thành phố Hà Nội luôn xác định phong trào thi đua yêu nước vừa là giải pháp, vừa là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của Thủ đô. Công tác thi đua khen thưởng ngày càng được đổi mới cả về nội dung và hình thức. Hàng năm, Thành phố đều tổ chức phát động thi đua, gắn các phong trào thi đua với việc đẩy mạnh triển khai thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", tập trung phát động thi đua theo chuyên đề, thi đua theo đợt.

Đặc biệt từ năm 2012 đến nay, Hà Nội đều xác định chủ đề, các khâu đột phá cho từng năm, như năm 2012 phát động thi đua tập trung thực hiện “Năm quy hoạch”, năm 2013 “Năm kỷ cương hành chính”; năm 2014 và năm 2015 là “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Việc lựa chọn khâu đột phá trong năm để phát động thi đua đã làm cho phong trào thi đua đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn, tạo sự tham gia của đông đảo các cấp, các ngành, cán bộ công chức và các tầng lớp nhân dân. Kết quả cho thấy, những lĩnh vực công tác trọng tâm được Thành phố lựa chọn làm chủ đề công tác của năm đều có bước chuyển biến rõ nét. Như trong công tác quy hoạch, chỉ trong năm 2012, Thành phố đã hoàn thành một khối lượng quy hoạch đồ sộ, từng bước cụ thể hóa Quy hoạch chung Thủ đô, triển khai các quy hoạch phân khu chức năng, nhất là tập trung xây dựng quy hoạch nông thôn mới… Phong trào thi đua thực hiện "Năm kỷ cương hành chính" cũng đã tác động, làm chuyển biến mạnh mẽ về kỷ cương hành chính, trách nhiệm và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Năm 2014, chỉ số CCHC của Hà Nội đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp vị trí thứ 26/63 tăng 6 bậc so với năm trước; Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin xếp thứ 2/63. Phong trào thi đua thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị" được tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, thu được kết quả tốt, Thành phố đã sáng, xanh, sạch, đẹp hơn, trật tự an toàn giao thông được đảm bảo.

Cùng với Thành phố, phong trào thi đua của các cấp, các ngành cũng có nhiều đổi mới. Như ngành thuế Thủ đô với các phong trào thi đua phát huy sáng kiến cải tiến nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn, thi đua xây dựng tập thể quản lý thuế mẫu mực... góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thu ngân sách hàng năm; phong trào “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” hàng năm đã phát huy tính năng động, sáng tạo của cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động. Nhiều đề tài, đề án, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của CBCNVCLĐ được ứng dụng trong thực tiễn đã tiết kiệm chi phí và mang lại giá trị kinh tế hàng tỷ đồng; Phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” tiếp tục phát triển được đông đảo nhân dân Hà Nội tham gia hưởng ứng, phong trào đã cổ vũ động viên mỗi cá nhân thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình với gia đình và xã hội, thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều gương dũng cảm quên mình vì việc nghĩa, gương dũng cảm truy bắt kẻ gian xuất hiện ngày càng nhiều.

Phong trào thi đua xây dựng đô thị, đảm bảo an toàn giao thông được thực hiện đồng bộ, bộ mặt đô thị có nhiều đổi mới ngày càng hiện đại. Tình trạng ùn tắc giao thông được từng bước được cải thiện. Những năm gần đây, Hà Nội là một trong những địa phương phấn đấu giảm được cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn giao thông, số người chết, số người bị thương. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", Thành phố Hà Nội đã phát động nhiều phong trào riêng như “Phát triển kinh tế ngoại thành, xây dựng nông thôn mới”, “Dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”, phong trào "Hiến đất làm đường"... Thông qua các phong trào, đến nay, Hà Nội đã có 121 xã nông thôn mới (chiếm hơn 1/5 số xã nông thôn mới của cả nước), được Trung ương đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu cả nước…

 Các công dân ưu tú Thủ đô được trao tặng danh hiệu

(Ảnh: laodong.com.vn)

Động lực để Thủ đô phát triển toàn diện

Trong 5 năm qua, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Thành phố cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn dự báo. Song, với khí thế thi đua sôi nổi, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân Thủ đô đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nổi bật là, Thủ đô đã hoàn thành ba mục tiêu lớn: kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển và có mức tăng trưởng khá. GRDP bình quân 5 năm dự kiến tăng 9,25%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 3.570 - 3.660 USD/người, tăng 1,73 - 1,78 lần so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế và tỷ trọng các nhóm ngành tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Liên kết kinh tế Vùng, đặc biệt là liên kết phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng với Thủ đô đạt kết quả tích cực. Hà Nội thực hiện tốt vai trò là trung tâm tài chính - ngân hàng, dịch vụ chất lượng cao của khu vực phía Bắc và cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5 năm ước đạt 714,5 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 7,1%/năm. Chi ngân sách địa phương trên 272,9 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân 7,7%/năm, cơ bản đảm bảo cân đối chi thường xuyên và tập trung cho đầu tư phát triển.

Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị được chú trọng, một số lĩnh vực trọng điểm có chuyển biến tốt hơn. Đời sống của nông dân Thủ đô được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tiếp tục tăng lên; bình quân đạt 28,6 triệu đồng/người/năm (năm 2015 ước tăng gấp gần 2 lần so với năm 2011). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,2% (năm 2011) xuống còn 2,89% (đầu năm 2015). Khoa học công nghệ được đẩy mạnh; Giáo dục Thủ đô tiếp tục được đổi mới, phát triển, dẫn đầu cả nước về các tiêu chí: quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp và chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn; Thể dục thể thao Thủ đô tiếp tục phát triển, một số chỉ tiêu khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, là đơn vị chủ lực của thể thao thành tích cao Việt Nam tại các đấu trường quốc tế và khu vực; Văn hoá tiếp tục phát triển; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đạt kết quả đáng ghi nhận; An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô được giữ vững; quốc phòng được củng cố, tăng cường; Hoạt động đối ngoại, hợp tác phát triển được mở rộng và tăng cường, góp phần nâng cao vị thế, uy tín Thủ đô.


Một góc Thủ đô Hà Nội (Ảnh: mytour.vn)

Trong 5 năm qua, số lượng khen thưởng toàn Thành phố đã phản ánh được tính tiêu biểu, nêu gương trong các phong trào thi đua ở các lĩnh vực, các đối tượng. Thành phố được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; 49 tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập các loại; 367 tập thể và 346 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động; 876 tập thể và 925 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 05 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; 8 cá nhân được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc... Cùng với đó, 1.834 lượt đơn vị xuất sắc được UBND Thành phố tặng Cờ thi đua trong dịp tổng kết hàng năm; 11.588 lượt tập thể, 18.652 cá nhân được tặng Bằng khen của UBND Thành phố (trong đó cán bộ cơ sở và người lao động trực tiếp là 17.772 cá nhân, chiếm 95,2%); 309 cá nhân được Thành phố tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua thành phố (trong đó: tỷ lệ lãnh đạo diện Thành uỷ quản lý chiếm 23,6%; trưởng phó phòng cấp sở, ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện chiếm 31,7%; đối tượng là nhân viên, giáo viên và người lao động, trực tiếp sản xuất, công tác, học tập chiếm 44,6%)... Kết quả trên sẽ là những động lực mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa cho các phong trào thi đua yêu nước của Thủ đô trong giai đoạn tiếp theo.

Nguyễn Văn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất