Bác sỹ khám “chay”
Tại buổi giao lưu với đại biểu tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX vào chiều 6/12, tại Hà Nội, cả hội trường lắng nghe câu chuyện xúc động về bác sỹ Bùi Đình Lĩnh (Giám đốc trung tâm Y tế Quân dân y huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận).
|
Bác sỹ Bùi Đình Lĩnh tại buổi giao lưu Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc (Ảnh: nld.com.vn) |
Tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình, bác sỹ Lĩnh vào Thuận Hải (nay là tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận) làm việc trong một bệnh viện nhà nước để đem những kiến thức về chuyên khoa ngoại, ngành sản khoa phục vụ bà con. Sau đó, nghe trên đảo Phú Quý thiếu bác sỹ, ông đã xung phong lên đường. Đó là quyết định mà cả gia đình ông cảm thấy ngỡ ngàng. Ngày đó, bệnh viện chỉ là một trạm xá lợp tôn xập xệ, không điện, với một số thiết bị y tế thô sơ.
Năm 1985, phương tiện nối đảo Phú Quý với đất liền chỉ là những chuyến tàu cá của ngư dân. Vào mùa biển động, những chiếc thuyền phải đánh vật với sóng lớn tới vài ngày mới có thể ra đến đảo. Ở thời điểm ấy, 11.000 cư dân trên đảo không có một bác sỹ nào. Hồi đó, mỗi năm trên đảo Phú Quý có khoảng 10 người chết do các bệnh ruột thừa hay sinh khó.
Bằng tình yêu nghề, trách nhiệm của một bác sỹ trước sức khỏe của người dân, tuy cơ sở vật chất, thiết bị y tế còn nhiều khó khăn nhưng bác sỹ Lĩnh đã mạnh dạn thực hiện các ca mổ cấp cứu cho hàng chục bệnh nhân trên đảo mỗi năm.
Đẩy lùi nỗi ám ảnh chết chóc từ căn bệnh ruột thừa của bà con nơi đây, với bác sỹ Lĩnh và các cán bộ y tế là một sự vượt khó ngoài sức tưởng tượng. Phòng điều trị không hề có một thiết bị máy móc nào ngoài ống nghe và nhiệt kế. Dần dần, cư dân trên đảo đã không còn ám ảnh nỗi sợ hãi về “ma cò mối” đến bắt người nữa. Không chỉ vậy, bác sỹ Lĩnh còn chữa khỏi cho người dân nhiều căn bệnh khác, làm thay đổi nhận thức của họ về bệnh tật.
Bác sỹ Lĩnh đã chữa bệnh cho bà con theo cách dựa vào những dấu hiệu lâm sàng mà chẩn đoán bệnh. Có những ca, vị bác sỹ này phải theo dõi sát sao 24/24h mới biết người đó bị bệnh gì. Có những ca nghi vấn ruột thừa, phải khám đi khám lại tới vài chục lần mới dám đưa ra kết luận.
Chính việc “khám chay” khiến ông quan tâm tới từng biểu hiện nhỏ nhất và gần gũi với người bệnh hơn. Có lẽ thách thức lớn nhất với bác sỹ Lĩnh chính là việc phẫu thuật cấp cứu.
Ông phải giành giật mạng sống của người dân với thần chết ở nơi thiếu thốn đủ bề. Trong ký ức của bác sỹ Lĩnh, ca mổ ruột thừa vào năm 1987 khiến ông “nhớ đời”. Lúc đó vào ban đêm, người dân chạy đến gọi bác sỹ Lĩnh nói rằng có người sắp chết.
Trong ánh đèn dầu lù mù, ông nhận ra gương mặt tái nhợt của ông Nguyễn Mọi đang nằm trên cáng. Một người đàn ông đứng cạnh bảo: “Có lẽ ông Mọi bị “ma cò mối” bắt rồi”. Hồi đó, bà con vẫn cho rằng, bệnh này phải nhờ thầy cúng mới có thể chữa được. “Đây là một ca mổ khó, ngay cả đối với bác sỹ ở bệnh viện có trang thiết bị đầy đủ trong đất liền. Bởi, ông Mọi bị đau ruột thừa, phát bệnh kéo dài gần 20 ngày. Khi đến bệnh viện thì ruột thừa đã vỡ. Sự sống của bệnh nhân chỉ còn tính bằng phút. Tuy nhiên, may mắn ca mổ đã thành công”, bác sỹ Lĩnh tâm sự.
Người dân trên đảo dành cho bác sỹ Lĩnh một tình cảm đặc biệt. Vì vậy, sau này, khi nhận được tin bác sỹ Lĩnh có quyết định trở về đất liền công tác, tất cả người dân trên đảo đều muốn giữ ông ở lại.
Liên tục các năm 1998, 2000, bác sỹ Lĩnh đều có quyết định chuyển công tác trở về đất liền, nhưng với trách nhiệm của người thầy thuốc và tình cảm với bà con trên đảo, ông đã ở lại với biển đảo xa xôi.
|
Bác sỹ Lĩnh khám bệnh cho bệnh nhân (Ảnh: suckhoedoisong.vn) |
Sự hy sinh thầm lặng
Để mang đến cho người dân trên đảo Phú Quý một chỗ dựa tin cậy về sức khỏe, xóa bỏ nỗi ám ảnh về bệnh tật, bản thân bác sỹ Lĩnh và người thân đã phải hy sinh những hạnh phúc riêng tư.
Câu chuyện về tình phụ tử của hai cha con bác sỹ Lĩnh đã gây xúc động trong buổi giao lưu hôm đó. Trải qua gần 30 năm sống và làm việc trên đảo Phú Quý, đồng nghĩa với việc bác sỹ Lĩnh sống xa gia đình, xa quê hương.
Ông coi đảo như quê hương, coi những cán bộ, chiến sỹ, bà con trên đảo như chính người thân ruột thịt của mình. Nơi quê nhà, bố mẹ, vợ con đều thiếu vắng bàn tay chăm sóc của ông hàng ngày.
Có mặt tại buổi giao lưu, những lời kể của con gái bác sỹ Lĩnh về ký ức lúc còn nhỏ khi người cha không ở nhà đã khiến cả hội trường lặng đi. Đâu đó có những giọt nước mắt. Thời gian trôi qua đã lâu nhưng khi nói về điều này, con gái bác sỹ Lĩnh vẫn không nén được cảm xúc: “Thời đó, một lần hiếm hoi bố từ đảo về quê. Tôi gặp bố ở ngoài cổng. Bố cho tôi bánh kẹo nhưng thú thực lúc đó tôi đâu có biết đó chính là bố mình. Tôi chạy vào khoe với mẹ rằng có một chú cho bánh. Lớn lên một chút, những lần về thăm nhà, rồi khi hết phép, bố xách hành lý bước đi, tôi lại bám lấy và không cho bố đi nữa. Lớn lên chút nữa, mỗi lần đi học về, tôi lại không dám bước vào nhà vì sợ sẽ cảm thấy sự trống vắng khi không có bố…”.
Bác sỹ Bùi Đình Lĩnh cũng tâm sự: “Có nhiều lúc phải suy nghĩ đắn đo, nhưng may mắn tôi có người vợ đảm đang, biết chia sẻ với chồng. Và một cô con gái thương yêu thường xuyên động viên bố yên tâm công tác. Thời gian tôi công tác trên đảo Phú Quý chắc chắn vợ tôi và con gái phải chịu thiệt thòi, nhưng họ không một lời trách mắng mà rất thông cảm cho tôi”.
Lá thư con gái tiếp thêm nghị lực
Bác Lĩnh chia sẻ: “Đó là lá thư con gái viết cho tôi khi học lớp 5”. Bác sẽ nhớ mãi những vần thơ này, những vần thơ đầy tự hào của cô con gái nhỏ, bác sẽ nhớ trong suốt những năm qua và trong cả phần đời còn lại. Những vần thơ đi kèm với chiếc khăn mùi xoa - “khăn để thấm nước mắt mỗi khi bố nhớ con” mà cô con gái nhét vội vào tay bố ngày ông trở vào Nam công tác:
“Bố em ở xa lắm
Tận miền đảo xa xôi
Bố là bác sĩ đó
Cứu chữa cho bệnh nhân
Ngày đêm bố tất bật
Vì bệnh nhân mong chờ
Thương bố em phải cố
Học hành chăm thật chăm”
Tình cảm trìu mến của con cái và những giọt nước mắt cố nén của người vợ nơi quê nhà, bác cất giữ nơi sâu kín nhất của trái tim mình, tập trung cho nhiệm vụ.
Sự gắn bó thủy chung của bác với mảnh đất xa xôi 30 năm trai trẻ, coi đây như quê hương thứ hai của mình mà tận tụy cứu chữa người bệnh, là một câu chuyện truyền cảm hứng thật sự!
TH