Yên Bái dành nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số
Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Bái giảm mạnh

Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Bái giảm mạnh

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đến nay, tỉnh Yên Bái đã tổ chức 65 hội nghị tập huấn cho hơn 4.500 lượt người; tổ chức nhiều đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm tại một số tỉnh trong nước, qua đó nâng cao nhận thức, kiến thức cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Anh Giàng A Tuấn ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái chia sẻ: “Sau khi qua đào tạo thì mình có tay nghề, có công ăn việc làm, làm một ngày có thể kiếm được 400.000-500.000 đồng”.

Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã khởi công xây dựng được hơn 200 công trình, với kinh phí thực hiện đạt trên 512 tỷ đồng, đứng thứ 3 trong số 14 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc về tiến độ giải ngân, qua đó từng bước làm thay đổi diện mạo vùng cao, miền núi. Cùng với đó, tỉnh cũng tập trung nguồn lực thực hiện một số nội dung như hỗ trợ nước phân tán; mua sắm nông cụ máy móc; phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch...

Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, cơ cấu kinh tế của các địa phương vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú, thu nhập được cải thiện, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường.

Ông Khang A Chua, Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: “Hàng năm, chúng  tôi bám sát chỉ đạo của cấp trên cũng như tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn, các chương trình đầu tư của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, đó là những nguồn lực rất lớn tác động để công tác giảm nghèo của huyện đạt được kết quả. Chúng tôi cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện cũng như đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện phụ trách các xã, thôn quan tâm tuyên truyền, vận động và có những hỗ trợ nhất định để người dân nâng cao nhận thức, ý thức tự vươn lên thoát nghèo bằng cách phát triển kinh tế hộ gia đình”.

Bên cạnh nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh Yên Bái cũng huy động từ nhiều nguồn để có trên 12.000 tỷ đồng phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tập trung vào hỗ trợ sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, giáo dục, y tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới... Chính vì vậy, số hộ nghèo toàn tỉnh đến hết năm 2022 giảm xuống còn 12,9% (giảm 5,15% so với 2021), trong đó hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 22,2% (giảm 8,15% so với 2021), vượt mục tiêu đề ra.

Bà Lò Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho hay: “Huyện triển khai thực hiện các chương trình, dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp tỉnh Yên Bái theo tinh thần Nghị quyết 69 của HĐND cũng như các đề án của huyện. Cùng với đó, tích cực vận động các tổ chức, cá nhân giúp đỡ về cơ sở vật chất, cây con giống, thiết bị phục vụ sản xuất để giúp cho các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo”.

Nhiều công trình được triển khai thi công làm thay đổi cơ sở hạ tầng cùng cao, miền núi Yên Bái

Nhiều công trình được triển khai thi công làm thay đổi cơ sở hạ tầng cùng cao, miền núi Yên Bái

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 tại tỉnh Yên Bái cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Do lần đầu tiên chương trình được ban hành nên có nhiều điểm mới về phương pháp tiếp cận, đối tượng, nội dung, phạm vi hỗ trợ, đặc biệt là việc tích hợp các chính sách liên quan đến nhiều đơn vị tổ chức hướng dẫn, triển khai thực hiện. Cùng với đó, văn bản hướng dẫn của một số bộ, ngành về địa bàn thực hiện chính sách có điểm chưa thống nhất, chưa phù hợp với tình hình thực tế; đội ngũ cán bộ cơ sở vùng dân tộc thiểu số có nơi chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn...

Ông Vàng A Rùa, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái nêu rõ: “Tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp cho cơ sở thực hiện tiểu dự án theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ở cơ sở để giúp cho cấp huyện, cấp xã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn sự nghiệp. Tập trung đầu tư vào các vùng trọng điểm hiện nay còn đặc biệt khó khăn; đặc biệt là cơ sở hạ tầng, có trọng tâm, trọng điểm để ưu tiên những vùng khó khăn nhất. Tổng hợp các ý kiến của các sở, ban, ngành, tham mưu UBND tỉnh để UBND tỉnh có văn bản báo cáo đề xuất với bộ, ngành của Trung ương các vướng mắc”.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể các địa phương tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý thức tự lực, tự cường của mỗi người dân để nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững.

Mục tiêu là đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số ở Yên Bái tăng trên 2 lần so với năm 2020; 50% số xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Hộ nghèo trong các dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn giảm bằng 1,5 lần so với mức giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất