Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Sức sống mới, khí thế mới đón Xuân

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng đến với các bản làng Tây Bắc, buôn làng Tây Nguyên hay các phum, sóc khu vực miền Tây Nam bộ hôm nay, dễ dàng cảm nhận khí thế mới, những đổi thay từ hạ tầng cơ sở đến đời sống người dân... Những đổi thay đó có được từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTSVMN) trong suốt quá trình vừa qua.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh gặp gỡ học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu. (Ảnh: UBDT)

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh gặp gỡ học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu. (Ảnh: UBDT)

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc HẦU A LỀNH: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTSVMN giai đoạn 2021 - 2030 được ban hành, đã đi sâu và bao phủ hầu hết các mặt của đời sống kinh tế - xã hội; ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất hiện nay của đồng bào dân tộc thiểu số như: Đất ở, nhà ở, nước sạch, đất sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản, cơ sở hạ tầng thiết yếu, giáo dục, đào tạo nghề...

Chương trình đã góp phần rất lớn phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng đồng bào DTTSVMN. Các nguồn lực, chính sách của chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh tập trung vào các địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTSVMN. Thông qua đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào; công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm.

Hướng đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến vùng đồng bào DTTSVMN đã được thể hiện bằng chủ trương, nghị quyết và cụ thể bằng những chính sách dành riêng... Là cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, Ủy ban Dân tộc đã tập trung quyết liệt, phối hợp có hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương vùng đồng bào DTTSVMN thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTSVMN nói riêng và cả nước nói chung.

Với công tác dân tộc, 2023 là năm bản lề quan trọng, với nhiều nhiệm vụ lớn để triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTSVMN giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTSVMN giai đoạn 2021 - 2030; các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...

Đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. (Ảnh minh họa)

Đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. (Ảnh minh họa)

Triển khai những chủ trương, chính sách lớn hướng đến vùng đồng bào DTTSVMN, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các bộ, ngành cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình công tác dân tộc với khối lượng công việc lớn, có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tế. Đặc biệt, thực hiện đồng thời 3 chương trình MTQG, trọng tâm là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTSVMN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719)...

Để nắm bắt và triển khai, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức các đoàn công tác đến hơn 40 địa phương và tham gia một số đoàn công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ làm việc tại một số tỉnh, thành phố vùng DTTSVMN... Ủy ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức biểu dương Người có uy tín; học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu, nhằm động viên, khích lệ tinh thần vươn lên, lan tỏa tấm gương điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTSVMN. Qua đó, góp phần khẳng định tính ưu việt của chính sách dân tộc; sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành và toàn xã hội dành cho đồng bào DTTSVMN.

Đổi thay ở những vùng đất “phên dậu”

Việc triển khai đồng bộ công tác dân tộc, chính sách đi vào đời sống đã giúp đổi thay ở vùng đồng bào DTTSVMN. Theo số liệu báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ước tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Công tác an sinh xã hội vùng đồng bào DTTSVMN được đảm bảo...

Không chỉ là những con số thống kê, ngày nay, khi hạ tầng cơ sở biên giới, vùng DTTSVMN sinh sống ở những mảnh đất “phên dậu”, địa đầu đã có nhiều thay đổi. Ánh điện từ nguồn điện lưới quốc gia đã thắp sáng nhiều thôn, bản. Hệ thống trường học, y tế được quan tâm đầu tư.

Đặc biệt, cùng với các tuyến đường cao tốc đã thông xe hoặc đang được đầu tư xây dựng đến với các tỉnh miền núi, biên giới, các tuyến đường liên thôn, liên huyện, đường nông thôn mới đến tận các thôn, bản cũng được đầu tư xây dựng... Có điện, có đường, đã giúp kết nối giao thương tiêu thụ hàng hóa nông sản của người dân. Nhiều xã, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTSVMN có điều kiện phát huy về khí hậu thổ nhưỡng, cảnh quan, văn hóa truyền thống để phát triển du lịch, nâng cao đời sống.

Thật mừng khi hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng lại thấy đăng tải nhiều hơn những câu chuyện về “tỷ phú vùng cao”, “tỷ phú nông dân”, “tỷ phú ở vùng đất khó”.../.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất