Vùng biên rộn ràng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc
Người dân bản Hợp 1, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ biểu diễn văn nghệ tại ngày hội. (Ảnh: Bích Nguyên)

Người dân bản Hợp 1, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ biểu diễn văn nghệ tại ngày hội. (Ảnh: Bích Nguyên)

Chúng tôi có mặt tại bản Dền Thàng A, xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu từ lúc mặt trời chưa nhô lên khỏi núi, sương bay bảng lảng. Cảnh núi rừng nên thơ được tô điểm thêm bởi sắc áo thổ cẩm sặc sỡ của đồng bào Mông rủ nhau xuống núi, tới Trường Tiểu học bán trú Dào San dự Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc.

Chưa đến giờ khai hội nhưng bà con nhân dân và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Dào San đã tề tựu đông đủ ở sân trường. Không chỉ có người Mông mà còn có cả người Dao, Hà Nhì. Tất cả đều mặc trang phục truyền thống rất đẹp. Năm nào cũng vậy, các thôn, bản ở xã Dào San đều tổ chức Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc. Hôm nay, bà con bản Dền Thàng A tổ chức ngày hội điểm của xã. Để không khí thêm đông vui và cũng nhằm thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc, người dân bản Dền Thàng A mời thêm bà con các dân tộc khác trong xã tới dự.

Bản Dền Thàng A có 186 hộ với 918 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Trong năm 2023, Ban Công tác Mặt trận bản đã tập hợp sự đoàn kết thống nhất cao giữa các tầng lớp nhân dân, khích lệ bà con hăng hái tham gia phát triển kinh tế, xây dựng khu dân cư ổn định và ngày càng phát triển về mọi mặt. Nhân dân đã gieo trồng được 97,8ha cây có hạt; phát triển đàn gia súc, gia cầm 3.806 con. Bình quân lương thực đầu người đạt 458kg/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/năm. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. 100% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Bà con trong bản tích cực tham gia xây dựng cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa cộng đồng, các công trình phục vụ sản xuất với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh trong đám cưới, đám tang và trong các lễ hội theo quy ước, hương ước. Trong năm có 149/186 hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.

Khi người dân đã ổn định chỗ ngồi, ngày hội mở màn với các tiết mục văn nghệ sôi động, đặc sắc của dân tộc Mông. Ngày hội năm nay, bà con vinh dự đón đồng chí Giàng A Tính, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu và các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, lãnh đạo BĐBP Lai Châu tới dự. Vì lẽ đó, không khí ngày hội thêm long trọng. Trong ánh nắng ban mai, nhân dân trong bản cùng hòa mình vào các điệu múa, bài hát truyền thống của dân tộc Mông. Tiếng khèn Mông réo rắt như lời tựa đưa mọi người hòa nhịp vào vòng xòe đoàn kết. Các đại biểu và cán bộ BĐBP nắm tay bà con nhân dân cùng chung nhịp múa thể hiện tình đoàn kết, gắn bó.

Ở phần lễ, bà con bản Dền Thàng A cùng nhau ôn lại truyền thống lịch sử 93 năm Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2023) và đánh giá sơ kết 1 năm thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới” do Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu phát động. Theo đó, trong năm 2023, các lực lượng Công an, Quân sự xã, Đồn Biên phòng Dào San vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, xây dựng khu dân cư an toàn về an ninh trật tự. Kết quả đó đã đóng góp chung vào thành tựu của toàn xã Dào San. Cụ thể, người dân đã tự nguyện giao nộp 30 khẩu súng tự chế; thành lập và duy trì hoạt động của 13 tổ an ninh nhân dân, 13 tổ hòa giải, 13 tổ dân phòng, 4 dòng họ tự quản về an ninh trật tự, hạn chế tệ nạn ma túy; lắp đặt được 5 “Hòm thư góp ý” (tố giác tội phạm) tại 5 bản trọng điểm.

Đồng chí Giàng A Tính rất vui khi biết được những kết quả trên. Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đề nghị bà con tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực hơn nữa trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, chung sức đồng lòng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn...

Lãnh đạo tỉnh Lai Châu, huyện Phong Thổ cùng người dân bản Dền Thàng A tham gia vòng xòe đoàn kết. (Ảnh: Bích Nguyên)

Lãnh đạo tỉnh Lai Châu, huyện Phong Thổ cùng người dân bản Dền Thàng A tham gia vòng xòe đoàn kết. (Ảnh: Bích Nguyên)

Từng tham dự rất nhiều Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc ở các thôn, bản biên giới, Đại tá Lê Công Thành, Phó Chính ủy BĐBP Lai Châu cảm nhận: “Bà con các dân tộc rất háo hức và phấn khởi tham dự ngày hội”. Trong nhiều năm qua, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lai Châu chỉ đạo, hướng dẫn các đồn Biên phòng cũng như MTTQ các cấp, đặc biệt là MTTQ các xã biên giới tổ chức tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách dân tộc, tôn giáo, chính sách ĐĐK các dân tộc trên địa bàn, vận động nhân dân cùng tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Năm 2022, BĐBP Lai Châu đã phát động phong trào “Toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới”. Năm nay, các địa phương trên toàn tuyến biên giới của tỉnh Lai Châu đều tổ chức Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc gắn với sơ kết 1 năm thực hiện phong trào trên.

“Cùng với việc tổ chức Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc, hằng năm, chúng tôi cũng phối hợp với MTTQ các cấp tổ chức Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Ngày hội Biên phòng toàn dân”, trong đó có nhiều hoạt động chăm lo cho người dân biên giới. Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa và có sức lan tỏa sâu rộng trên địa bàn biên giới. Chính vì điều đó đã góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc, mỗi người dân biên giới là một "cột mốc sống" bảo vệ biên giới, đúng như tinh thần của Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; phát huy tốt vai trò tự quản đường biên, cột mốc của quần chúng nhân dân theo Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới" - Đại tá Lê Công Thành nói.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất