|
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo đảm quyền chính trị, trong đó có quyền bầu cử, ứng cử cho người dân tộc thiểu số. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
|
Cơ sở pháp lý bảo đảm quyền tham gia chính trị, Quốc hội của người dân tộc thiểu số.
Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng chung sống lâu đời, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14 triệu người, chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước. Đường lối chính trị của nhà nước Việt Nam luôn khẳng định, các dân tộc thiểu số là bộ phận không thể tách rời quốc gia dân tộc và luôn coi trọng việc bảo đảm quyền chính trị, kinh tế, văn hóa, không phân biệt đối xử. Trong đó, có quyền tham gia vào hệ thống chính trị nhà nước, đặc biệt là đối với cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội.
Theo TS Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đó chính là cơ sở pháp lý để bảo đảm quyền tham gia chính trị, tham gia Quốc hội của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng chung sống lâu đời, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, với hơn 14 triệu người (chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước). Các dân tộc thiểu số có số dân không đồng đều, có nhóm đông hơn 1 triệu người như Tày, Thái, Mường, Khmer; có nhóm rất ít số dân dưới 1.000 người như Si La, Pu Péo, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm.
Địa bàn cư trú của các dân tộc thiểu số phân bổ trên 3/4 diện tích cả nước tại 51/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, chủ yếu ở vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và tây duyên hải miền trung.
Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013 ghi nhận quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân Việt Nam, không phân biệt dân tộc thiểu số hay đa số, chủng tộc, tôn giáo, không phân biệt đối xử, trong đó có quyền bầu cử, ứng cử.
Để tăng cường sự tham gia của đại diện các dân tộc trong cơ quan Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (1997) ghi rõ: “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa , nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật” (Điều 2); “Số đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến theo đề nghị của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, bảo đảm để các thành phần dân tộc thiểu số có số đại biểu thích đáng” (Điều 10).
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (2016) tiếp tục chỉ rõ: “Số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, bảo đảm ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số” (Khoản 2, Điều 8).
|
TS. Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. (Ảnh: TRUNG HƯNG)
|
Luật năm 1997 có giao một cơ quan Quốc hội là Hội đồng Dân tộc đảm trách việc chuẩn bị nhân sự là người dân tộc thiểu số ứng cử Quốc hội đã thể hiện việc tăng cường vị thế của cơ quan đại diện dân tộc trong Quốc hội trong công tác bầu cử. Trong khi đó, Luật năm 2016 đã có sự phát triển thêm một bước khi quy định tỷ lệ tối thiểu ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số về mặt định lượng (18%). Theo TS Nguyễn Lâm Thành, tỷ lệ này cao hơn tỷ lệ dân số dân tộc thiểu số so với dân số chung cả nước sẽ thúc đẩy cơ hội tham gia nhiều hơn đại diện dân tộc thiểu số.
“Có thể nói, suốt những năm vừa qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo đảm quyền chính trị, trong đó có quyền bầu cử, ứng cử cho người dân tộc thiểu số, bảo đảm tỷ lệ thích đáng, phù hợp đại diện các dân tộc trong cơ quan Quốc hội cũng như Hội đồng nhân dân các cấp”, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nêu rõ.
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo đảm quyền chính trị, trong đó có quyền bầu cử, ứng cử cho người dân tộc thiểu số, bảo đảm tỷ lệ thích đáng, phù hợp đại diện các dân tộc trong cơ quan Quốc hội cũng như Hội đồng nhân dân các cấp.
Kết quả bầu cử Quốc hội các khóa, nhất là những năm trở lại đây là minh chứng rõ nét cho đường lối chính trị của Việt Nam thực hiện nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc, không phân biệt đối xử và luôn tạo cơ hội cho các dân tộc hòa nhập vào sự phát triển chung của quốc gia dân tộc, góp phần thực hiện tốt các công ước quốc tế mà Việt Nam là quốc gia thành viên.
Cụ thể, số lượng đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số luôn chiếm tỷ lệ cao so với tỷ lệ dân số trong 3 nhiệm kỳ Quốc hội gần đây. Trong đó, nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016), tỷ lệ dân tộc thiểu số đạt 15,6%, nhiệm kỳ khóa XIV (2016-2021) đạt 17,3% và nhiệm kỳ khóa XV (2021-2026) đạt 17,8 %, với 89/499 đại biểu của 32 dân tộc trúng cử, cao nhất các khóa Quốc hội, tức gần với chỉ tiêu quy định mới về ứng cử viên dân tộc thiểu số theo luật định (18%).
Ngoài ra, tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 là 17,09%, cấp huyện là 18,23%, cấp xã là 20,55%.
|
Tỷ lệ đại biểu Quốc hội dân tộc thiểu số từ khóa I đến khóa XV (%). (Ảnh: NDO)
|
Về cơ cấu thành phần các dân tộc, mỗi nhiệm kỳ Quốc hội đều có đại diện của từ 28-32 dân tộc. Một số dân tộc có dân ít (dưới 10.000 người, đặc biệt dưới 1.000 người) sinh sống ở các vùng núi cao, hẻo lánh cũng có đại diện tham gia Quốc hội.
Đáng chú ý, khóa XIV, lần đầu tiên có đại diện dân tộc Mảng (dân số dưới 5.000 người) và khóa XV, lần đầu tiên có đại diện dân tộc Brâu (dân số dưới 1.000 người) và dân tộc Lự (dân số 6.000 người) tham gia Quốc hội.
Đến nay, đã có tổng số 52/54 dân tộc (bao gồm cả dân tộc Kinh) và 51/53 dân tộc thiểu số đã có đại diện tham gia Quốc hội qua các khóa. Hiện chỉ còn 2 dân tộc Ơ Đu (số dân dưới 1.000 người) và Ngái (số dân dưới 2.000 người) chưa có đại diện tham gia các khóa Quốc hội và đây cũng là mục tiêu Việt Nam phấn đấu để các dân tộc có đại biểu Quốc hội.
Tăng cường sự tham gia của dân tộc thiểu số vào cơ quan Quốc hội
Theo TS Nguyễn Lâm Thành, không nằm ngoài quy luật chung như các quốc gia có nhiều dân tộc và đặc điểm dân tộc như Việt Nam, có một số rào cản, hạn chế sự tham gia vào hệ thống chính trị, đặc biệt là cơ quan Quốc hội mà nguyên nhân sâu xa là từ điều kiện môi trường sống và môi trường phát triển.
Điểm chung nhất là do thiếu cơ hội học tập tốt nên chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số nói chung chưa cao, cơ hội có vị trí việc làm trong hệ thống các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội chưa nhiều dẫn đến cơ hội tham gia ứng cử hạn chế khi phải đáp ứng đủ các điều kiện về tiêu chuẩn ứng cử.
|
Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc, người dân tộc Mường (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình), trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: TRUNG HƯNG)
|
Hai là, những rào cản về mặt xã hội trong sự hòa nhập chung đối với người dân tộc thiểu số, do những quan niệm, định kiến có thể nảy sinh từ những khác biệt văn hóa, tập quán và cả nhận thức giữa các dân tộc.
Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều dân tộc, nhiều dân tộc có dân số ít nên việc bảo đảm cân bằng trong tương quan tính đại diện cũng là bài toán khó.
Trong công tác ứng cử, bản thân người dân tộc thiểu số đôi lúc còn thiếu tự tin. Một số ứng viên chưa chuẩn bị đủ các điều kiện về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và bản lĩnh khi xuất hiện trước công chúng cũng như các cuộc tiếp xúc cử tri. Một bộ phận cử tri còn chưa nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của bản thân trong bầu cử, về sự cần thiết có đại diện cho dân tộc trong cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước.
Để giải quyết những vấn đề trên, nhiều biện pháp đã được triển khai thực hiện nhằm tăng cường sự tham chính của đồng bào dân tộc thiểu số vào cơ quan Quốc hội, bảo đảm tính đại diện, cơ cấu tỷ lệ phù hợp gắn với nâng cao chất lượng ứng cử viên trong các cuộc bầu cử cũng như đại biểu Quốc hội khi trúng cử.
Trong đó, tập trung tiến hành phát hiện, tập hợp giới thiệu nguồn ứng cử; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng vận động tranh cử cho các ứng cử viên; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đặc biệt đối với cử tri, cử tri vùng dân tộc; tiến hành công tác đào đạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động Quốc hội cho các đại biểu trúng cử đại biểu Quốc hội, nhất là đối với đại biểu là người dân tộc thiểu số.
Trong mục tiêu dài hạn, để tăng cường sự tham gia của đại diện dân tộc thiểu số vào hệ thống cơ quan dân cử các cấp, nhất là cơ quan Quốc hội, TS Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, cần tiếp tục làm tốt công tác phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số ở từng cấp theo từng vị trí dự kiến cụ thể.
Đối với những cán bộ có tiềm năng nhưng còn chưa đủ chuẩn về trình độ chuyên môn hay lý luận chính trị, phải gấp rút đào tạo nhưng phải bảo đảm chất lượng.
Bên cạnh đó, mạnh dạn bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ dân tộc thiểu số vào nhiều lĩnh vực, vị trí, chú ý đến cơ cấu dân tộc trên địa bàn để bảo đảm tính đại diện, xây dựng lộ trình từng bước nâng chỉ tiêu cơ cấu tham gia của cán bộ dân tộc thiểu số vào hệ thống các cơ quan dân cử.
Ngoài ra, theo TS Nguyễn Lâm Thành, Nhà nước cũng cần ban hành các chính sách cụ thể, phù hợp hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt bậc phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số, chú trọng đối với các dân tộc ít người, rất ít người; xây dựng đội ngũ trí thức dân tộc, tạo tiền đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực./.
TRUNG HƯNG
Nguồn: nhandan.vn