(TTĐN) - Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 30/10, Quốc hội tiến hành thảo luận về việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Phiên thảo luận thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cư tri Thừa Thiên - Huế.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch chủ trì phiên họp. (Ảnh: TTXVN)
|
Cử tri Lê Nhã Phương (phường Hương Long, thành phố Huế) đánh giá, báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về ba chương trình mục tiêu quốc gia đã thể hiện đầy đủ, khách quan các kết quả đạt được, đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế vướng mắc trong quá trình thực hiện. Quá trình thảo luận các đại biểu đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực để đảm bảo các mục tiêu chương trình đề ra.
Cử tri Lê Nhã Phương cho rằng, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trong những năm qua có ý nghĩa quan trọng và tác động tích cực đến đời sống của người dân. Các chương trình đã đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo ở vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Các chương trình được triển khai đồng bộ ở nhiều địa phương đã góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn, tạo cơ hội và điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ về y tế, môi trường, an sinh xã hội; qua đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là việc huy động nguồn vốn đối ứng để thực hiện ở một số địa phương còn khó khăn, đặc biệt là ở các địa phương thuộc diện nghèo.
Theo cử tri Lê Nhã Phương, để thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, trước hết các địa phương cần tập trung triển khai đồng bộ giải pháp và lồng ghép sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ ba chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các phong trào thi đua “Xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững”; kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt, nhân rộng các mô hình điển hình đồng thời có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện các chương trình. Điểm chung của cả ba chương trình mục tiêu quốc gia là hướng đến người nghèo, vùng nông thôn, dân tộc thiểu số khó khăn nên các địa phương cần chú trọng và ưu tiên hàng đầu những giải pháp về phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cử tri Hồ Minh Phương, người có uy tín tại xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới nhận định những năm qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Tại địa bàn xã Quảng Nhâm, từ sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều dự án, mô hình phát triển kinh tế như mô hình trồng chuối, nuôi bò, nuôi gà, nuôi lợn từ đó giúp bà con có hướng làm ăn để xóa đói giảm nghèo; phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” nhằm khơi dậy ý chí tự lực. Để thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, người có uy tín, đảng viên cần đi đầu, gương mẫu trong thực hiện các chương trình này, từ đó tuyên truyền người dân nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân để chủ động, nỗ lực vươn lên thoát nghèo; tham gia tích cực các dự án, phong trào phát triển kinh tế. Cử tri Hồ Minh Phương kiến nghị Nhà nước tiếp tục hỗ trợ người dân trong xây dựng các mô hình phát triển sinh kế, đào tạo nghề cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Tường Vi
Nguồn: baotintuc.vn