(TTĐN)
- Chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân khu vực biên giới vừa là
nhiệm vụ, vừa là trách nhiệm, tình cảm của các thầy thuốc quân y Trạm xá
quân dân y Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện 30a Quế Phong (Nghệ An).
Những việc làm của các anh không chỉ tô thắm truyền thống bộ đội Cụ Hồ,
truyền thống gắn bó máu thịt giữa quân và dân nơi biên giới mà còn góp
phần thắt chặt tình đoàn kết quân dân nơi phên dậu Tổ quốc.
|
Cán bộ quân y đến tận nhà khám bệnh cho người dân Mường Lống. (Ảnh: nhandan.vn)
|
Theo lời dặn của các chú quân y, hôm nay bà Lỳ Thị Mại lại đến trạm quân y của Đồn Biên phòng Tri Lễ đóng ngay đầu bản Mường Lống để các chú kiểm tra sức khỏe. Bà Mại khoe: “Từ ngày có bác sĩ tại bản những người già như bà không phải phiền đến con cháu đưa đi ra tận trung tâm xã để khám bệnh nữa”.
Không chỉ bà, mà mọi người trong bản đều được thăm khám, chăm sóc sức khỏe thường xuyên. Đến trạm quân y ngoài thăm khám, kiểm tra sức khỏe, bà còn được dặn dò cẩn thận để chăm sóc sức khỏe tuổi già. Bà Mại chia sẻ thêm: "Giờ già rồi nên nhiều bệnh lắm, không có điều kiện đi khám chữa bệnh ở xa, chỉ cần đến trạm quân y là bộ đội biết bệnh. Các chú khám, cho thuốc đúng bệnh nên mau khỏi”.
Trạm xá quân dân y Mường Lống thuộc Đồn Biên phòng Tri Lễ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An được thành lập nhằm chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào bản Mường Lống, xã Tri Lễ và các vùng phụ cận; đồng thời, tận dụng, nghiên cứu, ứng dụng những bài thuốc, cây thuốc có sẵn trên địa bàn để nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe, sẵn sàng ứng phó, phòng chống thiên tai, dịch bệnh tại chỗ.
Theo già làng Xồng Bá Chù: Bản cách trung tâm xã Tri Lễ khoảng 30km đường rừng. Để đến được bản, chỉ có con đường đất độc đạo, đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Bản Mường Lống có 135 hộ, với hơn 800 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông; đời sống chủ yếu dựa vào nương rẫy. Đời sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, hơn 70%; tồn tại nhiều tập quán lạc hậu, tác động sâu sắc đến sức khỏe... Nên trước đây, khi chưa có trạm quân dân y này thì việc thăm khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe của người dân rất vất vả. Nhiều người bệnh nặng, phải đối mặt với tử thần nếu không kịp vận chuyển lên bệnh viện cách xa hàng chục ki-lô-mét.
Nay nhờ có trạm quân dân y của Đồn Biên phòng Tri Lễ đóng ngay tại bản, giúp việc chăm sóc và điều trị bệnh cho bà con rất thuận tiện. Trong bản có ai ốm đau, chuẩn bị sinh nở, thì đến trạm thăm khám, người yếu quá thì các chú bộ đội đến tận nhà khám và cho thuốc để nhanh khỏi. Chỉ những bệnh nặng mới phải đi bệnh viện huyện…
Để bảo đảm hoạt động hiệu quả của trạm quân dân y, ngoài thuốc men, dụng cụ, thiết bị chữa bệnh liên quan, Đồn Biên phòng Tri Lễ đã bố trí cán bộ quân y có chuyên môn thường xuyên bám trực tại trạm để khám, tư vấn sức khỏe và điều trị bệnh cho người dân.
Không những thế, các cán bộ quân y còn là những người am hiểu phong tục tập quán, nói được tiếng của đồng bào nên rất thuận tiện trong việc khám và tư vấn sức khỏe cho người dân.
Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Lê Anh Đức, quân y Đồn Biên phòng Tri Lễ, là một trong những người được đơn vị giao nhiệm vụ thường trực tại trạm chia sẻ: “Do đặc điểm về khí hậu, thời tiết nơi đây khắc nghiệt nên bà con thường mắc các bệnh về đường hô hấp, ngoài ra do phong tục tập quán sinh hoạt, ăn uống chưa hợp vệ sinh nên một số người dân còn mắc một số bệnh về đường ruột, xương khớp... Nên ngoài việc thăm, chữa bệnh, quân y chúng tôi còn vận động người dân ở đây phải ăn chín, uống sôi, ăn uống hợp vệ sinh; về mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, khi ra khỏi nhà hay đi làm rẫy phải đội mũ kín tai, đeo khẩu trang…”
Có bác sĩ quân y tại bản, người dân không chỉ được khám, cấp thuốc miễn phí theo phương pháp khoa học, mà các cán bộ quân y còn tuyên truyền nâng cao nhận thức về khám, chữa bệnh của đồng bào khi bị ốm đau.
|
Cán bộ trạm quân dân y Mường Lống đến tận các gia đình tuyên truyền người dân bảo đảm vệ sinh trong sinh hoạt, ăn uống. (Ảnh: nhandan.vn)
|
Như trường hợp của bố anh Và Bá Dìa, bản Mường Lống là một thí dụ. Do bệnh nặng, gia đình chữa trị nhiều nơi nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm, nghe một số người dân nói, phải tụng kinh cho bố anh và bỏ bàn thờ tổ tiên thì bệnh sẽ khỏi; nhưng sau một thời gian thực hiện, bệnh của bố vẫn không khỏi mà còn nặng hơn. Sau khi được tuyên truyền, được quân y chữa bệnh bằng phương pháp khoa học, bệnh tình của bố anh Dìa đã có chuyển biến tốt, gia đình cũng đã lập lại bàn thờ theo phong tục của đồng bào…
Được biết, trạm quân dân y Mường Lống được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2021. Từ ngày thành lập đến nay đã khám, điều trị cho 360 lượt người dân trên địa bàn; bình quân mỗi tháng, khám và điều trị cho khoảng 20 người. Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Lê Anh Đức, quân y Đồn Biên phòng Tri Lễ đã nghiên cứu ra bài thuốc cứu người ăn lá ngón tự tử và đã cứu sống được khoảng 20 người ăn lá ngón tự tử.
Ngoài trạm quân dân y Mường Lống, hiện nay trên tuyến biên giới của tỉnh, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã triển khai 6 phòng khám quân dân y và 2 tủ thuốc biên cương, hằng tháng, khám, điều trị và tư vấn sức khỏe cho hàng trăm bệnh nhân. Ngoài khám, chữa bệnh các bác sĩ quân y nơi đây còn là những tuyên truyền viên tuyên truyền người dân trên địa bàn chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình và đặc biệt là phòng, chống các loại dịch bệnh… là cánh tay nối dài của y tế nơi vùng sâu, vùng xa biên giới Nghệ An./.
Thành Châu-Hải Thượng
Nguồn: nhandan.vn