|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đồng bào dân tộc thiểu số xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế (tháng 3/2014). (Ảnh: Tư liệu)
|
Trong 12 năm, từ chuyến đi đầu tiên (tháng 9/2011) tới tỉnh Thanh Hoá đến chuyến đi cuối cùng (tháng 9/2023) tại tỉnh Quảng Ninh, Tổng Bí thư đã đến thăm tất cả 52 tỉnh, thành phố vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Thật khâm phục sức làm việc phi thường của người đứng đầu Đảng ta. Dù vô cùng bận rộn với biết bao công việc đối nội, đối ngoại của quốc gia, thậm chí ngay cả khi đã ngoài 79 tuổi, Tổng Bí thư vẫn dành thời gian về với vùng đồng bào DTTS&MN.
Trong các chuyến thăm vùng đồng bào DTTS&MN, có những chuyến do địa phương bố trí, có những chuyến Tổng Bí thư xuống thẳng với đồng bào trước khi làm việc với lãnh đạo địa phương. Dù theo cách nào thì hầu hết những nơi mà Tổng Bí thư trực tiếp xuống thăm đều là những xã, thôn đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ đồng bào DTTS và hộ nghèo rất cao. Điều đó cho thấy tình cảm thương yêu vô bờ bến của Tổng Bí thư với đồng bào DTTS ở những nơi xa xôi nhất, nghèo nhất, khó khăn nhất. Và những cái nắm tay, những nụ cười rạng rỡ khi đón Tổng Bí thư là hình ảnh vô cùng đẹp, là cảm nhận của đồng bào về sự giản dị, gần gũi, chân tình, luôn gần dân, sát dân, lắng nghe tiếng nói của dân của người đứng đầu Đảng ta.
Ở những nơi đến thăm, trong không khí thân tình, cởi mở, dân chủ, Tổng Bí thư đều dành nhiều thời gian trò chuyện với đồng bào về đời sống, sản xuất... Tổng Bí thư luôn quan sát tinh tường, vui cùng niềm vui của đồng bào trước mỗi thành quả đạt được. “Tôi thấy trụ sở hành chính đơn giản nhưng trường học, trạm xá, đường giao thông kiên cố, sạch đẹp… như vậy thật đáng mừng; thấy khẩu khí của cán bộ và nhân dân nơi đây phấn khởi, mừng rỡ”, Tổng Bí thư đã tâm tình như thế trong lần về thăm đồng bào xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế (tháng 3/2014).
Ở những nơi đến thăm, Tổng Bí thư luôn căn dặn bà con những việc làm cụ thể, gần gũi mà ai cũng dễ hiểu, dễ làm theo như: Không sa đà vào rượu chè, cờ bạc; không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch…
Ở những nơi đến thăm, Tổng Bí thư luôn day dứt vì sao tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn rất cao so với bình quân chung của cả nước. Tổng Bí thư đã cùng đồng bào thảo luận, phân tích, tìm hiểu đến tận cùng nguyên nhân để đề ra các giải pháp khắc phục. Chẳng hạn tại xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai (tháng 4/2017), nhất trí với bà con thiếu nước là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Phải giải quyết cho được vấn đề thuỷ lợi, ở đây chính là nước ăn uống và đặc biệt là nước sản xuất”; đồng thời chỉ đạo đẩy nhanh dự án xây dựng công trình thuỷ lợi Plei Keo, tạo điều kiện cho đồng bào có nước sinh hoạt, sản xuất, trước hết là phục vụ sản xuất cho 500 ha đất nông nghiệp.
Cùng bà con truy đến tận cùng các nguyên nhân khách quan, Tổng Bí thư cũng gợi mở nhiều giải pháp để đồng bào có thể thoát nghèo bền vững. Đó là cần nâng cao dân trí, thay đổi cách nghĩ, cách làm, có ý chí mạnh mẽ vươn lên, quyết không chịu đói nghèo. “Trong báo cáo của xã có tổ chức hàng loạt cuộc vận động, trong đó tôi để ý có cuộc vận động thay đổi cách nghĩ, nếp làm trong đồng bào DTTS, để từng bước thoát nghèo bền vững. Chúng ta phải tự đổi mới, nâng cao trình độ lên, vươn lên, nghĩ xa hơn nữa” - lời căn dặn sâu sắc của Tổng Bí thư không chỉ đúng với đồng bào xã Ayun mà còn phù hợp với đồng bào DTTS ở khắp mọi miền Tổ quốc và mãi giữ nguyên tính thời sự theo thời gian.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận vòng lưu niệm của đồng bào xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk (tháng 11/2018). (Ảnh: Tư liệu)
|
Chị Lý Thị Xanh, người dân tộc Nùng, thành viên trong một gia đình có công với cách mạng bồi hồi nhớ lại, tháng 4/2015, chị được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp đồng chí đến dâng hương, dâng hoa và trồng cây lưu niệm tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Gần 10 năm trôi qua nhưng hình ảnh Tổng Bí thư với mái tóc bạc trắng, nụ cười đôn hậu, hiền từ cùng những lời hỏi thăm ân cần về sức khỏe, công việc, gia đình luôn in sâu tiềm thức chị. “Khi được tin Tổng Bí thư qua đời, cả thị trấn Hà Quảng buồn lặng vì tiếc thương, song ai cũng sẽ nén đau thương để biến thành hành động, sống nhân văn, nhân nghĩa và bao dung với nhau hơn” - chị Xanh nói.
Còn với ông Đặng Hải Quân, Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, dù chưa từng được gặp Tổng Bí thư ở ngoài đời nhưng qua thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, học tập những tác phẩm mang tính lý luận, thực tiễn cũng như về đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông cảm nhận được Tổng Bí thư là một vị lãnh đạo vô cùng đức độ, tâm huyết dành cả cuộc đời hết lòng vì nước, vì dân, vì chủ nghĩa xã hội; gần gũi, tình cảm với Nhân dân. “Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Hữu Lũng, trong đó có tôi, luôn khắc ghi nhân cách, tư tưởng đạo đức cách mạng của đồng chí Nguyễn Phú Trọng; nguyện học tập tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của Tổng Bí thư - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, ông Quân bộc bạch.
Những ngày này, đồng bào các DTTS trên cả nước đều hướng về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với niềm tiếc thương vô hạn. Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành tình cảm sâu sắc và sự quan tâm đặc biệt đến đồng bào các DTTS. Đó không chỉ là trách nhiệm của người đứng đầu Đảng ta mà còn là tình cảm chân thành, thuần khiết của một người cộng sản dành cho đồng bào. Trong cuộc đời cách mạng của mình, nhất là trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở cả hệ thống chính trị cùng quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống của đồng bào và tập trung phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS&MN.
Xin được bày tỏ lòng biết ơn và kính cẩn nghiêng mình trước một nhà lý luận xuất sắc, một trái tim vĩ đại đến tận hơi thở cuối cùng vẫn luôn vang lên những nhịp đập nhiệt huyết vì cuộc sống mới tốt đẹp hơn, vì sự phát triển bền vững của vùng đồng bào DTTS&MN - cái nôi của cách mạng Việt Nam trở thành hiện thực./.
Phương Liên
Nguồn: bienphong.com.vn