(TTĐN) - Những năm gần đây, bên cạnh sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tạo nguồn sinh kế, thì việc đổi mới tư duy trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở tỉnh Kon Tum cũng đã mang lại những hiệu ứng tích cực. Nói một cách khác, muốn phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững nhất thì phải “giải mã” những “căn bệnh” vốn đã kìm hãm rất lâu trong đời sống cộng đồng. Trên địa bàn biên giới, phát huy vai trò lực lượng chủ công trong công tác dân vận, BĐBP Kon Tum đã đi sâu đi sát, nắm chắc thực trạng đời sống nhân dân, triển khai nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội đạt hiệu quả cao…
|
Mô hình hướng dẫn nhân dân trồng lúa nước tại hộ gia đình ông A Liên do Đồn Biên phòng Sa Loong (BĐBP Kon Tum) triển khai. (Ảnh: Thái Kim Nga)
|
Đẩy mạnh trợ giúp người “không biết làm”…
Với dân số khoảng 67 nghìn người đến từ 25 dân tộc anh em, sống rải rác trên địa bàn 99 thôn, làng thuộc 13 xã, 4 huyện, có thể nói khu vực biên giới tỉnh Kon Tum là nơi có mật độ dân cư “mỏng” nhất so với cả nước. Đây cũng chính là khu vực có điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở bậc nhất trên địa bàn Tây Nguyên, với khoảng ¾ diện tích là đồi núi, sông suối, trong đó có những khu dân cư tọa lạc trên điểm cao gần 1.000m so với mực nước biển. Nói như thế để hình dung những khó khăn trong đầu tư phát triển, nhất là những vấn đề liên quan đến kết cấu hạ tầng và an sinh xã hội.
Thực tế cho thấy, so với mặt bằng chung, đời sống nhân dân nhất là đồng bào DTTS trên khu vực biên giới tỉnh Kon Tum vẫn còn một khoảng cách khá lớn. Một bộ phận nhỏ nhân dân hoặc là thiếu kiến thức, tư liệu sản xuất, không có khả năng tự thân vận động (tạm gọi là chưa biết làm) hoặc vẫn còn tự ti, ngại đổi mới, thậm chí là trông chờ ỷ lại (biết mà chưa làm).
Câu chuyện về mô hình trồng lúa nước ở gia đình ông A Liên, thôn Giang Lố 1, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, hay rộng hơn là sự đồng hành của BĐBP dành cho người yếu thế trên địa bàn (hộ gia đình đặc biệt khó khăn, người neo đơn không nơi nương tựa) là minh chứng điển hình cho nhóm thứ nhất. Và đây cũng chính là lời khẳng định tính hiệu quả trong tuyên truyền, hướng dẫn, trợ giúp nhân dân thay đổi nếp nghĩ cách làm trong phát triển kinh tế xã hội của người lính Biên phòng.
Năm 2021, cùng với việc hỗ trợ nguồn con giống phát triển chăn nuôi, Đồn Biên phòng Sa Loong (BĐBP Kon Tum) đã khởi động mô hình trồng lúa nước cho hộ gia đình ông A Liên ở thôn Giang Lố 1. “Bài học đầu tiên” chưa bao giờ là chuyện đơn giản, nhất là đối với những chủ nhân nơi đất làng vốn đã quá quen với việc chọc tỉa trên non cao như hộ gia đình ông A Liên. Mọi công đoạn từ đào đất, lật cỏ, phay nhỏ, bỏ phân ngay tại cánh đồng đều là bài học, không chỉ dành riêng cho gia đình A Liên mà còn là nơi để bà con DTTS Xê Đăng, K’Dong trong vùng tìm đến tiếp cận học hỏi.
Với cách làm “cầm tay chỉ việc”, trực quan sinh động, ngay trong vụ lúa đầu tiên, gia đình ông A Liên đã vững các khâu kỹ thuật canh tác lúa nước, chăm sóc đúng thời vụ để đạt năng suất hơn 8 tấn/ha: “Mình không bao giờ nghĩ lại làm được nhiều lúa như thế. Với 4 sào đất, mỗi năm làm được 2 vụ, ít nhất nhà mình cũng có 6 tấn lúa, trong khi trước đây năm nào thuận lợi nhất cũng chỉ được 6 tạ mà thôi. Nếu không có BĐBP giúp đỡ, chắc chắn nhà mình sẽ không bao giờ làm được như thế.”- Người đàn ông DTTS Xê Đăng ngỡ ngàng chia sẻ với chúng tôi.
|
BĐBP Kon Tum tuyên truyền vận động giúp nhân dân cải tạo vườn tạp, phát triển vườn cây ăn quả. (Ảnh: Thái Kim Nga)
|
Có thể nói những câu chuyện tương tự như hộ gia đình A Liên trên biên giới Kon Tum vẫn còn khá phổ biến, dù điều kiện phát triển không phải không có. Vấn đề ở chỗ bà con chưa được “lấp đầy” kiến thức, hoặc thiếu tư liệu, nguồn vốn phục vụ sản xuất nên không thể tạo ra bước đột phá. Với cách làm tương tự hộ gia đình ông A Liên, từ năm 2021 đến nay, BĐBP Kon Tum đã triển khai nhiều mô hình trợ giúp phát triển kinh tế như trồng lúa nước, trồng sâm dây trên địa bàn các xã Đăk Plô, Đăk Nhoong (huyện Đắk Glei), xã Mo Rai (Sa Thầy); chăn nuôi bò, heo sọc dưa, gà vịt bán tự nhiên ở các xã Sa Loong (Ngọc Hồi), Đăk Long (Đăk Glei), Ia Dom, Ia Tơl, Ia Đal (Ia Hdrai); trực tiếp đỡ đầu hơn 200 hộ gia đình đồng bào DTTS trên địa bàn biên giới vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đặc trị căn bệnh “biết mà không làm”
Đây có thể nói là “căn bệnh” còn khá phổ biến không chỉ trên khu vực biên giới tỉnh Kon Tum mà thấp thoáng đâu đó ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn Tây Nguyên nói chung. Nhiều hộ gia đình mặc dù biết sản xuất lúa nước năng xuất vượt trội so với lúa nương một vụ nhưng vẫn giữ khư khư lối canh tác truyền thống, biết chăn nuôi đàn gia súc theo hướng nuôi nhốt tập trung hiệu quả hơn nhiều nhưng vẫn lựa chọn cách thả rông, biết chuyện ma chay cúng tế, tiệc tùng dài ngày tốn kém, duy trì các hủ tục vừa mất an toàn vệ sinh, vừa ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục nhưng vẫn không chịu thay đổi. Cùng với đó là tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, làm đến đâu tiêu đến đó, thậm chí có gia đình sẵn sàng giết mổ cả con trâu, con bò từ nguồn giống hỗ trợ xóa đói giảm nghèo để phục vụ “bữa tiệc cộng đồng” hơn là bán lấy vốn tái đầu tư sản xuất.
Để đặc trị “căn bệnh” nêu trên, BĐBP Kon Tum một mặt tham mưu, phối hợp với chính quyền cơ sở (xã, thôn, làng) kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong cộng đồng, mặt khác triển khai các “cánh quân” làm công tác dân vận như đội ngũ cán bộ tăng cường xã, đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ thôn làng, phụ trách hộ gia đình, cán bộ người DTTS đồn Biên phòng kết nghĩa hộ gia đình DTTS trên địa bàn... Đồng thời, tập trung tuyên truyền, vận động bà con nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các hương ước, quy ước xây dựng làng văn hóa, khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa, từng bước loại bỏ những nếp nghĩ, cách làm cổ hủ lạc hậu ra khỏi đời sống cộng đồng.
|
Thiếu tá Xiêng Văn Bức, đảng viên Đồn Biên phòng Đắk Long kết nghĩa với hộ gia đình A Biên. (Ảnh: Thái Kim Nga)
|
Câu chuyện về gia đình ông A Biên ở thôn Đăk Ôn, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei là ví dụ. Mặc dù được sở hữu 2,5ha đất trồng màu và hơn 1,5ha cà phê đang trong thời kỳ thu hoạch, song trước đây người đàn ông dân tộc HLăng này thường xuyên bỏ bê việc đồng áng, lén lút vào rừng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Hệ quả là kinh tế gia đình ngày càng lụn bại, cây trồng, vật nuôi èo uột, con cái thì đứng trước nguy cơ phải bỏ học sớm. Để giúp gia đình A Biên từng bước ổn định sản xuất, Đồn Biên phòng Đăk Long phân công Thiếu tá Xiêng Văn Bức (dân tộc Dẻ Triêng) xuống trực tiếp đồng hành theo chủ trương đảng viên người DTTS đồn Biên phòng kết nghĩa đỡ đầu với hộ gia đình người DTTS do Đảng ủy BĐBP Kon Tum khởi xướng.
Chính “làn gió mát” mang tên BĐBP đã giúp A Biên sớm cởi bỏ được “nút thắt”, lo tu chí làm ăn. Toàn bộ diện tích đất canh tác được đầu tư, kiến tạo lại từ đầu, cùng với đó là đàn gia súc, gia cầm phát triển quy mô hơn đã giúp cho kinh tế gia đình A Biên nhanh chóng khởi sắc. Từ năm 2021 đến nay, tổng thu nhập của gia đình A Biên luôn ổn định ở mức gần 100 triệu đồng/năm, một con số không quá lớn nhưng rất ổn đối với cư dân vùng biên giới.
Đại tá Lê Minh Chính, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Kon Tum chia sẻ: “Bên cạnh lực lượng làm công tác dân vận tại địa bàn, cán bộ tăng cường cho xã, thôn biên giới, chúng tôi hiện có 279 đảng viên đồn Biên phòng phụ trách, giúp đỡ 985 hộ gia đình nghèo trên khu vực biên giới. Việc đảng viên đồn Biên phòng sâu sát địa bàn không chỉ giúp bà con trong lao động sản xuất mà còn phát hiện, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong đời sống cộng đồng, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xây dựng địa bàn biên giới ngày càng phát triển...”./.
Thái Kim Nga
Nguồn: bienphong.com.vn