Thanh Hóa: Xóa bỏ hủ tục lạc hậu của đồng bào dân tộc Mông
Tuyên truyền nếp sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa

Tuyên truyền nếp sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa

Theo số liệu từ Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay sinh sống tại 44 bản thuộc 10 xã của các huyện Mường Lát, Quan Hóa và Quan Sơn với gần 3.700 hộ, chiếm trên 17% tổng số đồng bào khu vực miền núi. Hầu hết các hộ dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, thiếu tư duy, phương thức làm giàu. Nhiều hủ tục lạc hậu đeo bám khiến đồng bào dân tộc Mông vẫn còn nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn.

Có thể nói, đồng bào dân tộc Mông sống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có đời sống văn hóa, tinh thần rất phong phú và độc đáo. Bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cần được bảo tồn, phát huy thì vẫn còn không ít các hủ tục đeo bám trong đời sống của đồng bào dân tộc Mông cần phải xóa bỏ. Đặc biệt là trong tang lễ, với thói quen không bỏ người chết vào trong quan tài mà được đưa lên cáng treo giữa ngôi nhà. Người chết để lâu ngày, mổ nhiều trâu, bò để “báo hiếu” với người quá cố.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, năm 2013, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông đến năm 2020”. Nhiều biện pháp, cách thức được tổ chức rộng rãi, sinh động thực hiện ở các bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống thuộc các huyện Mường Lát, Quan Hóa và Quan Sơn. Từ đó làm thay đổi dần nhận thức, chuyển biến trong đời sống văn hóa.

Để xóa bỏ hủ tục lạc hậu của đồng bào dân tộc Mông, các cơ quan chức năng; các địa phương của tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò người có uy tín, có học thức trong bản để vận động, tuyên truyền đến từng hộ. Trong số đó, ông Lầu Minh Pó, dân tộc Mông, trú tại bản Pù Toong, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát luôn trăn trở và quyết tâm cùng chính quyền địa phương đẩy lùi hủ tục lạc hậu. Ông cũng là người đầu tiên mạnh dạn thực hiện xóa bỏ hủ tục lạc hậu này khi người thân của mình chết để tuyên truyền cho mọi người noi theo.

Ông Lầu Minh Pó được tuyên dương vì nỗ lực xóa bỏ hủ tục lạc hậu của đồng bào dân tộc Mông.

Ông Lầu Minh Pó được tuyên dương vì nỗ lực xóa bỏ hủ tục lạc hậu của đồng bào dân tộc Mông.

Ông Lầu Minh Pó kể lại: “Xác định để đồng bào nghe và làm theo thì phải thực hiện ngay từ trong gia đình mình. Ngày 22/3/2013, ông cố nội của tôi là ông Lầu Chứ Dơ ở bản Pha Đén, xã Pù Nhi qua đời. Tôi đã triệu tập họp dòng họ, đồng thời giao nhiệm vụ cho một số anh em cán bộ, công chức là người họ Lầu phụ trách tâm sự, thuyết phục, vận động các cụ già làng, những người có tiếng nói trong việc tổ chức tang lễ. Chúng tôi đã thành công, đây cũng là đám tang đầu tiên của đồng bào Mông Thanh Hóa đưa người chết vào quan tài. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn bị một số anh em trong dòng họ và ngay trong gia đình chỉ trích, phê phán không đồng tình ủng hộ. Nhưng tôi thiết nghĩ đây là một cuộc cách mạng làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm phù hợp với xu thế phát triển, tiến bộ của xã hội mà bao lớp trẻ đồng bào Mông đang mong muốn mà chưa ai dám đột phá, vượt qua”.

Cũng như ông Pó, Thao Văn Dia là một người Mông có uy tín, trú tại bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn đã tích cực đi từng bản, từng nhà để khai phá những hủ tục lạc hậu để đồng bào thực hiện tốt nếp sống văn hóa trong tang lễ, đưa người chết vào quan tài và chôn cất trong vòng 48 giờ đồng hồ. Việc thực hiện tang lễ được đưa vào hương ước của bản. Khi có người trong bản chết, các hộ đều thực hiện giống nhau, không phân biệt giàu nghèo, dòng họ, mọi người, mọi nhà, mọi dòng họ đều phải chấp hành đúng theo hương ước, quy ước của bản cũng như thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Từ năm 2013 đến nay, những người chết đã được đưa vào quan tài.

Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho thấy, với sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành; các địa phương, đến nay 100% đám tang đều đưa người chết vào quan tài và không bắn súng thông báo khi có người chết như trước nữa; 100% bản Mông đã đưa quy ước thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vào hương ước của bản, các đám tang thực hiện việc chôn cất trong 48 giờ, không còn hiện tượng bắt mổ gia súc, gia cầm nhiều trong đám tang, việc tổ chức ăn uống linh đình trong đám tang đã giảm.

Bản người Mông ở xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn ngày một đổi thay sau khi xóa bỏ hủ tục lạc hậu.

Bản người Mông ở xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn ngày một đổi thay sau khi xóa bỏ hủ tục lạc hậu.

Bà Cao Thị Hòa, Trưởng Phòng Chính sách và Tuyên truyền, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hàng năm Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông. Từ các năm 2021-2022, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn mở được 5 hội nghị tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào dân tộc Mông cho trên 1.100 người là cán bộ chủ chốt cấp xã và đồng bào dân tộc Mông.

Trong năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp tổ chức 3 hội nghị tuyên truyền cho gần 500 đại biểu thuộc các xã vùng đồng bào dân tộc Mông tại huyện Mường Lát. Các đại biểu đã được nghe các báo cáo viên tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn một số nội dung về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ; vận động đồng bào Mông xóa bỏ các hủ tục, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh. Các quy định nghiêm minh của pháp luật cũng như vận động thực hiện xây dựng bản văn hóa, gia đình văn hóa; xây dựng hương ước, quy ước văn hóa tại vùng đồng bào Mông.

Với sự vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, đồng bào dân tộc Mông sống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang nỗ lực gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời xóa bỏ những hủ tục, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các huyện vùng cao biên giới./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất