Tập trung nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi Quảng Trị
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, anh Hồ Văn Nguy, ở xã biên giới Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã phát triển chăn nuôi dê, bò và trồng 3ha rừng, thu nhập hàng năm hơn 100 triệu đồng. (Ảnh: TTXVN)

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, anh Hồ Văn Nguy, ở xã biên giới Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã phát triển chăn nuôi dê, bò và trồng 3ha rừng, thu nhập hàng năm hơn 100 triệu đồng. (Ảnh: TTXVN)

Tăng nguồn lực đầu tư

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị có diện tích hơn 313.000 ha, chiếm 68% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Toàn vùng có 47 xã, thị trấn ở các huyện Đakrông, Hướng Hóa, Gio Linh, Cam Lộ, Vĩnh Linh với khoảng 95.000 người dân đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô sinh sống.

Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong giai đoạn 1 (2021 - 2025), kế hoạch ngân sách Trung ương bố trí cho tỉnh Quảng Trị gần 1.479 tỉ đồng để thực hiện 6 dự án đầu tư phát triển công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh, hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020 và tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4-5%/năm.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tăng nguồn lực đầu tư phát triển vùng này. Từ nguồn vốn được phân bổ giai đoạn 2022-2023 là hơn 638 tỷ đồng, Quảng Trị tập trung đầu tư xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng như đường giao thông, nhà văn hóa thôn bản, trường học, trạm y tế xã...

Bên cạnh đó, trong cơ cấu phân bổ ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh ưu tiên phân bổ trên 217 tỷ đồng để xây dựng mới trên 3.000 nhà ở cho hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tỉnh cũng đã bố trí 1.531 tỷ đồng để giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, bảo đảm sinh kế bền vững; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu...vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Từ nguồn ngân sách được cấp theo Chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình thiết yếu đã được đầu tư xây dựng, bộ mặt nhiều xã vùng sâu, vùng xa ở Quảng Trị được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Đặc biệt, 100% đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa; 77% số thôn, bản có đường liên thôn theo tiêu chuẩn cứng hóa giúp bà con thuận lợi giao thương, phát triển kinh tế-xã hội. Tất cả các xã ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đều có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Nhờ đó, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào cũng đang ngày càng được quan tâm thực hiện tốt hơn.

Đến nay, 28/28 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Quảng Trị đều có trường tiểu học, 75% số xã có trường Trung học cơ sở. Trong đó có 38 trường đạt chuẩn Quốc gia. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học đúng độ tuổi bậc Tiểu học đạt 95%, bậc Trung học cơ sở đạt 96%.

Lĩnh vực văn hóa, tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Quảng Trị cũng được quan tâm đầu tư và đạt nhiều kết quả khởi sắc. Cụ thể, hơn 40% xã có nhà văn hóa đạt chuẩn; 88% thôn bản có nhà sinh hoạt cộng đồng phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số; 66% số hộ gia đình dân tộc thiểu số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...

Bà Hồ Thị Lệ Hà, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị chia sẻ: Các nguồn lực, chính sách của Chương trình đã tập trung đầu tư phát triển công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh, hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế tại địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhờ đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo ở 28 xã đặc biệt khó khăn đã giảm mạnh. Chỉ tính từ cuối năm 2022 đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị đã giảm 5,85% (mục tiêu hàng năm giảm 4-5%). Hàng ngàn hộ nghèo sinh sống tại xã, thôn bản đặc biệt khó khăn đã được giải quyết tình trạng thiết thiếu về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo điều kiện cụ thể của từng tiểu vùng.

Ưu tiên nguồn lực cho vùng khó khăn nhất

Bà Phan Thị Diễn ở thôn Phú An, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông (Quảng Trị) được vay vốn ưu đãi dành cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. (Ảnh: TTXVN)

Bà Phan Thị Diễn ở thôn Phú An, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông (Quảng Trị) được vay vốn ưu đãi dành cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. (Ảnh: TTXVN)

Mặc dù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Trị đã có những bước tiến đáng kể, tuy nhiên, so với mặt bằng chung của tỉnh, đời sống của người dân vùng này vẫn còn nhiều khó khăn. Năm 2022, tỉ lệ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu tỉnh Quảng Trị là 49,51% (áp dụng chuẩn nghèo mới theo Nghị định số 07/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ), cao hơn nhiều so với tỉ lệ hộ nghèo chung của tỉnh là 10,44%.

Theo ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đakrông, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi đã tác động đến mọi mặt, giúp đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, người dân ở đây phần lớn sản xuất hàng hóa có quy mô nhỏ, manh mún với đơn vị sản xuất chính vẫn là hộ gia đình; chưa xây dựng được các chuỗi giá trị hoạt động có hiệu quả; chất lượng môi trường có xu hướng giảm đi kèm với quá trình biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát triển bền vững.

Để thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa phương cần thêm nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, đặc biệt tạo điều kiện cho đồng bào vay vốn để phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở; huyện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng, chú trọng phát triển văn hóa - xã hội, đồng thời tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Theo bà Hồ Thị Lệ Hà, giai đoạn 2024-2025, Quảng Trị tập trung cao nhất nguồn lực từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương để lồng ghép thực hiện đồng thời ba Chương trình mục tiêu quốc gia tại vùng dân tộc thiểu số; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững. Tỉnh ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất.

Tỉnh Quảng Trị hiện có 21.399 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu ở hai huyện miền núi là Đakrông và Hướng Hóa; trong đó có 10.243 hộ nghèo, 3.325 hộ cận nghèo đang cần được hỗ trợ để cải thiện cuộc sống.

Năm 2024, tỉnh Quảng Trị dành trên 368 tỷ đồng để thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững. Trong đó, hơn 178 tỷ đồng sẽ được phân bổ để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất