Tạo việc làm góp phần bảo đảm quyền của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Hà Giang
Chị Vàng Thị Cầu giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã Lanh Trắng. (Ảnh: NDO)

Chị Vàng Thị Cầu giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã Lanh Trắng. (Ảnh: NDO)

Những ngày cuối tuần tại Hợp tác xã Lanh Trắng xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) không khí đông vui nhộn nhịp, tấp nập người vào ra. Các chị em trong hợp tác xã vừa tất bật với các công việc thường ngày vừa niềm nở đón tiếp các du khách vào tham quan.

Chị Sùng Thị Si tâm sự: Trước đây gia đình tôi nghèo lắm. Nghèo đến mức tiền điện mỗi tháng chỉ vài chục đến một trăm nghìn mà cũng không có tiền để trả, phải đi vay mượn người ta. Kinh tế khó khăn nên không khí trong gia đình căng thẳng, mệt mỏi, vợ chồng hay cãi vã nhau. Có khi chồng ra ngoài uống rượu say lại về đánh mắng vợ con vô cớ.

Mong muốn kiếm tiền về nuôi vợ con, anh Vàng Mí Lự - chồng chị Si theo người ta dụ dỗ đi qua biên giới lao động trái phép nhưng sau một thời gian phải bỏ về với hai bàn tay trắng. Cảnh nhà nheo nhóc càng thêm túng quẫn. Năm 2017, chị Sùng Thị Si được Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đồng Văn Vàng Thị Cầu - cũng là người sáng lập Hợp tác xã Lanh Trắng đến nhà động viên, thuyết phục chị tham gia. Chị được hướng dẫn học nghề, từ đó có công ăn việc làm ổn định.

Chị em Hợp tác xã Lanh Trắng duy trì phương thức dệt thủ công. (Ảnh: NDO)

Chị em Hợp tác xã Lanh Trắng duy trì phương thức dệt thủ công. (Ảnh: NDO)

Thời gian đầu thu nhập của chị Si và các chị em trong hợp tác xã trung bình được 1,5-1,8 triệu đồng/tháng, đến nay đã đạt mức 3-5 triệu đồng/tháng. Đây quả thực là số tiền mà chị Si có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến. Có tiền, đời sống gia đình chị từng bước được cải thiện. Không còn cảnh chạy ăn từng bữa, lo kiếm tiền trả nợ tiền điện hàng tháng, không còn cảnh chồng chán đời say xỉn rượu chè tối ngày.

Anh Vàng Mí Lự cũng được động viên tham gia hợp tác xã cùng với vợ và hiện là một thành viên rất năng nổ, có trách nhiệm. Anh không chỉ xung phong gánh vác các việc nặng trong hợp tác xã mà mỗi khi máy móc bị hỏng hóc anh lập tức có mặt để sửa chữa.

Chị Sùng Thị Si là một trong nhiều chị em phụ nữ H'Mông đã thực sự đổi đời nhờ tham gia Hợp tác xã Lanh Trắng. Không chỉ tự tạo ra thu nhập, các chị em trong hợp tác xã đã có được sự tự tin, tự chủ trong cuộc sống, có tiếng nói trong gia đình, trong cộng đồng nhờ đó nạn bạo hành gia đình dần dần được xóa bỏ.

Các sản phẩm của hợp tác xã Lanh Trắng được làm thủ công. (Ảnh: NDO)

Các sản phẩm của hợp tác xã Lanh Trắng được làm thủ công. (Ảnh: NDO)

Chị Vàng Thị Cầu cho biết, mục tiêu hoạt động của Hợp tác xã Lanh Trắng đó là phụ nữ có việc làm, có thu nhập là có sự bình đẳng và được tôn trọng, yêu thương. Là người luôn đau đáu với vấn đề xóa đói, giảm nghèo và công tác chăm lo, bảo đảm quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số, chị Vàng Thị Cầu mong muốn chính từ cây lanh và nghề dệt vải lanh truyền thống của đồng bào Mông có thể giúp chị em nơi đây đổi đời.

Thời gian đầu, hợp tác xã huy động được khoảng 10 chị em dân tộc Mông tham gia khởi nghiệp. Điều đáng nói là hầu hết các chị em đều là nạn nhân của bạo lực gia đình, người khuyết tật hoặc gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Cũng chính vì thế các chị em càng quyết tâm. Chị Vàng Thị Cầu mạnh dạn xin Ủy ban nhân dân huyện cấp cho gần 200ha đất để trồng cây lanh, và vốn vay hỗ trợ từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. “Chậm mà chắc”, hợp tác xã hoạt động theo mô hình khép kín từ nguyên liệu đầu vào là cây lanh, trải qua chừng 40 công đoạn như tước vỏ, se lanh, kéo sợi, dệt vải, hấp, nhuộm, vẽ hoa văn, thêu thùa,... từ đó cho ra các sản phẩm đa dạng.

Sản phẩm vỏ gối vuông của Hợp tác xã Lanh Trắng đạt giấy chứng nhận OCOP. (Ảnh: NDO)

Sản phẩm vỏ gối vuông của Hợp tác xã Lanh Trắng đạt giấy chứng nhận OCOP. (Ảnh: NDO)

Chủ động lắng nghe phản hồi của thị trường, chị Cầu và các chị em trong hợp tác xã không ngừng cải tiến mẫu mã và chất lượng sản phẩm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Hiện hợp tác xã có tới trên hơn 70 dòng sản phẩm thổ cẩm thủ công mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó được ưa chuộng nhất là vải lanh thô, vỏ gối vuông. Một số sản phẩm của hợp tác xã đã có giấy chứng OCOP.

Đến nay, sản phẩm của Hợp tác xã Lanh Trắng không chỉ được khách hàng trong nước ưa chuộng mà còn xuất đi các thị trường nước ngoài. Từ đây cũng đồng thời mở thêm nhiều cơ hội phát triển cho sản phẩm truyền thống của địa phương cũng như góp phần tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói trên dải đất biên cương địa đầu cực bắc của Tổ quốc./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất