Sơn Tây hình thành đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng của Thủ đô
Thành cổ Sơn Tây. (Ảnh: TTXVN)

Thành cổ Sơn Tây. (Ảnh: TTXVN)

Thông tin trên được Sở Du lịch Hà Nội cho biết tại Hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng cho dân cư thị xã Sơn Tây do đơn vị này và UBND thị xã Sơn Tây tổ chức ngày 2/11.

Thị xã Sơn Tây là vùng đất cổ nằm ở cửa ngõ phía Tây Hà Nội. Vị trí giao thông thuận lợi cùng kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng chính là nguồn tài nguyên dồi dào để Sơn Tây phát triển du lịch với các sản phẩm đặc trưng. Sơn Tây là quê hương của các Anh hùng dân tộc và danh nhân như: Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Vua Ngô Quyền, Thám hoa Giang Văn Minh...

Sơn Tây hiện có 244 di tích và hàng trăm ngôi nhà cổ. Trên địa bàn thị xã có nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng như: Đền Và, Thành cổ Sơn Tây, Làng cổ ở Đường Lâm, hồ Đồng Mô, Khu sinh thái Asean resort, Thảo Viên, Glory Resort, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam… với nhiều sản phẩm du lịch ghi dấu ấn thương hiệu đối với du khách. Hiện nay, UBND thành phố đã công nhận hai điểm du lịch là: Điểm du lịch Làng cổ Đường Lâm, điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn.      

Riêng xã Kim Sơn với tiềm năng du lịch sẵn có, trong đó, thôn Lòng Hồ đang nổi lên là điểm du lịch mới, hấp dẫn, với những trải nghiệm du lịch nông thôn độc đáo. Điểm du lịch thôn Lòng Hồ có diện tích đất tự nhiên 90 ha với khung cảnh còn giữ gìn được nhiều nét hoang sơ, giáp hồ Đồng Mô. Hiện nay, điểm du lịch Lòng Hồ đang khai thác các sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực, chăm sóc sức khỏe, thảo dược, check-in, chụp ảnh khám phá vẻ đẹp quanh hồ Đồng Mô, thu hút sự quan tâm của du khách vào ngày cuối tuần, đặc biệt là giới trẻ.

Cùng với phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch sẵn có, thị xã Sơn Tây phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội cùng đơn vị du lịch triển khai nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn như: Đề án xe điện phục vụ khách tham quan du lịch trên địa bàn thị xã, sản phẩm du lịch Đường Lâm mùa lúa chín, mô hình trồng hoa phục vụ du khách đến chụp ảnh, cafe Làng cổ, sản phẩm ẩm thực cỗ sen...

Ông Bùi Đức Thuận, Phó Chánh Văn phòng Sở Du lịch Hà Nội cho biết, để đẩy mạnh phát triển du lịch thị xã Sơn Tây, Sở Du lịch phối hợp cùng UBND thị xã tập trung nguồn lực, định hướng quy hoạch phát triển, hình thành ba khu du lịch chính: Khu du lịch Đồng Mô (khu du lịch sinh thái kết hợp vui chơi, thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng, trong đó có Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam); khu Trung tâm thị xã - Thành cổ - đền Và - Làng cổ Đường Lâm (khu du lịch về di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng); khu du lịch Xuân Khanh (khu vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, du lịch sinh thái). Đồng thời, địa phương hoàn thiện hệ thống quy hoạch theo hướng dành quỹ đất rộng, vị trí đẹp cho phát triển loại hình cơ sở lưu trú...

Với mong muốn xây dựng thị xã Sơn Tây, phấn đấu giai đoạn 2025 - 2030 trở thành một trong những địa phương trọng điểm phát triển du lịch của Hà Nội, Sở Du lịch phối hợp với thị xã triển khai về ứng xử văn minh du lịch, du lịch cộng đồng cho dân cư.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng chia sẻ, văn hóa ứng xử của cộng đồng dân là nét văn hóa tạo sức hút đối với khách du lịch. Du khách đến khám phá, trải nghiệm du lịch cộng đồng không đơn thuần thăm thú cảnh quan sinh thái, văn hóa vật thể, phi vật thể mà còn muốn tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt của người dân, cảm nhận trực tiếp phong cách ứng xử. Bởi vậy, ứng xử văn minh du lịch luôn là yếu tố cần thiết để phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững.

Hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng cho dân cư nhằm tuyên truyền lợi ích du lịch đem lại, trao đổi việc xây dựng sản phẩm, hướng dẫn kỹ năng phục vụ, giao tiếp đối với khách du lịch cho người dân tại điểm du lịch trên địa bàn thị xã Sơn Tây với mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch di sản, văn hóa lịch sử, gắn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất