Sín Thầu nhớ Bác (kỳ 2)

Kỳ 2: Điểm tựa của mọi điểm tựa

Câu chuyện của già làng Pờ Dần Xinh rỉ rả cùng chúng tôi trên đường tuần tra biên giới. Từ những năm 50 của thế kỷ trước, già theo chân bố lên Sín Thầu khai mường lập bản, con đường về xuôi học chữ của cậu bé Pờ Dần Xinh vô cùng gian nan, vất vả. Nhưng núi Tà Tổng, dốc Nậm Sả dựng đứng, sông Ðà hung dữ cũng không ngăn được bước chân của cậu bé Hà Nhì ấy lên trung tâm huyện theo học lớp vỡ lòng. Sau khi hoàn thành bậc tiểu học, năm 1976, Pờ Dần Xinh tiếp tục chuyển về Trường Dân tộc nội trú tỉnh Lai Châu cũ (tại huyện Tuần Giáo) tiếp tục học đến năm 1983 thì xong lớp 10 và trở thành người có trình độ học vấn cao nhất lúc bấy giờ ở vùng đất ngã ba biên giới.

Thiếu tá Lý Hừ Cà cùng già làng Lý Xuyến Phù tuyên truyền, vận động phụ nữ Hà Nhì tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới. (Ảnh: Trần Hương)

Thiếu tá Lý Hừ Cà cùng già làng Lý Xuyến Phù tuyên truyền, vận động phụ nữ Hà Nhì tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới. (Ảnh: Trần Hương)

Trở lại quê hương, Pờ Dần Xinh tiếp tục tham gia dân quân du kích, ngày ngày cùng BĐBP lên chốt trực chiến, bảo vệ biên giới trong những tháng ngày biên cương chưa im tiếng súng. Sau đó được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn bản Tả Kố Khừ rồi Trưởng ban Văn hóa xã. Tháng 1/1987, khi đang là Phó Bí thư Đoàn xã Leng Su Sìn, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Ðảng sau hành động anh dũng nhảy xuống dòng nước lũ cứu được một em nhỏ bị lũ cuốn trôi. Quá trình công tác, ông Pờ Dần Xinh có nhiều thành tích trong vận động bà con trong xã cai nghiện tập trung; mở mang, hướng dẫn nhân dân trồng lúa, nuôi cá, nuôi bò, xây nhà, động viên bà con cho con cái học hành, tiên phong nhường nhà, hiến đất khi mở đường và được nhân dân tín nhiệm, bầu giữ nhiều trọng trách quan trọng như: Chủ tịch rồi Bí thư Ðảng ủy xã; Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn.

Năm 2007, khi xã Sín Thầu được thành lập, ông trở thành Bí thư Ðảng ủy xã đầu tiên (khi đó có 2 bản "trắng" đảng viên), bắt tay vào xây dựng Đảng bộ và tiến hành các hoạt động của một tổ chức đảng, tổ chức chính quyền mới. Đến cuối năm 2008, Ðảng bộ xã Sín Thầu có 3 chi bộ trực thuộc là Tả Kố Khừ, A Pa Chải, Sen Thượng, số lượng đảng viên đã được phát triển lên 32 đảng viên. Ông Pờ Dần Xinh đã tích cực chăm lo tạo nguồn phát triển đảng viên trẻ, nữ giới, người dân tộc thiểu số... với nhiều cách làm hay sáng tạo, gần gũi để bà con dễ hiểu, dễ nhớ, góp công đầu trong công cuộc “xóa” thành công bản chưa có đảng viên nơi biên cương Sín Thầu. Năm 2014, Sín Thầu đã không còn bản “trắng” đảng viên; năm 2016, tất cả các bản đều thành lập chi bộ đảng.

Ông Pờ Dần Xinh tâm niệm: “Tôi luôn nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Ðể làm tròn nhiệm vụ rất nặng nề nhưng rất vẻ vang... Ðảng phải phát triển tổ chức của mình một cách thận trọng, vững chắc và rộng rãi trong quần chúng”. Vì thế, khi thành lập xã, tôi đã cùng cấp ủy, chi bộ bắt tay vào việc cải tổ, củng cố lại các tổ chức đảng, nhất là giác ngộ ý chí phấn đấu của đội ngũ đảng viên. Đồng thời kiến nghị với Huyện ủy bố trí, sắp xếp lại các vị trí lãnh đạo chủ chốt và phân công những đảng viên có năng lực, trình độ về các bản, trực tiếp xuống từng hộ, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để phát hiện bồi dưỡng, giới thiệu cho Ðảng những quần chúng ưu tú có đủ phẩm chất chính trị, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ biên giới để xem xét kết nạp nhằm tạo nguồn cán bộ tại chỗ".

Cũng ở Sín Thầu, hơn 10 năm nay, những chiến sĩ Biên phòng ở Đồn A Pa Chải đã rất thân quen với bóng dáng người đàn ông Hà Nhì tuổi đã gần 70 song vẫn còn tráng kiện, giản dị trong chiếc áo chàm đang phăm phăm đổ đèo. Đó là ông Lý Xuyến Phù, Bí thư Chi bộ bản Tá Miếu, người đảng viên đã có thâm niên 45 năm tuổi Đảng ấy hàng tuần vẫn ra biên giới cùng cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng A Pa Chải. Là người Hà Nhì sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, nên ông thông thạo địa bàn, địa hình xã biên giới Sín Thầu như chính mảnh vườn, khoảnh ruộng nhà mình. Các xã lân cận như Leng Su Sìn, Sen Thượng hay các tổ, đội bên kia biên giới, ông cũng rất am hiểu phong tục, tập quán.

Trong ngôi nhà trình tường ngời sáng dưới nắng, già Lý Xuyến Phù cho biết, mình là một trong những thiếu niên Hà Nhì đầu tiên theo cha mẹ về Sín Thầu lập bản năm 1970, bởi bố ông là một trong những đảng viên người Hà Nhì đầu tiên của vùng đất này đã luôn tâm niệm “Mình theo tiếng Đảng đi lập bản mới; biên giới dẫu xa nhưng có Đảng trong lòng, Đảng sẽ chăm lo cho bà con". Qua câu chuyện ông kể, chúng tôi được biết, người bí thư chi bộ này vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Ðảng khi vừa tròn 19 tuổi. Vào những năm đầu của thập niên 1970, để xóa giặc dốt, ông đã ngược non, vượt suối gần 300km về Trường Thiếu niên dân tộc tỉnh để theo học con chữ.

Từ năm 1976, ông Lý Xuyến Phù đã tham gia Ban chấp hành Đảng bộ xã Leng Su Sìn, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (cũ). Đầu năm 1979, khi đang là Xã đội trưởng, ông đã anh dũng cùng nhân dân các dân tộc nơi đây tham gia vận chuyển súng, đạn, gạo phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới. Bản thân ông trực tiếp chỉ huy gần 60 dân quân Sín Thầu cầm súng ra chiến trường, phối hợp cùng Công an Nhân dân Vũ trang (BĐBP ngày nay) chiến đấu quyết liệt tại điểm cao 1296 (bản A Pa Chải) và các chốt Biên phòng, ngăn chặn không để quân địch lấn sâu vào biên giới của Tổ quốc, bảo vệ vững chắc bản mường, đường biên, cột mốc.

Chiến tranh tạm lui, năm 1980, ông tiếp tục công tác tại xã Leng Su Sìn và cống hiến rất nhiều cho vùng đất ngã ba biên giới xa xôi này cho tới khi thành lập xã Sín Thầu thì chuyển về đảm nhận vai trò Chủ tịch UBND xã, sát cánh cùng ông Pờ Dần Xinh xây dựng quê hương. Ông cùng với các ban, ngành, đoàn thể của địa phương phối hợp cùng Đồn Biên phòng A Pa Chải xây dựng các Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới, tự quản an ninh trật tự thôn bản. Từ mô hình Tổ tự quản ở bản A Pa Chải làm mẫu, đến nay, 7/7 bản của xã Sín Thầu đã có Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới và tự quản về an ninh trật tự.

Đặc biệt, kể từ khi nghỉ hưu trở về địa phương sinh sống, được dân bản tin yêu và được các đảng viên tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ bản A Pa Chải, ông xác định mình càng cần có trách nhiệm hơn nữa và cũng là ý nguyện của người cha đã mất. Ông cùng các chi ủy viên duy trì nền nếp các chế độ sinh hoạt của chi bộ, phát huy dân chủ trong sinh hoạt Đảng và quan tâm đến việc nâng cao trình độ nhận thức cho bà con. Là người có uy tín, ông Lý Xuyến Phù thường xuyên được bà con gặp gỡ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, giúp họ giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Những kinh nghiệm trong công tác quản lý ở xã trước đây được ông vận dụng khéo léo, đề ra nhiều cách làm mới nhằm vận động bà con tích cực tham gia sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế, bài trừ hủ tục, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và hòa giải những mâu thuẫn, vướng mắc trong cộng đồng.

Thiếu tá Lý Hừ Cà, Phó Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu cho biết, nhờ có sự giúp đỡ của già Pờ Dần Xinh, Lý Xuyến Phù mà công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách thuận lợi hơn rất nhiều. 100% số gia đình trong xã Sín Thầu đã tự nguyện ký cam kết tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc, bảo đảm an ninh trật tự; trong đó có 7 gia đình đăng ký tự quản 19,5km đường biên và 8 cột mốc. Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong trong tình hình mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động cũng nhờ có những già làng đảng viên này mà lan tỏa sâu rộng.

Kỳ 3: Những người tiếp lửa

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất