Quảng Ngãi đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm sản miền núi
Sản xuất đĩa, chén từ mo cau. Sản phẩm thân thiện môi trường được thị trường nước ngoài ưa chuộng. (Ảnh: NDO)

Sản xuất đĩa, chén từ mo cau. Sản phẩm thân thiện môi trường được thị trường nước ngoài ưa chuộng. (Ảnh: NDO)

Xuất khẩu các sản phẩm từ cây cau đi nước ngoài

Cây Cau là cây trồng truyền thống của đồng bào Ca Dong ở huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Toàn huyện Sơn Tây hiện có khoảng 1.022ha cau, trong đó diện tích trồng tập trung 998ha. Nguồn thu lớn từ cau cung ứng cho thị trường xuất khẩu nhiều năm nên hầu hết, người dân vùng núi trồng cau theo vườn hoặc phân tán là nguồn thu nhập chính cho gia đình. Ngoài sản lượng cau tươi cung ứng tiêu dùng trong nước, phần lớn sản lượng cau tại huyện Sơn Tây được thu mua tập trung cho chế biến xuất khẩu.

Trên địa bàn huyện Sơn Tây hiện nay có tổng số 16 cơ sở thu mua, chế biến để xuất khẩu khoảng 8.000 tấn mỗi vụ. Theo các chủ cơ sở, nguồn nguyên liệu cau tươi thu tại vùng núi này chỉ đáp ứng khoảng 65% công suất chế biến, xuất khẩu. Cau sau khi sấy được phân loại sản phẩm, đóng gói, xuất cho đại lý hoặc xuất khẩu thẳng sang thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc)...

Những năm qua, thị trường xuất khẩu cau được mở rộng đến nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc… cho nên giá cau khá ổn định và có xu hướng tăng. Năm 2021-2022, giá cau thu mua giao động từ 48.000-60.000 đồng/kg. Sản phẩm nông sản vùng núi Sơn Tây với vùng nguyên liệu chính là cau tươi xuất khẩu ngày càng nhiều thực sự mang lại thu nhập cao cho người dân tại địa phương.

Trung bình mỗi năm, nhiều hộ dân miền núi có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên từ cây cau. “Tùy giá mà mỗi năm có thể tăng thu nhập hoặc có phần giảm. Nhưng mình trồng cau quanh năm thì thu nhập trung bình ổn định. Có năm cao nhất mình thu trên 500 triệu đồng”, ông Đinh Văn Điếu, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây cho biết.

Đĩa, khay mo cau được khử vi khuẩn bằng tia cực tím. (Ảnh: NDO)

Đĩa, khay mo cau được khử vi khuẩn bằng tia cực tím. (Ảnh: NDO)

Từ cuối năm 2023 đến nay, giá cau xuống thấp, dao động từ 10.000-12.000 đồng, chỉ bằng 1/5 so với năm trước. “Trung bình, mỗi năm doanh thu một ha cau từ 100-120 triệu đồng, với chi phí đầu tư thấp, phù hợp tập quán và trình độ canh tác của đồng bào Ca Dong. So với một số loại cây trồng chính ở vùng núi như cây keo, sắn thì cây cau với thị trường xuất khẩu lớn vẫn là hàng nông sản miền núi cho hiệu quả kinh tế cao”, ông Phạm Hồng Khuyến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây chia sẻ.

Không chỉ xuất khẩu cau tươi, các sản phẩm từ cây cau vùng trung du, miền núi như mo cau cũng được doanh nghiệp thu mua, chế tạo thành sản phẩm tiêu dùng thân thiện môi trường. Từ năm 2020, Công ty TNHH Mega Eco ở thành phố Quảng Ngãi bắt đầu sản xuất sản phẩm hàng tiêu dùng gồm chén, dĩa, khay từ mo cau để xuất khẩu sang các nước ở châu Âu.

Năm 2023, đơn vị mở rộng thị trường xuất sang Canada, Hà Lan, Singapore, Newzeland tổng 2 triệu sản phẩm, trị giá 4 tỷ đồng. Hiện nay khách hàng tăng, công ty mở rộng thị trường tiếp tục mở rộng thu mua mo cau từ vùng trung du, miền núi. Các huyện Trà Bồng, Sơn Tây, Minh Long… là nơi có vùng nông sản nguyên liệu cau lớn của tỉnh Quảng Ngãi. Đây là tiềm năng xuất khẩu mặt hàng nông sản thế mạnh cho miền núi.

“Các huyện miền núi có thể cung ứng xuất khẩu 6 triệu sản phẩm từ mo cau mỗi năm, gấp ba lần so với hiện nay. Cần có chính sách, hỗ trợ để tạo được điểm thu mua, người dân cung ứng cho công ty, các nhà máy sản xuất. Từ đó tạo thành mắt xích trong chuỗi sản xuất và xuất khẩu”, anh Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH Mega Eco bày tỏ.

Xuất khẩu nông, lâm sản

Tỉnh Quảng Ngãi có 194.000ha rừng trồng sản xuất, chủ yếu là keo lai; chiếm 58% diện tích rừng hiện có, với diện tích khai thác hàng năm từ 35.000-40.000 ha. Hơn 60 nhà máy, cơ sở chế biến dăm, gỗ xuất khẩu; trung bình mỗi năm, tỉnh Quảng Ngãi xuất khẩu 1,2 triệu tấn dăm gỗ. Từ vùng nguyên liệu của 5 huyện miền núi Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng và Sơn Tây ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ phát triển, góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu. Năm 2020, xuất khẩu dăm gỗ của tỉnh Quảng Ngãi khoảng 3,5 triệu tấn/năm; viên nén sinh học 10 nghìn tấn; đồ gỗ hoàn chỉnh 2 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 296 triệu USD. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ qua cảng biển Dung Quất khoảng 130 triệu USD.

Huyện Sơn Hà có 24.200ha rừng keo, là một trong những vùng nguyên liệu chính cho ngành chế biến, xuất khẩu dăm gỗ của tỉnh Quảng Ngãi. Mỗi năm, địa phương thu hoạch hơn 5.000ha, với khoảng 350 nghìn tấn gỗ keo cung ứng cho chế biến dăm, gỗ xuất khẩu. Đây là nguồn thu nhập chính cho người dân huyện miền núi này trong những năm qua.

Cơ sở chế biến dăm gỗ tại huyện miền núi Sơn Hà. (Ảnh: NDO)

Cơ sở chế biến dăm gỗ tại huyện miền núi Sơn Hà. (Ảnh: NDO)

“Nhà tôi có 6ha rẫy đầu tư trồng keo đã nhiều năm nay. Mình trồng bổ sung hằng năm nên thay phiên thu hoạch mỗi năm từ 2-3ha gỗ keo”, ông Đinh Văn Báy, xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà cho biết.

Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp huyện Ba Tơ tập trung lĩnh vực chế biến dăm gỗ xuất khẩu đạt 911 tỷ đồng. Năm 2023, sản lượng xuất khẩu nông lâm sản này sẽ tăng khoảng 10-15% so với trước.

Với diện tích rừng sản xuất lớn, là vùng nguyên liệu cho nông sản xuất khẩu đa dạng sản phẩm từ gỗ. Để tăng giá trị nông sản lâm nghiệp, chính quyền địa phương khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư chế biến sâu các sản phẩm gỗ xuất khẩu; hạn chế xuất khẩu sản thô như hiện nay.

“Hiện nay chủ yếu 70% là xuất thô dăm gỗ, còn 30% mới chế biến sản phẩm chuyên sâu và xuất khẩu. Xu hướng mới là sẽ đảo ngược mới tăng giá trị, thu nhập cho người dân, doanh nghiệp. Nhưng cần có những chính sách, liên kết cụ thể để doanh nghiệp, người dân thay đổi thói quen sản xuất như nhiều năm qua”, đại diện doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản Cụm công nghiệp Tịnh Ấn Tây cho biết.

Ngoài các mặt hàng nông sản xuất khẩu thế mạnh hiện nay mang lại kim ngạch xuất khẩu cao như cau, dăm gỗ… vùng núi Quảng Ngãi vẫn còn nhiều tiềm năng để hình thành, phát triển hàng hóa nông sản như cây ăn quả, dược liệu, trồng cây dưới tán rừng… Việc phát triển đa dạng nông sản từ lợi thế sẵn có của miền núi sẽ hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thị trường trong nước và xuất khẩu./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất