(TTĐN) - Được biết, đồng bào dân tộc Ve (nhóm địa phương thuộc dân tộc Giẻ Triêng) cư trú chủ yếu tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Đây là tộc người thiểu số trên vùng Trường Sơn còn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống, tri thức dân gian, phong tục, tập quán, lễ hội tiêu biểu là lễ nghi, tập tục trong hôn nhân... luôn được cộng đồng xem đó là nét văn hóa đặc sắc. Tuy nhiên, theo thời gian, lễ cưới truyền thống của đồng bào Ve nơi đây đang có nguy cơ mai một.
|
Những bó củi hứa hôn mà nhà gái chuẩn bị tại phục dựng lễ cưới của người Ve ở xã Đắc Pre, ngày 28/10/2023. (Ảnh: Văn Sơn)
|
Nằm trong Kế hoạch số 116/KH-SVHTTDL ngày 18/9/2023 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, ngày 28/10/2023, tại xã Đắc Pre (huyện Nam Giang), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam phối hợp với UBND xã Đắc Pre phục dựng lễ cưới truyền thống của đồng bào Ve, thu hút mọi người dân trong xã tham gia.
Theo phong tục cổ truyền của người Ve, khi đến tuổi trưởng thành (nam từ 17-18 tuổi và nữ từ 16-17 tuổi), người Ve gọi là tuổi cập kê, thì trai gái Ve tự do tìm hiểu nhau qua những đêm ngủ tại Ơớng (nhà làng), gặp nhau qua những lần đi chơi lễ hội, những lúc trên rẫy... được luật tục cho phép, cha mẹ hai bên gia đình và người làng ủng hộ chàng trai và cô gái thương nhau. Tiêu chuẩn để đôi trai gái tìm đến với nhau là, người con gái xem người con trai có giỏi giang, siêng năng trong công việc hay không; đặc biệt là tham gia làm nhà làng, biết sử dụng các loại nhạc cụ, đánh trống, cồng chiêng ít nhất 2 - 3 lần. Ngược lại, người con trai xem người con gái có biết chăm sóc nương rẫy, dệt thổ cẩm, khai thác măng rừng, tìm nấm, hái rau... Những tiêu chuẩn để đôi bên lựa chọn, khi cưới nhau mới đảm bảo cuộc sống gia đình và nuôi con cái.
Sau thời gian tìm hiểu có thể kéo dài 2 - 3 mùa rẫy, khi đã thật sự thương yêu nhau, người con trai đi tìm quả cau ngon, lá trầu xanh và nhờ trẻ con đưa cho cô gái để nhà gái biết rằng, con gái mình đã có chàng trai để ý, yêu thương. Nếu cha mẹ cô gái chấp nhận thì lấy ăn. Lúc đó, người con trai chịu khó đi săn, đi đặt bẫy để kiếm thịt rừng ngon nhất biếu cho nhà gái. Tùy vào hoàn cảnh kinh tế gia đình mà chàng trai thường tặng cho cô gái đồ trang sức như: khuyên tai, chuỗi hạt cườm. Người con gái thường tặng cho người con trai tấm thổ cẩm đẹp nhất do tự mình dệt. Nếu chàng trai nhà nghèo hay con mồ côi thường tặng người mình thương sợi chỉ đỏ thắt thành một vòng tròn để làm tin.
Theo phong tục người Ve, trước khi tiến hành lễ cưới thì người con gái phải đốn đủ 100 bó củi và sản phẩm dệt để đem đến nhà chồng. Củi hứa hôn có một vị trí quan trọng trong hôn lễ. Củi xấu hay đẹp, cong hay thẳng, nhiều hay ít thể hiện sự chăm chỉ, khéo léo, sự trưởng thành và khả năng làm chủ gia đình của người phụ nữ. Đây là củi bắt chồng hay củi cho chồng. Điều này đã đi vào đời sống của cộng đồng người Ve hàng ngàn năm nay và trở thành “luật bất thành văn”, nhưng cũng mang đậm nét văn hóa truyền thống. Ngày nay, phong tục này vẫn còn được lưu giữ, nhưng do cần phải bảo vệ tài nguyên rừng nên số củi cũng được giảm bớt, nhưng ít nhất vẫn phải có từ 1 - 2 bó.
Lễ cưới của người Ve nơi đây thường diễn ra trong 3 ngày, với các nghi lễ như: Lễ chuyển củi, Lễ xếp củi, Lễ bla. Trong đó, Lễ chuyển củi, Lễ xếp củi là nghi lễ quan trọng nhất. Lễ cưới được chính thức diễn ra dưới sự điều hành của ông/bà mai mối. Cùng lúc, hai bên gia đình phải trồng cây nêu trước nhà làng để thông báo với mọi người trong làng và khách mời gần xa biết việc tổ chức đám cưới, chiêu đãi và các hoạt động vui chơi, múa hát dân gian trong dịp cưới.
|
Các đôi trai gái người Ve mừng hạnh phúc đôi vợ chồng trẻ tại phục dựng lễ cưới của người Ve ở xã Đắc Pre, ngày 28/10/2023. (Ảnh: Văn Sơn)
|
Theo quan niệm của người Ve, trong Lễ chuyển củi, phải được tổ chức vào ban ngày, mở đầu bằng việc chuyển củi từ nhà gái sang nhà trai. Cô gái xin ý kiến của già làng, gia đình, sau đó chuyển đống củi sang nhà trai. Người cõng củi ngoài cô dâu, còn có các phụ nữ có chồng trong làng cùng giúp. Việc chuyển củi sang nhà trai, dù ít hay nhiều cũng phải chuyển xong trong một ngày. Nếu nhà xa mà củi hứa hôn lại nhiều thì cần thêm nhiều người giúp. Khi lượng củi chuyển sang nhà trai được khoảng hai phần ba thì một số đàn ông nhà gái tới chặt cây, đào lỗ chôn cột, chuẩn bị xếp củi vào ngày hôm sau. Khi bó củi cưới đã tháo ra, cô dâu phải lấy thanh củi đầu tiên đưa cho chồng rồi người chồng mới chuyển cho bố mẹ của mình để họ tự tay xếp củi lên giàn đã chuẩn bị sẵn. Sau nghi lễ đó, những người phụ giúp mới tiếp tục xếp củi thành khối vuông vức.
Cuối ngày xếp củi, lễ cưới được chính thức diễn ra, mở đầu bằng việc ông/bà mai cầm con gà cắt lấy tiết. Sau đó, dùng nhánh cây nhỏ nhúng tiết gà vung để cúng gọi các vị thần xuống chứng giám cho đôi bạn trẻ đã nên vợ, nên chồng và phù hộ cho họ sau này làm ăn no đủ, sinh con đẻ cái khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc. Trong lễ cưới, nhà gái thường đem đến nhà trai đó tấm thổ cẩm (rơ moong) do con gái mình tự tay dệt nên, nhằm thể hiện tấm lòng của cô dâu dành cho nhà chồng. Còn nhà trai tặng cho nhà gái gùi, đây là sản phẩm để khoe tài năng đan lát của mình với nhà gái, chiếc gùi mang nhiều may mắn và cô dâu tương lai sẽ luôn mang chiếc gùi chứa đầy hạnh phúc.
Ngày nay, thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống mới và xây dựng nông thôn mới, những tập tục lạc hậu, những nghi thức rườm rà của tộc người Ve trong xã Đắc Pre nơi đây dần dần được đơn giản hóa hoặc xóa bỏ. Những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp, trong đó có lễ cưới vẫn được người Ve ở xã Đắc Pre duy trì, các hình thức được tổ chức theo tinh thần tiết kiệm. Việc triển khai thực hiện phục dựng lễ cưới của người Ve ở xã Đắc Pre ngày 28/10/2023 vừa qua đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch của cư dân trên vùng Trường Sơn-Tây Nguyên./.
Nguyễn Văn Sơn
Nguồn: bienphong.com.vn