Phụ nữ Cơ Tu bảo tồn và phát huy giá trị ẩm thực truyền thống

Cứ mỗi khi làng đón khách quý hay có lễ hội, bà Coor Thị Bơi ở thôn Pơrning, xã Lăng, huyện vùng cao Tây Giang lại cùng các chị em trong thôn tật bật sớm tối. Người lên rừng bứt lá, hái rau; người xuống suối tìm bắt con cá, con cua; còn những người ở nhà thì lo giã gạo, gói bánh, nấu rượu… Công việc bận rộn nhưng ai cũng rất vui.

Bà Coor Thị Bơi và bà Clâu Oi cho biết, vào những dịp lễ hội hay đón khách quý, công việc bếp núc được làng chuẩn bị trước đó cả tuần, có khi cả tháng: “Vào những ngày lễ hội, cán bộ thôn họp dân để phân công việc chuẩn bị đón khách. Đàn ông thì vào rừng cầm ná bắn chim, bẫy sóc, bẫy chuột, dọc sông lội suối bắt cá bắt cua. Còn phụ nữ thì phân việc cho người vào rừng hái rau, củ quả. Một số chị em thì ở nhà chuẩn bị nướng cơm lam, gói bánh, măng luộc… Ngoài ra, chúng tôi cũng chuẩn bị rượu cần, nông sản (dưa rẫy, mía, mít) để đãi khách".

"Để có những món ăn ngon như vậy chúng tôi chuẩn bị khá kỹ, mất khá nhiều thời gian. Chúng tôi vào rừng chặt cây k’đong (chủng loại của cây nứa chỉ có ở rừng Trường Sơn) để nướng cơm lam; hái lá đót lựa lá to, không già không non; lên rẫy hái rau rồi giã gạo… Nam giới thì vào rừng làm A ram, a ruung, (vật dụng để bắt cá), làm biêng, t’hoo (bẫy thú rừng), làm văh, xiing (bẫy sóc, bẫy chuột).”- bà Clâu Oi, thôn Pơrning cho biết như vậy.

Ẩm thực của người Cơ Tu không cầu kỳ, ít gia vị nhưng rất ngon bởi nguyên liệu đều được lấy từ núi rừng, sông suối. Nói đến ẩm thực Cơ Tu không thể không nhắc đến những đặc sản như cơm lam, bánh cuốt, thịt ống nướng, thịt ống thọc nhuyễn, cá liêng nướng …và một số đồ uống thơm ngon, bổ dưỡng như: tr’đin, t’vạc, buáh (rượu cần), r’lang… So với một số món truyền thống của người Cơ Tu như bánh cuốt (Avị cuốt), cơm lam (Avị hâr), xôi hấp (A vị đóoh), bánh bắp non (Chr’losoo abhoo), sắn lam (Pr’hârong), Z’ră…khá dễ làm, thì việc chế biến những món nướng có phần cầu kỳ hơn. Chẳng hạn các loại thịt nướng trong ống tươi, thịt đông hoặc thịt gói trong lá chuối nướng trên bếp than đều phải ướp gia vị trước.

Đặc biệt, gia vị dùng trong các món ăn của người Cơ Tu không thể thiếu ớt rừng, tiêu rừng, rau thơm rừng… tạo nên hương vị rất đặc trưng, riêng có. Nhiếp ảnh gia Dương Phú Tâm cho biết, điều mà ông thích thú tìm đến vùng cao Quảng Nam ngoài những nét văn hóa đặc sắc mang đặc trưng riêng về lễ hội, kiến trúc không gian nhà ở, nhạc cụ, trang phục truyền thống… thì nơi đây còn lưu giữ cả một kho tàng văn hóa ẩm thực truyền thống Cơ Tu hết sức phong phú, đa dạng.

“So với đồng bào các dân tộc thiểu số khác, ẩm thực của người Cơ Tu có những nét riêng, rất phong phú và hấp dẫn, bởi nó mang hương vị đặc trưng riêng của núi rừng Trường Sơn. Ví dụ như bánh Sừng trâu là món đặc biệt của đồng bào Cơ Tu, ngoài ra còn có các món nướng nữa nhưng riêng bánh Sừng trâu là món không thể thiếu trong những dịp lễ hội; về nguyên liệu chế biến món ăn Cơ Tu cũng đặc biệt”- nhiếp ảnh gia Dương Phú Tâm cảm nhận.

Phụ nữ Cơ Tu rất coi trọng giá trị truyền thống gia đình. Các bé gái, ngoài biết dệt thổ cẩm, còn được các bà, các mẹ truyền dạy cách giã gạo, gói bánh cuốt, chế biến các món ăn truyền thống của dân tộc. Vì thế, tất cả những giá trị văn hóa trong ẩm thực Cơ Tu đều thể hiện đức tính mộc mạc, khéo léo, đảm đang, chăm chỉ, sự thủy chung son sắt của người phụ nữ Cơ Tu. Ngày nay khi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, vùng miền ngày càng phát triển, các món ăn truyền thống của người Cơ Tu không còn bị bó hẹp trong bữa ăn gia đình mà trở thành món ăn đặc sản vùng cao phục vụ nhu cầu khám phá, trải nghiệm của du khách gần xa. Xác định vai trò của ẩm thực trong đời sống văn hóa và phát triển du lịch cộng đồng, những năm gần đây, nhiều địa phương vùng đồng bào Cơ Tu đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, ngày hội văn hóa ẩm thực… thu hút đông đảo phụ nữ tham gia.

Bà B’riu Thị Nem, Chủ tịch HLHPN huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho rằng: Thông qua những hoạt động này, chị em không chỉ có dịp trổ tài nấu nướng, mà còn là cơ hội để địa phương giới thiệu, quảng bá ẩm thực truyền thống của đồng bào Cơ Tu trên dãy Trường Sơn.

Bà B’riu Thị Nem cho biết:“HLHPN huyện trong năm qua đã phối hợp với ban, ngành tổ chức nhiều hoạt động như Ngày hội văn hóa ẩm thực Cơ Tu; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho chị em tại các điểm du lịch cộng đồng. Qua đó, cũng muốn phát huy và lưu giữ lại các món ăn truyền thống cũng như món đặc sản của đồng bào Cơ Tu, đồng thời quảng bá ẩm thực của đồng bào mình đến du khách. Trong các gia đình Cơ Tu hiện này cũng chú ý hơn đến việc lưu giữ và trao truyền văn hóa ẩm thực Cơ Tu cho con cháu. Sắp tới đây, trong dịp Tết Dương lịch 2023, chúng tôi sẽ phối hợp tổ chức đêm văn hóa ẩm thực tại huyện Tây Giang để phục vụ người dân và du khách./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất