Phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kiên Giang
Cô Đinh Thị Minh Nguyệt, giáo viên môn Ngữ Văn, Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Kiên Giang trong giờ lên lớp. (Ảnh: NDO)

Cô Đinh Thị Minh Nguyệt, giáo viên môn Ngữ Văn, Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Kiên Giang trong giờ lên lớp. (Ảnh: NDO)

Nâng cao dân trí vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, từ năm 2010 đến nay, tỉnh Kiên Giang có 401 học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu sinh sống trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là con em đồng bào dân tộc Khmer được tạo điều kiện bước vào giảng đường đại học, cao đẳng để tiếp thu kiến thức thông qua hình thức cử tuyển. Sau khi tốt nghiệp ra trường có 246 em đã được phân công, bố trí về công tác phục vụ địa phương.

Dược sĩ Thị Xa Nhân, dân tộc Khmer công tác tại Khoa Dược trang thiết bị-Vật tư y tế, Trung tâm Y tế huyện Kiên Lương là một điển hình. “Gia đình tôi thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn, đào tạo theo chế độ cử tuyển nên tôi không phải đóng học phí trong suốt quá trình học tập. Tỉnh đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho tôi được nhận học bổng mỗi quý. Sau khi ra trường, tôi đã có công việc ổn định, được đóng góp công sức ngay trên chính quê hương của mình”, chị Thị Xa Nhân cho biết.

Hàng năm, tỉnh Kiên Giang có khoảng 4.600 người dân tộc thiểu số, phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer tham gia học nghề tập trung ở các trình độ cao đẳng, trung cấp nghề và học nghề. Sau khi tốt nghiệp đã giải quyết việc làm hơn 3.000 lao động/năm, góp phần giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, cải thiện cuộc sống trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài thực hiện học bổng chính sách, chế độ miễn, giảm học phí cho học sinh theo quy định của Chính phủ, các trường dạy nghề ở Kiên Giang còn vận động nhà hảo tâm hỗ trợ, tiếp sức đến trường cho những học sinh, sinh viên là đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn để các em an tâm học tập đạt kết quả.

Nhờ làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, dạy học, hỗ trợ đào tạo nghề và cử tuyển trong đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay tỉnh Kiên Giang có 3.895 đảng viên, 2.912 cán bộ, công chức là người Khmer. Toàn tỉnh có 277 đảng viên người Khmer tham gia các cấp ủy; có 1 đại biểu Quốc hội, 372 đại biểu hội đồng nhân dân các cấp…

Chú trọng chất lượng giáo dục

Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có 6 trường phổ thông dân tộc nội trú, gồm 1 trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông (có 12 lớp, quy mô 420 học sinh) và 5 trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở có 40 lớp (8 lớp/1 trường) quy mô 250 học sinh/1 trường và 1 trường trung học phổ thông chuyên Huỳnh Mẫn Đạt với quy mô 1.000 học sinh, hàng năm có hơn 50 học sinh dân tộc nội trú trúng tuyển.

Em Nguyễn Huỳnh Trân, học sinh lớp 12 Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Kiên Giang vừa đạt giải Ba học sinh giỏi cấp tỉnh môn sinh năm 2022 cho biết, năm học 2023-2024 này em quyết tâm đạt danh hiệu học sinh giỏi 3 năm liên tiếp. Huỳnh Trân đã ấp ủ vào học ngành y và mong trở thành bác sĩ chữa bệnh cho người dân. “Đối với các môn khoa học tự nhiên thì trên lớp em tập trung nghe thầy, cô giảng. Ngoài giờ học, em tìm thêm các bài tập trên Internet để làm thêm nhằm giúp mình sáng ý ra khi gặp các bài tập tương tự”, em Nguyễn Huỳnh Trân chia sẻ.

Để học sinh đạt thành tích cao trong học tập, vai trò của thầy, cô giáo rất quan trọng. Cô Đinh Thị Minh Nguyệt, giáo viên dạy giỏi môn Ngữ Văn, Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Kiên Giang luôn là người cận kề với học sinh thân yêu của mình. Cô Nguyệt cho biết: “Dạy học ngày nay phải đổi mới phương thức truyền đạt thì mới bắt kịp xu hướng. Giáo viên nêu ra vấn đề, hướng dẫn, còn học sinh thảo luận nhiều hơn. Đối với học sinh dân tộc thiểu số do điều kiện sống ở vùng sâu, vùng xa, nên các em có bản tính hiền lành, rụt rè, vì vậy giáo viên cần gợi mở nhiều hơn”.

Nỗ lực của Trân và cô giáo cô Nguyệt tuy nhỏ nhưng đã đóng góp vào thành tích chung của Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Kiên Giang. 5 năm liền trường có tỷ lệ 100% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông. Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Kiên Giang Danh Thị Huyền Trang cho biết, để có tỷ lệ tốt nghiệp 100%, hàng năm, ban giám hiệu nhà trường phân công giáo viên xây dựng kế hoạch, những giáo viên có kỹ năng, năng lực và tâm huyết thực hiện giảng dạy lớp 12 ngay từ đầu năm; xây dựng kế hoạch phần luồng học sinh để có hướng phụ đạo cho các em điểm số thấp qua lần kiểm tra, thi thử giữa học kỳ, kể cả ban đêm.

Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Kiên Giang trong giờ học. (Ảnh: NDO)

Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Kiên Giang trong giờ học. (Ảnh: NDO)

“Với đặc thù là trường nội trú, học sinh ở trường 24/24 nên tập thể nhà trường có điều kiện quan tâm và tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống rất tốt. Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên vận động, tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh về tầm quan trọng của việc học, định hướng tương lai, từ đó xác định mục tiêu, cố gắng phấn đấu trong học tập”, cô Trang cho biết.

Theo Phó Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang Thiều Văn Nam, phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện chiến lược công tác dân tộc của tỉnh Kiên Giang. Thời gian qua, việc thực hiện chính sách đối với người dạy và người học được tỉnh thực hiện khá tốt.

Tỉnh Kiên Giang kịp thời chi hỗ trợ cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các trường vùng dân tộc thiểu số, công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Đối với người học, tỉnh và ngành thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em; miễn, giảm học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông công lập; hỗ trợ chi phí học tập và chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh, chính sách hệ cử tuyển... Ngoài ra, học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú còn được thụ hưởng chính sách theo Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhờ thực hiện tốt các chính sách, nhiều trường dân tộc nội trú trong tỉnh Kiên Giang cũng đang nâng dần chất lượng dạy và học./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất