Phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Chị Lý Say Kín ở thôn Bình Giai, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước chăm sóc đàn dê từ nguồn vốn chính sách xã hội. (Ảnh: TTXVN)

Chị Lý Say Kín ở thôn Bình Giai, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước chăm sóc đàn dê từ nguồn vốn chính sách xã hội. (Ảnh: TTXVN)

Với đặc thù là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Bình Phước đã luôn đề cao, chú trọng trong công tác thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm giải quyết việc làm, ổn định sinh kế và giảm nghèo bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh năm 2024. Cụ thể, địa phương sẽ giải quyết đất ở cho 10 hộ; nhà ở cho 124 hộ (trong đó xây dựng mới 99 hộ); hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 91 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 57 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung 5 công trình. Đồng thời tiếp tục đầu tư các dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, biên giới và những nơi cần thiết. Tỉnh phấn đấu 100% thôn có đường giao thông đến trung tâm được cứng hóa; đầu tư hoàn chỉnh một số công trình cơ sở hạ tầng thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cùng đó, tỉnh hỗ trợ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; đào tạo nghề cho khoảng 400 người; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ dân tộc Kinh nghèo, cận nghèo ở xã đặc biệt khó khăn...

Trên 95% phụ nữ có thai được phổ biến kiến thức, khám thai định kỳ, hỗ trợ y tế, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho 100% trẻ em suy dinh dưỡng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; xây dựng các mô hình văn hóa truyền thống; các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại thôn, ấp vùng dân tộc thiểu số và miền núi…

Ngoài ra, Bình Phước còn hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở; hỗ trợ, tạo điều kiện cho người có uy tín trong cộng đồng làm hạt nhân chính trị, nòng cốt ở cơ sở trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước Điểu Nen, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu của Chương trình sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và người dân tộc thiểu số nhằm thay đổi, chuyển biến nhận thức trong việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người dân tộc thiểu số, nhất là hộ nghèo, cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, ngân sách tỉnh, huyện đối ứng và huy động, lồng ghép nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định; đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu đã được quy định; tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh; vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng.

Bình Phước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất. Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số.

Cũng theo ông Điểu Nen, tỉnh còn tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành; phòng, chống, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện Chương trình.

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, năm 2023, tỉnh Bình Phước đã giảm 1.344 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, đưa số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh xuống còn 574 hộ. Tỉnh cũng đã giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động và đào tạo nghề cho 3.979 người là dân tộc thiểu số./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất