Nỗ lực xóa bỏ tà đạo trên vùng biên Điện Biên (bài 3)

Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới Điện Biên đã không ít lần bị “xáo trộn” vì hoạt động của các loại tà đạo. Không chỉ làm cho người dân mơ hồ, phân tâm trong lao động sản xuất, hoạt động truyền bá các loại tà đạo đã gây ra những bất ổn trong tư tưởng nhân dân, thậm chí có mầm mống làm chia rẽ tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây.

Cán bộ chính quyền xã Nậm Kè tới tận bản Huổi Khon 1 triển khai các chính sách của Nhà nước tới người dân. (Ảnh: Bích Nguyên)

Cán bộ chính quyền xã Nậm Kè tới tận bản Huổi Khon 1 triển khai các chính sách của Nhà nước tới người dân. (Ảnh: Bích Nguyên)

Xáo trộn vì tà đạo

Thực tế cho thấy, hoạt động của các loại tà đạo là một trong những nguyên nhân làm trầm trọng thêm tình trạng di cư tự do, phá rừng làm rẫy, gia tăng các vụ việc gây rối an ninh trật tự, chống đối việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy ra nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến hoạt động thành lập nhà nước riêng của người Mông, tuyên truyền tà đạo. Trong quá trình tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia tà đạo, các đối tượng cầm đầu đều lợi dụng giáo lý, thần quyền tôn giáo và xuyên tạc Kinh thánh... Điển hình là các vụ việc như: Vụ tụ tập phá rối an ninh tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé (tháng 5/2011); vụ tập kích vào tổ công tác liên ngành Công an, Quân đội (tháng 10/2012); hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân do đối tượng Sùng A Sinh ở bản Huổi Chạ, xã Nậm Vì và Lầu A Lềnh ở xã Mường Tong cầm đầu. Những hoạt động này vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng và các đối tượng cầm đầu đã bị tòa án tuyên xử phạt mức án chung thân như Giàng Pà Tình, Sùng A Sinh, Lầu A Lềnh, Thào A Chính, Vừ A Phủ...

Nhắc đến địa danh Huổi Khon, hẳn nhiều người vẫn nhớ hàng ngàn người Mông từ khắp nơi bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động đã đổ về đây để thành lập cái gọi là “Nhà nước Mông” gây mất an ninh trật tự. Đến khi không thấy vua Mông xuất hiện, chỉ thấy khổ sở, bệnh tật, người dân mới biết mình bị lừa phỉnh và tự động quay trở về quê hương. Huổi Khon bây giờ được tách thành bản Huổi Khon 1 và Huổi Khon 2. Các thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng cơ bản. Nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên thay cho những mái nhà lụp xụp trước đây. Đời sống của người dân từng bước được nâng lên.

Chúng tôi tới nhà Trưởng bản Huổi Khon 1 Vàng A Chơ đúng bà con đang tập trung tại đây để triển khai các chính sách hỗ trợ hộ nghèo của Nhà nước. Hỏi chuyện năm xưa, ai cũng bảo, chỉ vì những đối tượng xấu mà cả bản đã bị ảnh hưởng. Người dân ở xa nghe theo bọn xấu kéo nhau đến đây dựng lều, ăn ở khổ sở. Những tên cầm đầu còn rào bản, tổ chức tuần tra, không cho ai ra vào bản. Cả bản Huổi Khon chỉ có 4 hộ tin theo bọn chúng, còn lại, chúng tôi đều không tham gia vào những việc xằng bậy đó. Chúng bảo vua Mông sẽ về đón người Mông đi, không cần làm cũng có ăn. “Chúng tôi nhận thấy không có vua Mông nào cả, bọn xấu chỉ tuyên truyền lừa bịp để phục vụ mục đích xấu xa của chúng. Chỉ có Đảng và Nhà nước là luôn quan tâm tới người Mông và đồng bào các dân tộc khác sinh sống ở đây” – ông Sùng A Kỷ, Trưởng ban Công tác mặt trận bản Huổi Khon 1 chia sẻ.

Ông Kỷ bảo rằng, bà con trong bản theo đạo Liên hữu cơ đốc và được Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để sinh hoạt. Chủ nhật hàng tuần, người dân tập trung tại nhà cầu nguyện nghe giảng Kinh thánh, chia sẻ những điều hay, lẽ phải, cũng như kinh nghiệm phát triển sản xuất.

Ông Kỷ cho biết thêm, trước đây, có vài hộ theo tà đạo Bà cô Dợ. Theo cách nói của ông, đây không phải là đạo chính thống, không có đầu, không có đuôi, không có nguồn gốc, không có mục sư. “Việc theo đạo lạ, tà đạo dễ khiến người ta bị xui khiến, lôi kéo làm những việc sai trái, gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần đoàn kết, an ninh trật tự của bản. Tôi cùng với các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương đã vận động các hộ dân đó từ bỏ tà đạo này quay về với chính đạo, cùng với bà con trong bản đoàn kết, chăm chỉ làm ăn, xây dựng cuộc sống ấm no” - ông Kỷ chia sẻ.

Mong người dân tỉnh táo đi theo chính đạo

Khi mặt trời đứng bóng, chúng tôi đặt chân tới bản Huổi Khon 2. Dẫu vẫn còn khó khăn khi so với ngày mới thành lập, đời sống của 48 hộ dân nơi đây đã được nâng lên rất nhiều. “Trước đây, hầu hết bà con trong bản đều ở trong nhà nhỏ, đường sá đi lại khó khăn. Bây giờ, bà con đều làm nhà lớn để ở, có nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, kho để đồ riêng. Nhà nào cũng có bồn chứa nước sinh hoạt. Bà con ai cũng tin tưởng, đồng lòng thực hiện các chính sách của Nhà nước” - Trưởng bản Thào A Da chia sẻ.

Trưởng bản Huổi Khon 2 Thào A Da (bên phải) luôn khuyên nhủ bà con đi theo chính đạo, chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước. (Ảnh: Bích Nguyên)

Trưởng bản Huổi Khon 2 Thào A Da (bên phải) luôn khuyên nhủ bà con đi theo chính đạo, chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước. (Ảnh: Bích Nguyên)

Điều khiến anh Da trăn trở, lo lắng là nguy cơ mất đoàn kết trong cộng đồng chỉ vì một số ít hộ dân nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu đi theo tà đạo Bà cô Dợ. Họ được những người sinh sống ở nước ngoài gửi tiền về cho mua điện thoại để sinh hoạt họp nhóm trên mạng xã hội. “Đạo Bà cô Dợ này có nhiều lời giảng dạy sai với lịch sử và hiện thực. Bà Dợ khẳng định, Chúa Giê Su tái sinh vào con trai bà, đạo Tin lành là đạo giả, đạo của bà mới là đạo chính thống. Đây là sự lừa bịp và xúc phạm đến những người tin theo Chúa” - anh Da bức xúc nói.

Theo lời anh Da, người dân ở Huổi Khon 2 vốn tín Chúa, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, nhưng từ khi đạo Bà cô Dợ xuất hiện đã gây chia rẽ trong quan hệ họ hàng, thân tộc và người dân trong bản với nhau. “Truyền thống của người Mông chúng tôi là luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau. Nhà nào có việc tang ma hay cưới hỏi, mọi người đều tới hỗ trợ, chia sẻ. Thế nhưng, từ ngày tà đạo Bà cô Dợ xâm nhập vào bản, tinh thần đoàn kết của chúng tôi đã bị ảnh hưởng. Những người theo Bà cô Dợ không tham gia họp bản và các sinh hoạt chung khác. Khi bản tổ chức bữa cơm ăn chung trong các dịp lễ tết, ngày kỷ niệm..., họ đều từ chối tham gia. Tới nhà vận động thì họ nói rằng, Bà cô Dợ bảo là theo đạo của bà phải kiêng không giúp người đạo khác, không được ăn cơm cùng, ngay cả với anh em trong dòng họ. Thậm chí, người trong dòng họ của họ bị ốm đau, bệnh tật, dựng nhà hay làm cỗ, họ cũng không tới giúp. Vì thế mà mối quan hệ đoàn kết trong bản không được như trước đây” - anh Da cho biết.

Nhận thấy tà đạo Bà cô Dợ tác động gây chia rẽ trong nhân dân, anh Da thường xuyên nhắc nhở bà con trong bản kính Chúa, lựa đức tin đúng đắn, không nghe kẻ xấu, đồng thời, tới tận nhà vận động người theo tà đạo Bà cô Dợ quay về với đạo chính thống. Anh Da chia sẻ: “Tôi thường nói với bà con, mình là công dân của nước Việt Nam, là tín đồ theo đạo chính thống phải chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống tốt đời đẹp đạo. Quan trọng nhất là không theo tà đạo, nhất là đạo Bà cô Dợ. Bây giờ, trên mạng xã hội tuyên truyền đạo trái phép rất nhiều, bà con mình cần phân biệt đúng sai, không kết bạn, không tiếp cận các trang tin lạ để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo làm điều sai trái, gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự, sự đoàn kết trong bản. Bà con phải cố gắng cho con cháu đi học để có kiến thức, phấn đấu sản xuất, gìn giữ văn hóa truyền thống”.

Điều đáng mừng là thông qua nỗ lực tuyên truyền, vận động của Đồn Biên phòng Nậm Kè và chính quyền địa phương, đến nay, 8 hộ dân trên địa bàn đã từ bỏ tà đạo Bà cô Dợ, quay lại sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật.

Bài 4: Thức tỉnh, tự nguyện từ bỏ tà đạo

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất