Nỗ lực xóa bỏ tà đạo trên vùng biên Điện Biên (bài 2)

Bài 2: Tà đạo len lỏi vào các thôn, bản xa xôi

Lén lút hoạt động

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, các đối tượng phản động, thù địch thường xuyên lợi dụng tôn giáo, lôi kéo người dân tham gia tà đạo nhằm gia tăng số lượng tín đồ, mở rộng mạng lưới. Hoạt động truyền đạo trái phép, đặc biệt là hoạt động tà đạo đang tạo nên những “điểm nóng”, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Trong đó, tà đạo Bà cô Dợ có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên cho biết, riêng về tà đạo Bà cô Dợ, tính đến đầu năm 2023, trên địa bàn các xã biên giới đã hình thành 7 điểm nhóm, có 15 hộ sinh hoạt lén lút tại các thôn bản thuộc địa bàn các Đồn Biên phòng (BP): Leng Su Sìn, Nậm Kè, Nậm Nhừ, Mường Mươn.

Cán bộ Đồn BP Leng Su Sìn phối hợp cùng cán bộ xã, thôn tới từng hộ dân vận động người dân từ bỏ tà đạo, quay lại sinh hoạt theo đạo chính thống. (Ảnh: Bích Nguyên)

Cán bộ Đồn BP Leng Su Sìn phối hợp cùng cán bộ xã, thôn tới từng hộ dân vận động người dân từ bỏ tà đạo, quay lại sinh hoạt theo đạo chính thống. (Ảnh: Bích Nguyên)

Ngoài đạo Bà cô Dợ, tại khu vực biên giới Điện Biên còn có một số đạo lạ khác đang lén lút hoạt động như: Lời sự sống Việt Nam (địa bàn Đồn BP: Na Cô Sa, Nậm Nhừ, Si Pha Phìn, Mường Mươn); đạo Hoa Long (địa bàn Đồn BP Thanh Luông); Pháp Luân Công (địa bàn Đồn BP: Thanh Luông, Mường Nhà, Pa Thơm); đạo Ân điển cứu rỗi (địa bàn Đồn BP Nậm Kè); “Đức chúa trời toàn năng”...

Chúng tôi tới công tác tại Đồn BP Leng Su Sìn trong bối cảnh đơn vị đang nỗ lực vận động nhân dân sinh hoạt tôn giáo đúng với chính sách, pháp luật của Nhà nước. Theo những người lính ở đây, từ giữa năm 2023 trở về trước, vấn đề nan giải và phức tạp nhất là hoạt động của tà đạo Bà cô Dợ. Các đối tượng thường mở các phòng zoom để tuyên truyền đạo, hướng dẫn người dân cách chống đối chính quyền, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đồn BP Leng Su Sìn quản lý hai xã biên giới Chung Chải và Leng Su Sìn với hơn 9.400 nhân khẩu thuộc 6 dân tộc, đa số là người Mông. Đồng bào sinh hoạt tôn giáo theo đạo Tin lành và Truyền giáo phúc âm. Dù chỉ có 3 hộ/18 khẩu và 1 cá nhân theo hai tà đạo Bà cô Dợ và Tia chớp Phương Đông nhưng đã trở thành “điểm nóng” của xã. Đồn BP Leng Su Sìn và các lực lượng chức năng cùng chính quyền xã đã phải rất vất vả mới ổn định được tình hình địa bàn.

Ông Pờ Xè Chừ, Bí thư Đảng ủy xã Chung Chải cho biết, nhận thức của một bộ phận người dân trên địa bàn xã còn rất hạn chế. Lợi dụng điều này, một số đối tượng người Mông ở nước ngoài đã kêu gọi trên các nền tảng mạng xã hội và Internet, vận động người Mông theo đạo Bà cô Dợ. Các đối tượng cầm đầu sử dụng nội dung Kinh thánh của đạo Tin lành cải biến đi theo ý của họ, tổ chức giảng dạy, truyền đạo trên nền tảng Zoom. Nội dung chủ yếu là hướng dẫn cách chống đối chính quyền địa phương, lôi kéo, tập hợp lực lượng lập “Nhà nước Mông”. Bà cô Dợ lớn tiếng tuyên bố những điều phi lý: “Tôi sẽ giải cứu người Mông khỏi sự hành hạ của các dân tộc khác và thành lập vương quốc Mông”, vẽ ra ảo tưởng theo Chúa không làm cũng có ăn, hàng ngày chỉ cần ngồi cầu nguyện, chết sẽ được lên thiên đường, được Chúa che chở...

Bỏ làm ăn để nghe thuyết giảng tà đạo online

Theo chân cán bộ BP, chúng tôi tới bản Cà Là Pá 1, xã Leng Su Sìn – nơi từng là điểm nóng về di cư trái phép và truyền đạo bất hợp pháp. Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, người dân từ nơi khác di cư về đây đã được bố trí đất ở tái định cư, ổn định sản xuất và sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật. Anh Sùng A Sin, người Mông, sinh năm 1996 cho biết: “Chúng tôi cảm ơn Nhà nước đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi ổn định cuộc sống, được sinh hoạt tôn giáo theo mong muốn”.

Cán bộ Đồn BP Leng Su Sìn tới thăm, tặng quà, động viên vợ chồng anh Sin, chị Cú sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật. (Ảnh: Bích Nguyên)

Cán bộ Đồn BP Leng Su Sìn tới thăm, tặng quà, động viên vợ chồng anh Sin, chị Cú sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật. (Ảnh: Bích Nguyên)

Trưởng bản Cà Là Pá 1 Sùng A Tủa cũng là một người dân di cư về đây tìm cuộc sống mới. Khi tới đây, trong tay anh không có tài sản, không có đất làm ăn. Thực hiện công tác ổn định đồng bào Mông di cư, anh Tủa được chính quyền bố trí 3ha đất nương, nuôi thêm trâu bò. Anh Tủa chia sẻ: “So với trước đây, cuộc sống của gia đình tôi tốt hơn rất nhiều. Con tôi được đi học. Nhà nước cấp cho thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh miễn phí. Chúng tôi còn được Nhà nước hỗ trợ cây, con giống để phát triển sản xuất. Tôi và bà con trong bản đều yên ổn làm ăn”.

Về chuyện sinh hoạt tôn giáo, anh Tủa cho hay: “Đa số bà con trong bản theo đạo Tin lành, chấp hành tốt các quy định của Nhà nước. Chúng tôi bảo nhau không nghe, không tin theo kẻ xấu, chỉ làm những việc tốt như lời Chúa dạy và chấp hành pháp luật của Nhà nước. Thế nhưng một số ít người dân trong bản vẫn bị đối tượng xấu lôi kéo theo các loại đạo không được Nhà nước công nhận, làm ảnh hưởng đến cả bản”.

Người mà Trưởng bản Tủa nhắc đến là chị Giàng Thị Cú, sinh năm 1999, vợ của anh Sin. Chị Cú thông qua mạng xã hội đã bị lôi kéo theo tà đạo “Tia chớp Phương Đông” từ năm 2022, sinh hoạt online qua phòng Zoom. Anh Sin kể: “Từ ngày theo tà đạo này, nó bỏ bê nương rẫy, cả ngày chỉ ngồi nghe giảng đạo, không làm bất cứ việc gì. Tôi khuyên can mãi không được”. Không bỏ cuộc, cán bộ bản và chính quyền xã đã phối hợp với cán bộ BP kiên trì vận động thuyết phục, đến nay, chị Cú đã bỏ tà đạo này.

Chúng tôi được biết, thời gian qua, Đồn BP Leng Su Sìn đã phối hợp với Ban Chỉ đạo 160 của huyện Mường Nhé và các lực lượng chức năng kiên trì tuyên truyền, định hướng người dân tham gia sinh hoạt tôn giáo đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời triển khai các biện pháp kiên quyết xóa bỏ tà đạo, làm trong sạch địa bàn. Theo những người lính BP, công việc này thực sự rất khó khăn. BĐBP phải kiên trì đến từng hộ theo tà đạo giáo dục, vận động nhiều lần để bà con nhận rõ những điều phi lý, không đúng sự thật trong nội dung tuyên truyền của tà đạo cũng như hiểu đúng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng như những chính sách của Nhà nước về hoạt động tôn giáo. Đồng thời, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản trong việc vận động người dân từ bỏ tà đạo, đạo lạ, không nghe lời kẻ xấu gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp, đến nay, các hộ dân nói trên đã cam kết từ bỏ tà đạo Bà cô Dợ và Tia chớp Phương Đông./.

Bài 3: Nguy cơ mất đoàn kết dân tộc vì tà đạo

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất