Nỗ lực xóa bỏ tà đạo trên vùng biên Điện Biên
Người dân bản Cà Là Pá 1, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé xây dựng nhà cầu nguyện khang trang phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của người dân theo quy định của pháp luật. (Ảnh: Bích Nguyên)

Người dân bản Cà Là Pá 1, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé xây dựng nhà cầu nguyện khang trang phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của người dân theo quy định của pháp luật. (Ảnh: Bích Nguyên)

Bài 1: Hoạt động tôn giáo diễn biến phức tạp

Khu vực biên giới tỉnh Điện Biên gồm 4 huyện, 29 xã; 300 thôn, bản và 3 tổ dân cư, có 16 dân tộc sinh sống với tổng dân số hơn 27.800 hộ/hơn 134.000 khẩu thuộc nhiều thành phần dân tộc khác nhau, trong đó, dân tộc Mông chiếm 49,5%, dân tộc Thái chiếm 23,4%, còn lại là các dân tộc khác. Trong những năm qua, hoạt động tôn giáo trên địa bàn biên giới Điện Biên diễn biến phức tạp do mâu thuẫn trong nội bộ các tôn giáo và hoạt động của một số tà đạo.

Tình hình chung về hoạt động tôn giáo ở khu vực biên giới

Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên, hoạt động tôn giáo trên địa bàn khu vực biên giới Điện Biên tập trung ở 22/29 xã thuộc địa bàn 13/17 đồn Biên phòng (BP) gồm 4 tôn giáo chính: Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Cơ đốc Phúc lâm với tổng số 6.283 hộ/hơn 34.700 tín đồ, sinh hoạt tập trung ở 150 điểm nhóm, trong đó, 136 điểm nhóm được cấp giấy chứng nhận sinh hoạt, số tín đồ người Mông là hơn 32.000 người.

Cụ thể: Phật giáo có 13 tăng y, phật tử chùa Linh Quang thuộc xã Thanh Nưa, điểm tâm linh Linh Sơn thuộc xã Thanh Luông, huyện Điện Biên. Công giáo có 324 hộ/hơn 2.000 tín đồ, sinh hoạt tại 6 cơ sở thờ tự thuộc 6 xã: Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé (huyện Mường Nhé); Na Cô Sa, Nà Bủng, Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ). Đạo Tin lành có hơn 5.770 hộ/hơn 31.200 tín đồ sinh hoạt tại 136 điểm nhóm thuộc 19 xã của 4 huyện biên giới (gồm 7 hệ phái: Tin lành Việt Nam miền Bắc; Liên hữu Cơ đốc; Truyền giảng phúc âm; Nước hàng sóng; Tin lành Báp Tít; Phúc âm ngũ tuần và Liên đoàn Truyền giáo Phúc âm). Đạo Cơ đốc Phục lâm Việt Nam có hơn 700 tín đồ sinh hoạt tại 6 điểm nhóm.

Một số hệ phái tôn giáo trên địa bàn biên giới tỉnh Điện Biên đã đề nghị chính quyền địa phương công nhận, cấp phép thành lập các tổ chức tôn giáo ở cơ sở như Giáo sứ Nậm Pồ, Ban đại diện Tin lành Việt Nam miền Bắc tỉnh Điện Biên. Việc chia tách, chuyển sinh hoạt sang hệ phái tôn giáo khác của một số điểm nhóm, tín đồ vẫn thường xuyên diễn ra.

Nhận diện các hoạt động tà đạo

Bên cạnh những hoạt động tôn giáo thuần túy, hoạt động theo quy định của pháp luật, tại địa bàn BP tỉnh Điện Biên xuất hiện sự xâm nhập, hoạt động của một số tà đạo, đạo lạ. Nổi lên là tà đạo Bà cô Dợ với 15 hộ/106 khẩu (địa bàn Đồn BP Leng Su Sìn, Nậm Kè, Nậm Nhừ, Mường Mươn); Lời sự sống Việt Nam có 27 hộ/143 khẩu tham gia (địa bàn Đồn BP Nậm Nhừ, Na Cô Sa, Si Pha Phìn, Mường Mươn); Hoa Long 17 hộ/50 khẩu tham gia, Pháp Luân Công 20 khẩu; 4 hộ/6 khẩu theo đạo lạ "Nhân chứng Giê-hô-va" (địa bàn Đồn BP Mường Nhé, Na Cô Sa); 7 hộ/46 khẩu theo đạo lạ "Ân điển cứu rỗi" (địa bàn Đồn BP Nậm Kè). Đây là số liệu thống kê đầu năm 2023. Nội dung tuyên truyền của các tà đạo này là mê tín dị đoan, đả kích các tôn giáo chính thống, tô vẽ ra nhân vật vua Mông, kích động tư tưởng li khai, tự trị đòi thành lập Nhà nước Mông nhằm thực hiện âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định an ninh chính trị.

Cán bộ Đồn BP Nậm Kè vận động nhân dân không nghe, không tin theo đạo Bà cô Dợ. (Ảnh: Bích Nguyên)

Cán bộ Đồn BP Nậm Kè vận động nhân dân không nghe, không tin theo đạo Bà cô Dợ. (Ảnh: Bích Nguyên)

Trong đó, phức tạp nhất là đạo Bà cô Dợ hoạt động mang màu sắc chính trị do một số đối tượng ở nước ngoài cầm đầu nhằm tuyên truyền, lôi kéo, tập hợp lực lượng, lập “Nhà nước Mông”. Theo tài liệu của các cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên, đạo Bà cô Dợ còn gọi là “Đức chúa trời yêu thương chúng ta” do Vừ Thị Dợ, sinh năm 1978, người Mông, sinh sống tại bang Wisconsin, Mỹ cầm đầu, sáng lập và chỉ đạo hoạt động. Gia đình của bà Dợ nguyên là thành viên của Hội thánh liên hiệp ân điểm Hmông (CM&A) từ tháng 3/1999 đến tháng 5/2012.

Trong thời gian đó, bà Dợ đã có những phát ngôn sai lệch trên mạng xã hội. Do đó, ngày 17/3/2012, các trưởng lão của hội thánh đã mời bà đến để nói về các giáo lý sai lệch mà bà đã công bố trên các mạng xã hội nhưng bà không hợp tác. Sau đó, hội thánh lại cử một Ủy ban đặc biệt để giúp bà ra khỏi tà giáo, tuy nhiên, bà Dợ vẫn không hợp tác. Vào ngày 29/5/2012, Hội thánh liên hiệp ân điểm Hmông công bố quyết định “bà Dợ và gia đình không còn là thành viên của Hội thánh liên hiệp ân điển Hmông”.

Thực tế, trong nhiều năm qua, bà Dợ xuyên tạc kinh thánh, thường xuyên tán phát các thông tin sai lệch, hoang đường trên các trang mạng xã hội để lôi kéo tín đồ. Vừ Thị Dợ kể rằng, năm 2000, bà đi ngủ và mơ thấy có người phụ nữ nói là sẽ giết bà Dợ trong năm 2000, rồi sau đó đưa bà Dợ đi gặp chúa. Khi lên trời gặp chúa về, tự dưng bà Dợ mang bầu và sinh con. Hiện nay, con trai Dợ đã được 22 tuổi và có thể biết hết mọi thứ diễn ra trong tương lai như: Người Mông sẽ bị các dân tộc khác lột da và bị giết như ngày xưa ở Trung Quốc, nên chúa mới chọn sinh ra trong người Mông (Nu Si Lông, con bà Dợ) để giúp đỡ, giải quyết vấn đề của người Mông.

Cụ thể, Vừ Thị Dợ tự nhận mình là người đẻ ra Chúa Giê-su tái lâm, đứa con thứ 5 của bà là Cứ A Lông (Nù Si Lông), sinh ngày 23/11/2000, chính là Chúa Giê-su tái lâm lần thứ 2. Đây là điều bịa đặt trắng trợn bởi trong Kinh thánh không hề có ghi chép Chúa Giê-su sẽ tái lâm trong hình hài của một đứa trẻ. Thực tế, tà đạo Bà cô Dợ không có hiến chương, điều lệ rõ ràng. Giáo lý của tà đạo này chủ yếu cóp nhặt, trích dẫn, xuyên tạc Kinh thánh Tân ước, Cựu ước của đạo Tin lành để sinh hoạt và truyền đạo trái phép. Lời tuyên truyền của Bà cô Dợ là một tà thuyết, mang màu sắc mê tín dị đoan và dối trá, lừa đảo mọi người.

Cơ quan Công an tỉnh Điện Biên cho biết, những luận điệu tuyên truyền của Vừ Thị Dợ và các đối tượng trong nhóm Bà cô Dợ không những có tính chất tà giáo, mà còn thể hiện rõ bản chất phản động, tuyên truyền, lôi kéo người theo tà đạo với mục đích tập hợp lực lượng để hoạt động “ly khai”, “tự trị” thành lập nhà nước riêng của người Mông. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Ngoài những tà đạo xâm nhập vào địa bàn biên giới Điện Biên từ trước, còn có một số đạo lạ, tà đạo mới xuất hiện như: Tia chớp phương Đông; Đức chúa trời toàn năng; An bình hạnh phúc; Tin lành Mông (do đối tượng Mùa Nỏ Cò, người Mông, quốc tịch Mỹ cầm đầu)... cũng tích cực lôi kéo, móc nối phát triển tín đồ.

Bài 2: Tà đạo len lỏi vào các thôn, bản xa xôi

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất