Nỗ lực “kéo” học trò vùng cao trở lại trường học
Tổ công tác do xã Nậm Cắn thành lập đến tận các gia đình để vận động học sinh trở lại trường. (Ảnh: Viết Lam)

Tổ công tác do xã Nậm Cắn thành lập đến tận các gia đình để vận động học sinh trở lại trường. (Ảnh: Viết Lam)

Từ sáng sớm, khi sương mù vẫn còn bao phủ trên những ngọn núi, tổ công tác đặc biệt với 12 người gồm giáo viên, cán bộ địa phương và Đồn Biên phòng Nhôn Mai, BĐBP Nghệ An đã có mặt tại trung tâm xã Mai Sơn, huyện Tương Dương để chuẩn bị lên đường thực hiện nhiệm vụ. Sau khi hội ý, tổ công tác đã chia làm 3 nhóm nhỏ đến địa bàn các bản: Piêng Coọc, Phà Kháo và Chà Lò để tìm, vận động một số học sinh trở lại trường. Ông Kha Văn Chân, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Sơn cho biết: “Do nhiều nguyên nhân khác nhau, sau dịp nghỉ Tết, có 26 em học sinh thuộc bậc trung học cơ sở chưa trở lại trường. Chúng tôi đã nhanh chóng thành lập tổ công tác lên các bản làng, đến tận từng gia đình để vận động phụ huynh, động viên các em học sinh xuống trung tâm xã tiếp tục học tập”.

Con đường lên bản Piêng Coọc là những dốc cao nối tiếp, đường cua gấp, thành viên tổ công tác ngồi trên xe máy thỉnh thoảng phải chống chân xuống mặt đường, rồ ga để xe lao lên phía trước. Khi lưng áo của những cán bộ tổ công tác ướt đẫm, bản làng của đồng bào dân tộc Mông cũng hiện lên nằm trên một đỉnh đồi cao. Dường như không khí lễ hội mùa xuân còn hiện hữu rất rõ nét ở bản vùng cao bởi tiếng loa đài, đám cưới được tổ chức vui nhộn. Có lẽ, một số học sinh ở Piêng Coọc cũng tham gia cuộc vui mà chưa muốn trở lại trường học.

Sau khi lên đến trung tâm bản, tổ công tác tìm đến nhà của em Và Y Sành, học sinh lớp 9, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Mai Sơn để tìm hiểu nguyên nhân, vận động nữ sinh xuống trường. Thấy thầy, cô giáo, cán bộ xã, đồn Biên phòng tìm đến, ông Và Bá Dế (bố của Sành) ra tận cửa chào đón, còn nữ sinh nhanh chóng bước vào phòng riêng. Qua câu chuyện, ông Dế nói với mọi người: “Mình cũng đã nhắc nhở, động viên con xuống trường học nhưng nó chưa chịu đi. Nói nặng lời thì không được, đành phải chiều theo ý con thôi, khi nào nó thích thì sẽ xuống học”.

Khi thầy, cô giáo gọi vào phòng động viên, Y Sành mới nói vọng ra: “Cho em ở lại vui đám cưới với bạn vài hôm rồi sẽ đến lớp”. Mọi người trong tổ công tác đã động viên, chia sẻ để ông Dế nhắc nhở con gái sớm trở lại lớp, rồi tiếp tục tìm đến gia đình học trò khác. Rời nhà nữ sinh, ông Kha Văn Chân nét mặt buồn bã giải thích: “Chúng tôi cũng chỉ dừng lại ở mức độ khuyên nhủ nhẹ nhàng, nếu mai mốt cháu không xuống lớp học, chúng tôi lại tiếp tục lên vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Chứ nặng lời, gây áp lực, các cháu nghĩ quẩn, làm điều gì dại dột thì đau lòng lắm!".

Sau khi được vận động, em Già Bá Thò, học sinh lớp 9, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Mai Sơn đã vui vẻ trở lại trường học. (Ảnh: Viết Lam)

Sau khi được vận động, em Già Bá Thò, học sinh lớp 9, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Mai Sơn đã vui vẻ trở lại trường học. (Ảnh: Viết Lam)

Qua tìm hiểu, được biết, đến thời điểm này, còn rất nhiều trường học, phổ biến nhất thuộc bậc trung học cơ sở ở các xã biên giới của các huyện: Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong vẫn có nhiều học sinh chưa đến lớp. Nguyên nhân chủ yếu do phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông xem mùa xuân là mùa lễ hội. Trong dịp Tết, họ thường đến các địa phương khác để thăm thân. Nhiều học sinh tham gia các hoạt động vui chơi, thăm thân với gia đình chưa kịp trở về. Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp bỏ học để lấy vợ, lấy chồng, theo người lớn đi làm ăn xa.

Những ngày này, tổ công tác do xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn thành lập với sự tham gia của giáo viên, cán bộ địa phương, đồn Biên phòng cũng đang đến các bản làng để “tìm” học trò. Xã biên giới Nậm Cắn có phần lớn dân cư là đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở các bản làng khác nhau. Hàng năm, nhất là dịp sau nghỉ hè, nghỉ Tết, có rất nhiều học sinh có nguy cơ bỏ học giữa chừng.

Nắm bắt được tình hình, ngay sau Tết Nguyên đán 2024, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã triển khai các biện pháp khác nhau để tuyên truyền đến các gia đình động viên con, em trở về trường tiếp tục học tập. Công tác tuyên truyền được thực hiện qua hệ thống loa phát thanh bằng tiếng phổ thông và ngôn ngữ đồng bào dân tộc Mông. Cùng với đó, địa phương cũng phát huy vai trò của người có uy tín, cán bộ đảng viên đến từng gia đình tuyên truyền, vận động.

Trong những ngày qua, Thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đã trực tiếp tham gia tổ công tác của xã vào bản Huồi Pốc để “tìm”, “kéo” học sinh còn nghỉ học đến lớp. Sau thời gian nghỉ Tết, vẫn còn 6 học sinh ở địa bàn bản Huồi Pốc chưa trở lại lớp. Thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ những khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ: “Một số gia đình khi chúng tôi tìm đến, gặp tình trạng cửa đóng then cài vì đã đi làm ăn xa. Có trường hợp, học sinh thấy tổ công tác đến thì tìm cách né tránh. Chúng tôi sẽ kiên trì để tiếp tục tuyên truyền, vận động các cháu về trường học tập, không bỏ học giữa chừng”.

Bà Vi Thị Quyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Trong năm 2023, chúng tôi đã quyết liệt triển khai các biện pháp ngăn chặn việc học sinh bỏ học giữa chừng. Cùng với đó, việc cơ sở trường lớp, chế độ cho học sinh được đáp ứng ngày càng đầy đủ cũng sẽ góp phần hạn chế tỉ lệ học sinh bỏ học. Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương, ngành giáo dục kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục học sinh trở lại trường trong thời gian sớm nhất".

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất