Niềm vui trọn vẹn ở “thung lũng chết” A So
Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng Hóa học và ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới ký Biên bản bàn giao đất sạch cho địa phương. (Ảnh: Trúc Hà)

Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng Hóa học và ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới ký Biên bản bàn giao đất sạch cho địa phương. (Ảnh: Trúc Hà)

Xoa dịu “nỗi đau da cam”

Trong chiến tranh, quân đội Mỹ đã sử dụng thung lũng A So (nay thuộc xã Đông Sơn, huyện A Lưới) làm sân bay dã chiến. Đây cũng là nơi chứa đựng chất độc hóa học dioxin (da cam), là trạm trung chuyển để không quân Mỹ đi phun rải ở khu vực miền Trung Việt Nam. Theo thống kê, từ năm 1961 đến năm 1971, tỉnh Thừa Thiên Huế với trọng điểm - sân bay A So là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề của chất độc hóa học dioxin. Toàn tỉnh hiện có gần 16.000 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, riêng huyện A Lưới là khoảng 5.000 người (tập trung chủ yếu ở khu vực sân bay A So) - những con số khiến người ta giật mình.

Chiến tranh qua đi, nhưng “nỗi đau da cam” vẫn cứ dai dẳng, nó được thể hiện qua sức khỏe, hình hài của những người bị nhiễm chất độc dioxin ở Đông Sơn. Nó còn ảnh hưởng đến cả người bình thường khi không thể chăn nuôi, canh tác trên mảnh đất cha ông, mảnh đất mà phải đổ máu để giành lại từ quân xâm lược. A So ngầm được ví như “thung lũng chết”, bởi chất độc dioxin nhiễm vào đất, nước, cá, gà, vịt đồng bào nuôi cũng không thể ăn được. Sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương đã phần nào xoa dịu "nỗi đau da cam”, thế nhưng, trong sâu thẳm mỗi người vẫn mong một ngày nào đó, vùng đất nhiễm độc này sẽ được “chữa lành”. Đồng bào các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu sẽ được lao động, cấy hái trên mảnh đất này và không còn ai phải lo lắng cho thế hệ tương lai.

Từ sau chiến tranh, đã có một số dự án thực hiện việc khảo sát tình trạng đất nhiễm độc trên địa bàn huyện A Lưới. Các kết quả khảo sát cơ bản xác định được khu vực ô nhiễm tại sân bay A So. Nếu lấy mục tiêu xử lý là 40 ppt (đất trồng cây hàng năm theo QCVN 45:2012/BTNMT) thì diện tích ô nhiễm ước tính khoảng 5ha, chiều sâu ô nhiễm trung bình 0,7m, tổng khối lượng đất ô nhiễm cần xử lý là 35.000m3 (trong đó, có khoảng 6.600m3 đất nhiễm có nồng độ ô nhiễm trên 200ppt). Ngoài ra, trong quá trình tẩy độc dioxin tại sân bay A So, nhà chức trách đã phát hiện thêm khoảng 3.700m3 đất nhiễm dioxin cần xử lý. Nhằm nhanh chóng tiến hành các biện pháp tẩy độc đất ở sân bay A So, ngày 30/3/2020, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đã phê duyệt Dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế”, giao trực tiếp cho Binh chủng Hóa học chủ trì thực hiện.

Với tổng kinh phí 74 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, dự án đã tiến hành rà phá bom mìn đối với diện tích hơn 9ha tại sân bay A So; tiến hành thu gom, xử lý 38.718m3 đất và trầm tích ô nhiễm dioxin. Đặc biệt, với công nghệ chôn lấp cô lập do Viện Hóa học môi trường quân sự nghiên cứu, dự án đã ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học do Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) chuyển giao để xử lý triệt để đất ô nhiễm nặng. Trong tổng khối lượng 38.718m3 đất nhiễm, đã xử lý sinh học được 6.500m3, xử lý chôn lấp cô lập 32.218m3. Kết thúc dự án, Binh chủng Hóa học đã tiến hành hoàn thổ, trồng cây trên diện tích 5,23ha, việc san mặt bằng hố chôn dự án theo đúng tiến độ đề ra và bàn giao đất sạch cho địa phương.

Hướng tới tương lai

Ngày 24/10/2023, tại xã Đông Sơn, Binh chủng Hóa học long trọng tổ chức Lễ công bố hoàn thành xử lý hiện trường đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So. Có lẽ, chưa khi nào ở Đông Sơn, không khí lại đông vui, rộn ràng như thế. Niềm hạnh phúc chất chứa qua ánh mắt, nụ cười, lời nói, những cái bắt tay thật chặt, chứa đựng sự cảm ơn vì từ đây Đông Sơn đã được hồi sinh. Đồng bào các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu ai cũng chọn cho mình bộ quần áo đẹp nhất để mặc đi dự lễ.

Đất nhiễm dioxin sau khi được xử lý đã trồng cây. (Ảnh: Trúc Hà)

Đất nhiễm dioxin sau khi được xử lý đã trồng cây. (Ảnh: Trúc Hà)

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Quý Phương khẳng định, việc hoàn thành dự án là một dấu mốc lớn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Từ một điểm nóng ô nhiễm với chất độc dioxin, kể từ hôm nay, sân bay A So đã được hoàn trả môi trường trong sạch, an toàn, loại bỏ hoàn toàn tác động nguy hiểm đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái. “Những kết quả này sẽ giúp người dân ổn định đời sống và phát triển kinh tế-xã hội địa phương, đồng thời, tạo niềm tin, độc lập để người dân yên tâm lao động sản xuất, tính chuyện tương lại. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa đối với A So là một vùng sâu, giáp biên giới, người dân chủ yếu là đồng bào và cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn” - ông Phan Quý Phương nhấn mạnh.

Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng Hóa học cho biết: “Sau 3 năm triển khai, với sự nỗ lực cao nhất, chất độc dioxin đã được cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài, không gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường sinh thái, nên bà con yên tâm lao động sản xuất. Sự thành công của Dự án “Xử lý đất nhiễm độc dioxin tại sân bay A So” sẽ mang lại nhiều ý nghĩa về mặt kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng cho tỉnh Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện dự án, Binh chủng Hóa học đã triển khai nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ, tri ân các gia đình nạn nhân chất độc da cam, các cháu học sinh trên địa bàn. Tổ chức nhiều đợt triển lãm, tuyên truyền một cách thiết thực để nâng cao hiểu biết về tác hại của chất độc, cũng như biện pháp phòng tránh”.

Dịp này, Bộ Quốc phòng cũng trao 200 suất quà (gồm các thực phẩm và 2 triệu đồng tiền mặt/suất) tặng các gia đình chính sách, người có công cách mạng, các gia đình nạn nhân da cam, học sinh nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Đông Sơn. Kết quả dự án cũng là sự tri ân rõ nét của Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với nhân dân vùng đất cách mạng anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất