Những người giữ bản sắc văn hóa vùng cao
Các nghệ nhân giới thiệu, hướng dẫn khách du lịch làm nghề dệt zèng của đồng bào Tà Ôi, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: NDO)

Các nghệ nhân giới thiệu, hướng dẫn khách du lịch làm nghề dệt zèng của đồng bào Tà Ôi, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: NDO)

Để tiếp nối và “khơi thông” dòng chảy văn hóa đó, đã có những lớp người âm thầm, nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Họ chính là các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, được coi là “báu vật sống” tại các bản làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế.

Giữ “lửa” văn hóa truyền thống Cơ Tu

Ở thôn PaRing-Cân Sâm, xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, ai cũng biết gia đình ông Nguyễn Hoài Nam, tức già làng Pi Hôi Cu Lai. Người dân đã quá quen với tiếng chiêng trống, điệu múa của già làng Cu Lai.

Ông là người truyền dạy những làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ truyền thống không chỉ của đồng bào Cơ Tu mà cả của đồng bào Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy nơi đây. Làm việc trong ngành văn hóa thông tin cơ sở, rồi làm Bí thư Đảng ủy xã Hồng Hạ, sau khi về hưu, ông được mọi người tin tưởng bầu là người có uy tín.

Từ đó, già làng Cu Lai đã dành thời gian, công sức bảo tồn các điệu múa cổ của người Cơ Tu. Hơn 10 năm trước, thấy thế hệ những người nắm giữ bí quyết chơi nhạc hay, sở hữu những làn điệu đẹp... lần lượt về với Zàng (trời), người tâm huyết với sự nghiệp văn hóa như già làng Cu Lai rất nóng lòng.

Ông đã có ý kiến với lãnh đạo xã Hồng Hạ nên mở các lớp truyền dạy dân nhạc, dân ca, dân vũ tại địa phương. Đồng thời, ông chủ động kết nối với giáo viên Trường đại học Nông Lâm Huế xin hỗ trợ kinh phí mở lớp trao truyền dân nhạc cho lớp trẻ. Lớp học đầu tiên sử dụng một số nhạc cụ và làn điệu dân ca của dân tộc Cơ Tu do ông trực tiếp giảng dạy có 11 em tham gia.

“Hồi đó, tôi cùng một số người già trong xã mở lớp học về nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình trong vòng một tháng. Cứ đến thứ bảy và chủ nhật, chúng tôi cùng lên lớp để giảng giải những câu chuyện ý nghĩa chung quanh mỗi nhạc cụ, rồi đích thân trình diễn, chỉ bảo từng nốt nhạc cho các học viên. Nhờ thế, tại Hồng Hạ đã có một thế hệ biết chơi thành thạo những nhạc cụ truyền thống của các dân tộc, như các loại sáo, khèn bè, đàn abel, ta lư, tù và...”, già làng Cu Lai nhớ lại.

Từ thành công của lớp học này, ông Cu Lai cùng các già làng, nghệ nhân, người có uy tín phối hợp các ban, ngành ở địa phương tiếp tục mở nhiều lớp dạy dân ca, dân vũ, sử dụng nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ. Đến nay, già làng Cu Lai đã truyền dạy cho hơn 150 thanh niên xã Hồng Hạ và một số xã khác lân cận trong huyện A Lưới. Nhiều người trong số họ đã trở thành những thành viên nòng cốt của đội văn nghệ dân gian địa phương.

Một trong những thành viên đội văn nghệ do già làng Cu Lai truyền dạy, chị RaPat Thêm (ở xã Hồng Hạ) chia sẻ: “Hiện tại, mình vẫn tham gia thường xuyên lớp truyền dạy làn điệu dân ca của bác Nam. Sau này, mình sẽ tiếp nối truyền thống, dạy cho thế hệ sau một số làn điệu dân ca của đồng bào”.

Không đơn độc trên hành trình của mình, già Cu Lai còn đến các làng khác, gặp gỡ những người có uy tín, cùng nhau vận động họ chung tay xây dựng, thực hiện những mục tiêu bảo tồn văn hóa, củng cố khối đoàn kết đồng bào. Đi đến đâu, ông cũng được sự chào đón nhiệt tình của người dân.

“Bác Nam là tấm gương cho thế hệ trẻ học tập, noi theo. Trong quá trình hoạt động, tham gia công tác bảo tồn văn hóa, bác đã truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ cho thế hệ trẻ. Nhờ được truyền dạy bài bản, nhiều thanh niên, các em học sinh trong xã nay đã có thể tự tổ chức các chương trình văn nghệ truyền thống. Bác đã được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú năm 2019”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồng Hạ RaPat Tha cho biết.

Lan tỏa văn hóa đồng bào Pa Cô

Trong ngôi nhà của già làng Hồ Văn Hạnh, ở thôn A Niêng Lê Triêng 1, xã Trung Sơn, ấn tượng nhất là những bộ nhạc cụ được treo trên giá rất cẩn thận, được ông xem như gia tài lớn nhất của mình.

Khác với mọi ngày, căn nhà của già Hạnh hôm ấy thật đông thanh niên trai gái trong làng. Mọi người trong trang phục truyền thống, xếp thành đội hình theo sự hướng dẫn của già. Rồi các động tác điệu múa, lời hát truyền thống bắt đầu vang lên theo từng nhịp.

Già Hạnh tự hào cho biết: “Mình đã mở hai lớp truyền dạy (14 thành viên) cho con cháu và thế hệ trẻ các điệu múa hát truyền thống, với các làn điệu ca lơi, cha chấp, ba bói, dạy cách múa đánh cồng chiêng, thổi kèn, giữ gìn tiếng nói, chữ viết, trang phục và các nét hoa văn trang trí riêng có của đồng bào mình, nhằm phục vụ các lễ hội truyền thống như mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu...”.

Già Hạnh được biết đến là một nghệ nhân văn hóa dân gian, được Chủ tịch nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú năm 2019. Dù đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng nhiều năm qua, ông vẫn không mệt mỏi trao truyền những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào mình đến các thế hệ trẻ trong thôn bản, trong xã và những địa phương dọc dãy Trường Sơn.

Già Hạnh kể, từ khi còn làm cán bộ, ông miệt mài sưu tầm, nghiên cứu những giá trị văn hóa của đồng bào mình thông qua việc gặp gỡ, tìm hiểu ở những già làng của các thôn, bản. Đó là kho tư liệu quý và cùng với việc say mê các làn điệu, nhạc cụ của người Pa Cô, ông càng điêu luyện hơn khi biểu diễn.

Nhiều năm qua, ông đã xây dựng các đội văn nghệ ở các thôn trên địa bàn xã, rồi truyền dạy những kiến thức của mình cho cộng đồng để giữ gìn và lan tỏa sâu rộng hơn. “Quan trọng nhất, là tạo được sự hứng thú cho lớp trẻ khi tiếp xúc với văn hóa truyền thống của dân tộc, những hủ tục rườm rà, không hợp có thể lược giản để phù hợp hơn với tình hình hiện nay”, già Hạnh nói.

Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện A Lưới Lê Thị Thêm cho biết, từ năm 2016 đến 2018, già Hạnh là Trưởng nhóm nghệ nhân có uy tín trong cộng đồng và là Trưởng ban đoàn kết cộng đồng của Làng dân tộc Tà Ôi-Pa Cô tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam (ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Già Hạnh luôn chủ động, trách nhiệm với các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc địa phương, quan tâm tới đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người dân tại Làng Văn hóa. Già tham gia kết nối cộng đồng các dân tộc, thông qua các hoạt động tái hiện lễ hội văn hóa dân tộc gắn với không gian sống của đồng bào; tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... tại “Ngôi nhà chung”.

Sau hai năm quảng bá, giới thiệu văn hóa Pa Cô cho công chúng và du khách muôn nơi đến với Thủ đô, già Hạnh trở về quê hương A Lưới, tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu là người có uy tín trong cộng đồng.

Với kinh nghiệm được học tập từ bên ngoài, già đã vận động họ tích cực duy trì các câu lạc bộ, đội văn nghệ thôn hoạt động sôi nổi. Đặc biệt, già Hạnh đã vận động người dân giữ nghề đan lát, thổ cẩm truyền thống, làm đồ lưu niệm bán cho khách du lịch, giúp họ có thêm thu nhập.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng, huyện đang huy động cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hóa riêng có của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Huyện tích cực vận động đồng bào các dân tộc sử dụng trang phục truyền thống trong những ngày lễ hội; tiếp tục nghiên cứu, biên soạn và xuất bản chữ viết, tục ngữ, ca dao, các làn điệu dân ca, dân vũ, truyện cổ... của các dân tộc thiểu số.

Có chính sách phát huy vai trò các nghệ nhân, già làng, cộng đồng các thôn, bản trong công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tiến đến tổ chức các lễ hội của đồng bào theo định kỳ để trở thành các sản phẩm du lịch của địa phương.

Dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ, đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Pa Cô, Tà Ôi... của huyện A Lưới đã đoàn kết, gắn bó và cùng nhau phát huy bản sắc văn hóa của cha ông./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất