|
Ông Lò Văn Đính tuyên truyền bà con hăng hái góp sức kiên cố hóa tuyến đường bản
|
Tuyến đường liên thôn, nối liền thôn Lừu 2, xã Hát Lừu với thôn Tà Chử, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái có chiều dài 2km, chiều rộng 3,5m gần đây đã được bê tông hóa kiên cố, thuận lợi cho nhân dân đi lại, giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế xã hội.
“Già làng hiến đất thì mình cũng cố gắng hiến để làm đường”
Nhiều năm về trước, đây chỉ là con đường đất chật hẹp, có đoạn xe máy không tránh nhau được nên bà con đi lại rất khó khăn, nhất là vào những ngày mưa lũ. Người dân hai thôn này luôn mơ ước có một con đường lớn để ô tô, xe máy có thể qua lại dễ dàng.
Từ mong ước của người dân và chủ trương mở đường giao thông nông thôn của huyện, xã Hát Lừu đã đề nghị được mở rộng, nâng cấp tuyến đường này. Tiếp đó, Đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương và những người có uy tín trên địa bàn xã đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân cùng góp sức mở đường.
Thời gian ấy, ông Lò Văn Đính, người có uy tín ở thôn Lừu 2 đã không quản sớm hôm hay tối muộn, đến gặp gỡ từng gia đình để phân tích thiệt hơn khi mở con đường mới đi qua. Từ đây bà con trong thôn đã nhiệt tình hưởng ứng, người góp công, người góp tiền, người hiến đất để mở đường.
Ông Lò Văn Chiêng, người dân thôn Lừu 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu cho biết: “Ông Đính là già làng có uy tín ở trong thôn vận động mình hiến đất thì mình cũng cố gắng hiến để làm đường, mai sau mới phát triển được”.
Hơn 50 năm tuổi Đảng, từng trải qua nhiều cương vị lãnh đạo chủ chốt của xã nên ông Lò Văn Đính, dân tộc Thái ở thôn Lừu 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu thông tỏ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như của địa phương. Luôn ý thức được trách nhiệm của một người có uy tín, ông đã góp sức cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của xã, nhất là trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
“Trước tiên mình phải gương mẫu trước, vận động con cháu mình trước rồi mới vận động đến bà con nhân dân. Sau khi người ta biết như thế rồi thì người ta sẽ làm theo. Nhân dân thì rất hưởng ứng, "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, ông Lò Văn Đính chia sẻ.
|
Ông Súa phát triển kinh tế gia đình để bà con làm theo
|
Ở tuổi 84, ông Vàng A Súa, dân tộc Mông ở thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ là người có uy tín cao tuổi nhất của huyện Trạm Tấu và cũng giữ vai trò này suốt mấy chục năm qua. Như cây sa mu sừng sững trên núi, bằng kinh nghiệm, uy tín của mình, ông Súa đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế và vận động bà con đẩy lùi các phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới.
Vào mùa vụ, ông Súa vận động bà con gieo cây đúng khung lịch thời vụ; chăm sóc đàn vật nuôi. Lúc nông nhàn, ông Súa vận động bà con phát triển nghề thủ công tăng thu nhập. Nhà có người trẻ tuổi, ông vận động không được tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Khi chuẩn bị bước vào năm học mới ông tích cực vận động các gia đình cho con trong độ tuổi đến trường, không bắt trẻ ở nhà làm nương, làm rẫy. Nhờ đó mà đời sống người dân nơi đây ngày càng được cải thiện.
“Mình đã được bà con tín nhiệm bầu là người có uy tín thì mình phải làm cho thật xứng đáng để không phụ lòng bà con. Muốn vậy mình luôn gương mẫu thực hiện tốt mọi việc từ phát triển kinh tế gia đình đến tham gia các hoạt động xã hội . Mình phải làm tốt, làm có kết quả thì bà con mới làm theo”, ông Súa chia sẻ.
Nhận xét về ông Vàng A Súa cũng như những người có uy tín của địa phương, ông Giàng A Sáy, Chủ tịch UBND xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu nói rất giản dị như thế này: “Các cụ đều là những điển hình tiên tiến, làm gương cho mọi người. Hàng năm khi Đảng ủy, UBND xã có những kế hoạch về tuyên truyền vận động nhân dân sản xuất, thực hiện nếp sống văn hóa ở khu dân cư thì các cụ già làng, người có uy tín luôn gương mẫu đi đầu”.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7 đến 8% mỗi năm
Theo quyết định của Ủy ban nhân tỉnh Yên Bái, hiện nay, huyện Trạm Tấu có 55 người có uy tín. Thành phần người uy tín rất đa dạng, trong đó phần lớn là các già làng, trưởng thôn bản, cán bộ hưu trí, bí thư chi bộ, người sản xuất, kinh doanh giỏi.... Tỷ lệ người uy tín là đảng viên khá cao, đạt 35%, cán bộ hưu trí chiếm 18%.
|
Người có uy tín ở vùng cao Trạm Tấu thời gian qua đã đóng góp nhiều công sức trong sự phát triển của địa phương...
|
Những người có uy tín ở vùng cao Trạm Tấu luôn giữ vai trò đầu tàu, đảm bảo sự vận hành của cộng đồng thông qua các công việc như: duy trì khối đại đoàn kết, ổn định trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển sản xuất, giải quyết mối quan hệ với các cộng đồng khác và với các cơ quan trong hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước ở địa phương.
Bên cạnh đó, nhiều người có uy tín đã phát huy vai trò trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghề truyền thống tốt đẹp, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, vận động nhân dân đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, không nghe theo những luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu, không di cư tự do, không tái trồng cây thuốc phiện, không xuất cảnh trái phép...
“Trong thời gian qua, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn toàn huyện đã phát huy rất tốt vai trò trong cộng đồng dân cư, đã chủ động tuyên truyền vận động người dân tích cực lao động sản xuất, giảm nghèo bền vững cũng như làm giàu chính đáng. Đồng thời cũng chủ động nhân dân phòng chống các tệ nạn xã hội, xóa bỏ các tập tục lạc hậu còn đang tồn tại trong cộng đồng dân cư, chủ động thực hiện xây dựng nếp sống mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Phối hợp chặt chẽ với bộ mày hệ thông chính trị để xử lý và giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự, góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư”, ông Khang A Chua, Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái cho biết.
Những năm gần đây, huyện vùng cao Trạm Tấu đã có những chuyển biến lớn trong phát triển kinh tế, xã hội, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7 đến 8% mỗi năm. Kết quả này có sự đóng không nhỏ của những người có uy tín. Bằng uy tín và nỗ lực của mình, họ đã chung sức đồng lòng cùng các cơ quan trong hệ thống chính trị vận động nhân dân xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đồng thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đồng bào vùng cao gửi tới Đảng, Nhà nước để xây dựng các chính sách, giải pháp phát triển phù hợp với thực tế.
Đinh Tuấn
Nguồn: vov.vn