Những “hạt giống” nảy mầm từ quyết sách đặc biệt
Bữa ăn bán trú nóng hổi, đầy đủ dinh dưỡng giúp nhiều học sinh vùng khó Sơn La có cơ hội đến trường.

Bữa ăn bán trú nóng hổi, đầy đủ dinh dưỡng giúp nhiều học sinh vùng khó Sơn La có cơ hội đến trường.

"Hồi cấp 1 mình nhớ là mình không được hưởng chính sách gì. Đường đất đi học vất vả lắm, nhà cách trường 7 cây số, bố mẹ làm nông vất vả, nên sáng mình phải dậy sớm tự đi học. Hồi ấy còn không có trọ để ở, phải đi đi về về..." Hơn 10 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về những ngày tháng nhọc nhằn đi tìm con chữ của Và Thị Sông, sinh năm 2001, ở Co Mạ - xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Châu, Sơn La vẫn như in. Khát khao được đi học đã giúp Và Thị Sông vượt núi đến trường, khi cái đói, cái nghèo còn bủa vây cuộc sống của gia đình có 6 người con.

"Mình cảm ơn bố mẹ vì đã cho anh, chị, em mình đi học. Nhưng để đi học đầy đủ phải nhờ vào các chính sách hỗ trợ, được ăn ở bán trú ở trường, mới có cơ hội được học hành như này... Mình được hỗ trợ 1 ngày 3 bữa, sáng ăn bánh mì, uống sữa hoặc ăn xôi, còn trưa, tối bọn mình đi học về được các cô ở bếp nấu cho ăn", Và Thị Sông chia sẻ.

Chính sách đặc biệt giúp con đường đến trường của Và Thị Sông được nối dài là các Nghị quyết của HĐND tỉnh Sơn La về tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh. Trân quý, biết ơn từng bữa ăn nóng hổi, đầy đủ dinh dưỡng giúp cái bụng đủ ấm, đủ no trong suốt những năm tháng học cấp 2, cấp 3; không phụ sự tận tâm của thầy, cô giáo, Và Thị Sông đã quyết tâm “xuống núi”, trau dồi kiến thức tại giảng đường Đại học Tây Bắc và có được công việc đúng chuyên ngành kế toán tại Công ty TNHH Tư vấn giải pháp quản lý miền Bắc, thành phố Sơn La.

"Lúc đấy cái gọi là đi học đại học với bọn mình rất là xa xôi. Các bạn cùng tuổi mình cũng học xong rồi tính chuyện lấy chồng thôi. Nhưng ngày ấy mình nhớ lời các thầy cô động viên, rằng đi học, có công ăn việc làm mình mới đỡ vất vả. Mình cũng nhìn vào chính bố mẹ mình xong mình cảm thấy bố mẹ mình vất vả thực sự nên là mình mới cố gắng. Như bây giờ mình ra trường đi làm được 5 tháng, dù không giúp được gì lớn nhưng có thể tự trang trải cho bản thân, giúp đỡ bố mẹ hơn...", Và Thị Sông nói.

Cũng là “hạt giống” được ươm mầm từ Nghị quyết về nấu ăn bán trú của HĐND tỉnh Sơn La, Vừ Thị Hồng Nhung, sinh năm 2005 đã vượt lên những khó khăn trong học tập, trong cuộc sống ở vùng cao Co Mạ, huyện Thuận Châu, thành công bước chân vào cánh cổng Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Cô sinh viên năm nhất Vừ Thị Hồng Nhung luôn biết ơn và lấy đó làm động lực để phấn đấu, để trở về cống hiến cho quê hương. "Lý do lớn nhất khiến cho mình quyết tâm thi đỗ đại học, vào ngành Y là sau khi học xong mình mong muốn sẽ trở về quê hương của mình để làm việc và cống hiến, giúp đỡ bà con. Mình sẽ cố gắng học tập thật tốt để đạt được ước mơ ấy", Nhung chia sẻ.

Còn với em Lù Thị Pàng, học sinh lớp 12, Trường THPT Chu Văn Thịnh, huyện Mai Sơn, Sơn La, những bữa cơm bán trú từ khi học lớp 1 đến hết lớp 9 trên rẻo cao Phiêng Cằm là hành trang đặc biệt giúp em được đến lớp, không bỏ học giữa chừng, tiếp bước lên các bậc học cao hơn và mơ ước về cuộc sống bớt khó khăn, vất vả hơn.

Pàng tâm sự: "Em cảm thấy rất may mắn được Nhà nước hỗ trợ, giúp em được đi học, được ăn cơm ở bán trú, giúp cho em có ngày hôm nay. Em mong ước sau này học xong em đi học đại học, nếu không thi được thì em cũng sẽ đi học nghề...".

Ông Chá A Của, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La kể lại: Xuất phát từ thực tiễn những năm 2010 về trước, thấy rằng cần có một chính sách hỗ trợ cho các cháu, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó các hộ nghèo rất ít cho con cháu đi học. Vì điều kiện gia đình rất khó khăn, đi học mà con không có cái để ăn tại trường phải đi về trong ngày, mà nhất là ở nơi khoảng cách từ nhà đến trường xa... là gần như các cháu bỏ học rất nhiều. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đi thăm, kiểm tra, chỉ đạo HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ; HĐND tỉnh có rà soát lại các quy định của Quốc hội, của chính phủ, trên cơ sở đó ban hành nghị quyết.

Nghị quyết hỗ trợ đầu tiên được HĐND tỉnh Sơn La ban hành vào năm 2013, quy định chính sách hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn. Định mức hỗ trợ được quy định tuỳ theo số lượng học sinh từng trường, như: Trường có dưới 30 học sinh bán trú thì được hỗ trợ 2,3 triệu đồng/tháng; Trường có từ 30 đến dưới 60 học sinh bán trú thì được hỗ trợ 4,6 triệu đồng/tháng; Trường có từ 60 đến dưới 100 học sinh bán trú được hỗ trợ mức 6,9 triệu đồng/tháng...

Ngoài ra, các trường còn được hỗ trợ một lần kinh phí để mua sắm dụng cụ nhà bếp, đồ dùng phục vụ nấu ăn, đồ dùng tổ chức bữa ăn tập thể, với định mức trường có dưới 100 học sinh bán trú thì được hỗ trợ 30.000.000 đồng/trường; Trường có từ 100 học sinh bán trú trở lên được hỗ trợ 40.000.000 đồng/trường. Nguồn kinh phí thực hiện là do ngân sách địa phương đảm bảo.

Ngay trong năm học 2013 - 2014, đã có 131 trường tổ chức nấu ăn tập trung cho hơn 13.000 học sinh đủ điều kiện hưởng chế độ theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Sơn La.

Tỷ lệ học sinh ra lớp và chuyên cần của học sinh vùng khó được nâng lên.

Tỷ lệ học sinh ra lớp và chuyên cần của học sinh vùng khó được nâng lên.

Ông Bùi Việt Cường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường La, Sơn La khẳng định: Cùng với chính sách của TW, Nghị quyết của HĐND tỉnh đã thực sự lan toả và đi vào cuộc sống, được sự ủng hộ cao của nhân dân và hệ thống các trường học ở địa phương.

"Giai đoạn 2013 - 2014 các bậc học trên địa bàn huyện có khoảng trên 20.000 học sinh, đến năm học này có trên 27.000, tỷ lệ học sinh ra lớp so với trước khi nghị quyết ban hành rất là cao. Thứ hai là góp phần duy trì sĩ số hằng ngày, các cháu ăn bán trú không phải về hằng ngày nên việc tập trung học tập 2 buổi/ ngày tốt hơn, nắm được kiến thức sâu hơn; tăng cường thể chất, thể lực cho các cháu... Nhờ đó chất lượng giáo dục cũng nâng lên", ông Cường chia sẻ.

Các năm 2016, 2017 và 2020, HĐND tỉnh Sơn La tiếp tục ban hành các Nghị quyết mới trên quan điểm mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng mức hỗ trợ nấu ăn bán trú.

Hiện nay, các trường tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú được hỗ trợ 16 triệu đồng; Hỗ trợ cho viên chức, người lao động được giao nhiệm vụ quản lý học sinh bán trú từ 480 nghìn - 3 triệu đồng (theo số lượng học sinh).

Cùng với các chế độ mà học sinh vùng khó đang được hưởng theo các chính sách mà Đảng và Nhà nước ban hành, thì các chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh Sơn La đã, đang thực sự “chắp cánh” cho con em các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Sơn La trên hành trình đi tìm con chữ và tri thức để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ông Lò Văn Hắc, Chủ tịch UBND xã Chiềng San, huyện Mường La, Sơn La kỳ vọng: Hy vọng các em ở bản vùng cao tương lai sẽ trở thành người có ích cho xã hội, vừa phục vụ công tác ở chính quyền địa phương, ở xã, ở bản. Như hiện nay có trưởng ban công tác mặt trận bản tuyên truyền rất tốt nhưng lại không biết chữ. Rất mong lớp trẻ tương lai sẽ kế cận cho các ông các bác, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương...

Nghị quyết về nấu ăn bán trú của tỉnh Sơn La đã góp phần nâng bước học sinh đến trường, nâng cao chất lượng giáo dục địa phương.

Nghị quyết về nấu ăn bán trú của tỉnh Sơn La đã góp phần nâng bước học sinh đến trường, nâng cao chất lượng giáo dục địa phương.

Theo ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, qua theo dõi và thực hiện nhiệm vụ của Đại biểu Quốc hội, trong bối cảnh Sơn La còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đã có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ học sinh bán trú phát huy hiệu quả.

"Thông qua các chính sách đã xây dựng được nền tảng, nguồn nhân lực trong tương lai, không chỉ cho địa phương Sơn La, Tây Bắc, mà còn cho cả đất nước. Đặc biệt là việc ban hành chính sách giúp các em được đến trường tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về phát triển nguồn nhân lực là đồng bào dân tộc thiểu số trong tổng thể chính sách dân tộc; góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước", ông Sỹ đánh giá.

Có thể thấy, xuất phát từ cơ sở, phù hợp với thực tiễn, đúng - trúng - hợp lòng dân, sau 10 năm triển khai, các Nghị quyết của HĐND tỉnh Sơn La về tổ chức nấu ăn bán trú đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo bước ngoặt lớn trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn này.

Song, để tạo nên hiệu quả chính sách, khâu quan trọng không kém là đảm bảo quá trình tổ chức triển khai thực hiện, đúng chế độ, đúng đối tượng, đúng định mức hỗ trợ; tránh việc trục lợi chính sách. Cả hệ thống chính trị ở Sơn La đã vào cuộc, trong đó thường trực HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách; lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri đề khắc phục những tồn tại, hạn chế, có sự điều chỉnh phù hợp./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất