|
Lãnh đạo BĐBP Sóc Trăng gặp mặt, tặng quà người có uy tín ở khu vực biên giới tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: Văn Long)
|
Người có uy tín có ảnh hưởng quan trọng với cộng đồng...
Gần 30 năm trước, Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 23/9/1994 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số công tác ở vùng dân tộc Mông yêu cầu: “Ban Tổ chức Trung ương cùng với Ban Tổ chức và Cán bộ của Chính phủ xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ đối với cán bộ cơ sở, trưởng bản, già làng, trưởng dòng họ, cán bộ nghỉ hưu, lực lượng vũ trang... tham gia hoạt động trong vùng dân tộc Mông”.
Trong Chỉ thị 45-CT/TW chưa đề cập cụ thể khái niệm NCUT, nhưng nhóm người trưởng bản, già làng, trưởng dòng họ, cán bộ nghỉ hưu (nòng cốt của người tiêu biểu, có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số sau này) lần đầu tiên đã được nêu lên trong một văn bản quan trọng của Đảng với tư cách như một bộ phận chủ thể có vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển tình hình kinh tế - xã hội của vùng dân tộc Mông.
2 năm sau Chỉ thị 45-CT/TW được ban hành, trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (năm 1996) yêu cầu: “Động viên, phát huy vai trò của những người tiêu biểu, có uy tín trong đồng bào dân tộc và ở địa phương”.
Như vậy, từ năm 1996, cụm từ “người tiêu biểu, có uy tín trong đồng bào dân tộc và ở địa phương” đã được nêu đích danh trong văn kiện chính trị của Đảng, mở đường cho các văn kiện khác sau này chính thức sử dụng. Tiêu biểu là Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc (Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003) đã nêu rõ: “Có chính sách động viên, bồi dưỡng, hướng dẫn và phát huy vai trò của những NCUT trong đồng bào dân tộc trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các địa bàn dân cư vùng dân tộc và miền núi”. Mới đây nhất, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, NCUT tiêu biểu trong vùng dân tộc thiểu số”.
Trong tiến trình phát triển, tùy theo phong tục, tập quán mà mỗi dân tộc ở các vùng miền khác nhau đều có những NCUT tiêu biểu. Họ là già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, các vị chức sắc, tôn giáo, nhân sĩ trí thức người dân tộc thiểu số... được cộng đồng suy tôn. NCUT luôn có vị trí, vai trò quan trọng không chỉ đối với gia đình, dòng họ mà còn có khả năng ảnh hưởng mạnh mẽ tới cộng đồng trong nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như huy động sự tham gia của nhân dân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Ở góc độ hẹp, trong mỗi gia đình người dân tộc thiểu số, mọi sinh hoạt đời sống, quan hệ xã hội và lao động sản xuất luôn được điều hành, chi phối bởi NCUT nhất trong nhà.
Trong từng dòng họ dù lớn hay nhỏ đều có người đứng đầu là trưởng tộc hay trưởng họ để duy trì các hoạt động của dòng họ, nhất là trong các sinh hoạt tín ngưỡng nhớ về tổ tiên, cội nguồn, duy trì tôn ty, trật tự, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của các gia đình đối với dòng họ, làng bản, cộng đồng và đất nước.
Trong đời sống, NCUT giữ vai trò đầu tàu đảm bảo sự vận hành của cộng đồng thông qua các việc như: duy trì phong tục tập quán, ổn định trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển sản xuất, giải quyết mối quan hệ với các cộng đồng khác và với các cơ quan trong hệ thống chính trị, bộ máy Nhà nước ở địa phương.
Bản thân và gia đình NCUT phải nắm vững, gương mẫu thực hiện và tích cực tuyên truyền, giải thích, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương. Họ cũng cần phải chủ động nắm dư luận xã hội, tình hình đời sống, sản xuất, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc để phản ánh kịp thời với các cơ quan chức năng. Họ tham gia ngăn ngừa, hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương. Họ tích cực hưởng ứng, ủng hộ các cuộc vận động, phong trào thi đua tại địa phương để làm đòn bẩy kích thích phong trào phát triển...
Thực tế, với dân tộc Mông vùng Trung du và miền núi phía Bắc, trưởng dòng họ là người có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh. Các dân tộc Dao, Mường, Thái và một số dân tộc thiểu số khác ở các tỉnh miền núi phía Bắc thì những người thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng, cầu cúng cho gia đình, dòng họ hoặc bản, làng (thầy mo, thầy cúng...) được đồng bào rất coi trọng.
Còn đối với các buôn làng vùng rừng núi Trường Sơn - Tây Nguyên, già làng là trụ cột quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của cộng đồng. “Già làng nói - dân làng nghe, già làng hô - dân làng hưởng ứng, già làng làm - dân làng làm theo”. Già làng là cây sồi cổ thụ, là chỗ dựa tinh thần cho cả cộng đồng.
...Giữ mối quan hệ mật thiết với các cơ quan trong hệ thống chính trị
Tùy theo chức năng, nhiệm vụ, mỗi ngành sẽ phát huy NCUT theo những cách khác nhau, vì những mục đích khác nhau.
MTTQ thông qua NCUT để phát động, triển khai thực hiện các phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng đời sống mới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngành dân vận thông qua NCUT để nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chích sách, pháp luật của Nhà nước. Ngành dân tộc, tôn giáo thông qua NCUT để nắm bắt, triển khai thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo. Ngành văn hóa thông qua NCUT để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của cộng đồng 53 dân tộc thiểu số. Các ngành: Công an, Quân đội thông qua NCUT để nắm bắt tình hình cơ sở, phát động và triển khai các phong trào quần chúng tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Có thể nói, đội ngũ NCUT là lực lượng quần chúng đặc biệt, có vị trí, vai trò quan trọng giúp các cơ quan trong hệ thống chính trị tổ chức thắng lợi chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, qua “kênh” NCUT để nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân gửi tới Đảng, Nhà nước, góp phần thắt chặt, gắn kết ý Đảng với lòng dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Phương Liên
Nguồn: bienphong.com.vn