Nguồn vốn ưu đãi đến vùng cao Yên Bái
Cán bộ tín dụng kiểm tra nguồn vốn vay tại hộ chị Triệu Thị Tính, xã Tân Phượng, huyện Lục Yên (Yên Bái). (Ảnh: NDO)

Cán bộ tín dụng kiểm tra nguồn vốn vay tại hộ chị Triệu Thị Tính, xã Tân Phượng, huyện Lục Yên (Yên Bái). (Ảnh: NDO)

Nguồn vốn được giải ngân chủ yếu tập trung vào các chương trình: Giải ngân cho hơn 3.600 hộ nghèo, 1.644 hộ cận nghèo, 410 hộ mới thoát nghèo; Chương trình giải quyết việc làm giải ngân được 94 tỷ đồng với 1.619 lao động được vay, 1.310 hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn được vay với 64,5 tỷ đồng. Qua đó góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững ở tỉnh miền núi Yên Bái.

Theo chân cán bộ tín dụng Nông Ngọc Huấn, thuộc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lục Yên (Yên Bái) về xã vùng cao Tân Phượng, nơi có hơn 96% dân số là đồng bào Dao đỏ sinh sống. Nơi đây, được coi là “Một con gà gáy cả ba tỉnh đều nghe”, bởi xã giáp ranh Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai, do địa hình núi cao cách trở, dân trí không đồng đều, nên việc xóa nghèo còn lắm trắc trở, gian nan. Từ nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp, cho vay đúng đối tượng, nhiều hộ dân tộc thiểu số đã vươn lên làm giàu chính đáng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Phượng, Triệu Văn Lý cho hay, xã rộng hơn 45,5km2 chủ yếu là đồi rừng, đời sống kinh tế đồng bào Dao đỏ xã mình ngoài làm ruộng, còn lại nhìn vào hơn 400ha quế, 170ha bồ đề và đàn trâu hơn 600 con. Trước, chủ yếu sống tự cung tự cấp, khép kín, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nay, nhờ có giao thông mới mở thuận tiện cho giao thương, đồng bào mạnh dạn vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế hộ gia đình, đời sống đã khá hẳn.

Hiện, toàn xã có hơn 200 hộ vay gần 15 tỷ đồng để trồng quế, nuôi trâu sinh sản, xóa nhà tạm, đầu tư đường nước sinh hoạt và làm ao nuôi cá bỗng (một loại cá đặc sản bản địa, giá bán 400 nghìn đồng/kg), vay theo 16 chương trình ưu đãi của Chính phủ để ổn định cuộc sống, mục tiêu đến 2025 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Thăm hộ Triệu Thị Tính, thôn Khe Pháo, xã Tân Phượng, là nữ người Dao đỏ đi đầu vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, lãi suất 6,6%/năm, đầu tư sản xuất bầu giống quế, khi có tích lũy lại chuyển hướng sang mua bán vỏ quế thương phẩm, qua tích lũy nay có cuộc sống tốt hơn trước.

Chị Tính cho biết, trong kinh doanh thì chữ tín đặt lên hàng đầu, mua bán cũng như vay vốn, trả lãi ngân hàng phải đúng hạn, đúng phẩm cấp, với đồng bào vùng cao còn phải biết đổi hàng lấy hàng (đổi quế vỏ lấy nhu yếu phẩm khác). Có như vậy, mình vừa giúp người khó, vừa có chân hàng ổn định, vì đồng bào khi có việc lớn trong nhà như cưới hỏi, làm nhà mới, đám ma… thì gọi đến bán cho cả đồi quế, trị giá cả tỷ đồng, hai bên đều có lợi. Từ đồng vốn vay ban đầu, biết cách đầu tư và chi tiêu hợp lý, nay chị Tính đã mua được đất, dựng nhà mới, có cuộc sống ổn định, là gương sáng cho lớp trẻ vùng cao Tân Phượng noi theo.

Đến xã Vũ Linh, huyện Yên Bình nằm bên hồ Thác Bà (vừa được công nhận là khu du lịch quốc gia) nơi đông đồng bào Dao, Tày, Cao lan sinh sống, nhằm tìm hiểu thêm về hiệu quả đồng vốn tín dụng cho người nghèo. Được biết, cả xã có 16 tổ vay vốn, số tiền hơn 26 tỷ đồng, qua nhiều chu kỳ đầu tư, giúp hạ tỷ lệ hộ nghèo từ 26% năm 2016, nay còn 16,8% (còn 54 hộ nghèo theo tiêu chí cũ).

Với cách làm cụ thể, công khai chính sách tín dụng ưu đãi, ký hợp đồng ủy thác qua: Đoàn thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, quy định ngày trả lãi trùng các buổi sinh hoạt định kỳ hằng tháng. Nhờ giám sát chặt chẽ, cho vay đúng đối tượng, nên không có nợ lãi quá hạn, qua sinh hoạt các hội viên được tư vấn cách chăn nuôi sản xuất, tìm kiếm thị trường, quay vòng đồng vốn hiệu quả, giúp thoát nghèo bền vững.

Anh Lương Văn Huấn, thôn Làng Mấy, thông qua Hội Nông dân vay 50 triệu đồng, mua ba trâu nái sinh sản, nhờ tiêm phòng bệnh lở mồm long móng, trồng cỏ voi, làm chuồng đúng cách “Trên kín, dưới cứng, mát về mùa hè, ấm về mùa đông” nên đàn trâu sinh sản tốt, qua đó anh Huấn đã trả hết nợ ngân hàng, có điều kiện nuôi các con ăn học trưởng thành.

Anh Vũ Minh Đức, thôn Lành Mấy vay 50 triệu từ vốn giải quyết việc làm, đầu tư chuồng trại nuôi lợn thịt, nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật và phòng dịch tốt, nên qua mấy năm được giá, trả xong nợ ngân hàng, xây được nhà hai tầng khang trang.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Yên Bái, Nguyễn Thanh Hải đánh giá, đến hết tháng 6/2022 chi nhánh đã giải ngân cho 13.663 hộ nghèo và đối tượng chính sách với tổng số tiền 668 tỷ đồng.

Trong đó chủ yếu tập trung vào các chương trình: Giải ngân cho 3.623 hộ nghèo 256,2 tỷ đồng; hộ cận nghèo 119,7 tỷ đồng với 1.644 hộ vay. Hộ mới thoát nghèo 31,8 tỷ đồng với 410 hộ vay; Giải quyết việc làm 94 tỷ đồng với 1.619 lao động được vay, 1.310 hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn với 64,5 tỷ đồng…

Ngoài ra, Chi nhánh được giao nguồn vốn thực hiện các chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị quyết 11/NQ- CP là 146 tỷ đồng (Chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 40 tỷ đồng, chương trình cho vay học sinh sinh viên mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến 15 tỷ đồng, chương trình cho vay nhà ở xã hội 10 tỷ đồng, chương trình cho vay hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, niền núi 80 tỷ đồng…).

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi đến với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xóa nghèo, đưa tốc độ tăng tổng sản phẩm của Yên Bái 6 tháng đầu năm ước đạt 7,57%.

Thời gian qua, tại huyện Lục Yên, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Yên Bái thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy của 5 xã; yêu cầu 14 Đảng ủy xã xem xét trách nhiệm của tập thể, các cá nhân liên quan, do có dấu hiệu vi phạm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.

Do đó, trong Ban Đại diện Hội đồng quản trị cấp xã là Chủ tịch UBND xã bị kỷ luật, ảnh hưởng đến việc tăng trưởng nguồn vốn, nhất là chậm việc thẩm định, công nhận các hộ nghèo, hộ thoát nghèo. Vượt qua khó khăn đó, Phòng giao dịch huyện Lục Yên đến nay đã có hơn 2.300 lượt khách hàng được vay gần 614 tỷ đồng, trong đó có 546 hộ nghèo vay hơn 35 tỷ đồng; 355 hộ cận nghèo vay hơn 23 tỷ đồng, 53 hộ mới thoát nghèo vay 3,51 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Bình, Lã Tuấn Hưng cho biết: Để hiện thực hóa đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024, huyện Yên Bình ngoài việc phát huy nội lực, tập trung thế mạnh về công nghiệp chế biến khai khoáng, du lịch, nuôi trồng thủy sản, cây lâm nghiệp, việc nguồn vốn tín dụng tăng trưởng cao trong khu vực nông thôn miền núi có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy kinh tế.

Nhờ lãi suất ưu đãi, đồng bào vùng cao huyện Yên Bình đã áp dụng kiến thức khoa học, lựa chọn cây, con, giống phù hợp có thế mạnh ở địa phương để sản xuất, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất