(TTĐN) - Kiên trì tạo dựng lòng tin trước khi bắt đầu công việc cụ thể là cách mà Thiếu tá Xiêng Văn Bức (nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Đăk Long, BĐBP Kon Tum) lựa chọn khi giúp anh A Biên (dân tộc H’lăng, trú tại thôn Đăk Ôn, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) thay đổi phương thức lao động phát triển kinh tế gia đình. Sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động đã giúp gia đình anh A Biên từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
|
Thiếu tá Xiêng Văn Bức và anh A Biên kiểm tra câay cà phê của gia đình. (Ảnh: Trúc Hà)
|
Như anh em một nhà
Cuối năm 2021, Thiếu tá Xiêng Văn Bức nhận công tác tại Đồn Biên phòng Đăk Long. Đó cũng là dịp đơn vị rà soát các gia đình gặp khó khăn để thực hiện chủ trương của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum về việc cử cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số đỡ đầu gia đình khó khăn trên địa bàn. Một trong những địa chỉ cần giúp đỡ là gia đình anh A Biên vì đông con, tư liệu sản xuất ít, lối canh tác cũ nên không hiệu quả. Thiếu tá Xiêng Văn Bức được chỉ huy đơn vị tin tưởng giao nhiệm vụ phụ trách “việc của nhà anh A Biên”. Thực ra, Thiếu tá Bức luôn được biết đến là cán bộ chịu khó và không ngại vất vả. Mỗi công việc được giao, anh luôn nỗ lực, cố gắng để có kết quả tốt nhất. Bởi vậy, lần này nhận nhiệm vụ, dù địa bàn mới nhưng Thiếu tá Bức đã suy nghĩ rất nghiêm túc việc lên kế hoạch giúp anh A Biên.
Sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên, trong một gia đình từng thiếu ăn, thiếu mặc, loay hoay trong cái đói, cái nghèo, thế nên Thiếu tá Xiêng Văn Bức biết mình phải bắt đầu từ đâu. Anh không hề nóng vội mỗi lần xuống nhà anh A Biên. Những câu chuyện tâm tình đã gắn kết tình cảm và lòng tin với gia đình. Nhà Thiếu tá Xiêng Văn Bức ở xã Đăk Dục (huyện Ngọc Hồi), cách Đăk Long không xa lắm. Mặc dù anh là bộ đội, vợ là công chức xã, nhưng gia đình vẫn làm rẫy. Mỗi lần được nghỉ tranh thủ về nhà, Thiếu tá Xiêng Văn Bức đều cùng vợ lên rẫy làm cỏ, chăm cây. Những câu chuyện như vậy khiến anh A Biên nhận thấy có sự đồng cảm. Anh A Biên tin rằng, một người như bộ đội Bức sẽ có “lời nói đi đôi với việc làm”.
Thiếu tá Xiêng Văn Bức nhận thấy, anh A Biên có rẫy trồng cà phê nhưng không chú trọng đầu tư, chỉ để cho vợ con chăm sóc, còn mình đi làm thuê. Có thể, điều này khiến nhiều người khó hiểu, nhưng với anh A Biên thì “đi làm thuê ngày nào có tiền luôn ngày đấy, tôi muốn cầm tiền luôn trong tay”. Thiếu tá Xiêng Văn Bức thuyết phục anh A Biên hãy tập trung làm rẫy của mình. Cả hai xây dựng kế hoạch cụ thể về việc chăm sóc rẫy cà phê, chỉ điều chỉnh một chút để phù hợp với thực tế. Thiếu tá Xiêng Văn Bức cũng nói anh A Biên dành ra 2ha trồng mì (sắn) để “lấy ngắn nuôi dài”. Thế nhưng, không phải như nhiều gia đình khác, anh A Biên không bao giờ thu hoạch một lúc, vì: “Sắn để lâu năm thì củ to, lượng tinh bột nhiều hơn sẽ có giá thành cao hơn. Khi nào gia đình cần tiền, tôi sẽ nhổ sắn đủ với số tiền cần đến, số còn lại coi như của để dành” - Anh A Biên cho biết.
Giờ đây, anh A Biên dồn tất cả tâm huyết của mình vào rẫy cà phê 1.700 gốc. Những lúc rảnh rỗi, anh lại vào Youtube để xem hướng dẫn cách chăm sóc cà phê sao cho tốt quả mà không hại cây. Có lần, thấy anh A Biên mang về những “gói lạ” chôn vào gốc cây cà phê, mọi người bảo anh không bình thường. Đến khi thấy rẫy cà phê của anh A Biên không bị sâu hại, lá không bị vàng, cây không bị chết dần thì mọi người mới biết “bí mật” của thứ anh A Biên đã chôn là một loại thuốc mới chuyên để diệt trừ sâu ăn rễ. Anh A Biên rất tự hào khi một gốc cà phê của mình có năm cho tới 40kg quả, điều mà ở Đăk Ôn chắc chỉ có anh mới làm được.
Cùng tính chuyện tương lai
Điều kiện hoàn cảnh khó khăn, đường sá đi lại xa xôi, vất vả là một trong những lí do để trẻ em ở Đăk Ôn và các vùng lân cận thường nghỉ học sau khi tốt nghiệp cấp hai. Còn gia đình anh A Biên lại khác. Vợ chồng anh A Biên có tất cả 6 người con, thế nhưng, trừ người con đầu đã lấy chồng thì 5 người con còn lại đều được quan tâm, đầu tư việc học hành. Con trai thứ hai tên A Tiến, hiện là sinh viên năm thứ 3, Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Đà Nẵng. Con thứ 3 là A Gia Khơi, học lớp 12 ngoài trung tâm huyện.
Thiếu tá Xiêng Văn Bức luôn dành sự quan tâm đặc biệt với các con gái của vợ chồng anh A Biên. Với đồng bào H’lăng, việc tảo hôn vẫn còn xảy ra, thiệt thòi nhất vẫn là nữ giới, bởi vậy, Thiếu tá Xiêng Văn Bức muốn lấy việc học để các con gái anh A Biên không rơi vào trường hợp kết hôn sớm.
|
Thiếu tá Xiêng Văn Bức thường xuyên quan tâm đến việc học của Y Lệ Ương, động viên cháu học tập tốt. (Ảnh: Trúc Hà)
|
Nghe những điều Thiếu tá Xiêng Văn Bức nói, anh A Biên thấy thật hợp lí nên đối với 3 cô con gái, anh thường động viên và tạo điều kiện tốt nhất để các con học tập lên cao. Anh không tiếc tiền thuê nhà ngoài thị trấn để con gái thứ 4 Y Lệ Kha ở trọ. Con gái Y Lệ Uyên (lớp 7) và Y Lệ Ương (lớp 4) cũng luôn được vợ chồng anh A Biên khuyến khích việc học. Anh A Biên bảo rằng, gia đình đầu tư cho các con học hành để các cháu có kiến thức, nếu trở thành cán bộ thì tốt, không thì “có trình độ, làm việc gì cũng dễ dàng hơn”. Anh A Biên cũng rất vui vì các con đều học khá và quan trọng là tinh thần ham học, biết thương cha mẹ, không đua đòi tụ tập uống rượu, quậy phá...
Trong số những người con của vợ chồng anh A Biên có Y Lệ Ương được Đồn Biên phòng Đăk Long nhận đỡ đầu theo Chương trình "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng". Cũng bởi vậy mà trong suy nghĩ của cô bé này, hình ảnh những người lính Biên phòng càng trở nên đẹp đẽ. Điều đó được thể hiện qua việc năm nào Y Lệ Ương cũng được nhận giấy khen. Không chỉ chăm học, Y Lệ Ương còn biết giúp đỡ cha mẹ việc nhà. Ngày gia đình thu hoạch mùa, Y Lệ Ương lấy bao tải đựng mì, cà phê, rót nước đưa cho mọi người. Đối với cô gái nhỏ, những công việc ấy không chỉ khiến cha mẹ vui, mà còn giúp Y Lệ Ương có thể viết những bài văn hay hơn, bởi nó xuất phát từ thực tế cuộc sống của gia đình.
Ngày qua ngày, cứ như thế, Thiếu tá Xiêng Văn Bức xây dựng mối quan hệ gắn bó, tin tưởng với gia đình anh A Biên thông qua những việc làm cụ thể, thực tế. Việc làm này thêm khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum về việc phát huy vai trò của cán bộ người địa phương trong sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Trúc Hà
Nguồn: bienphong.com.vn