Người Lào Điện Biên giữ gìn nghề dệt thổ cẩm
Phụ nữ Lào ở Na Sang nhuộm chàm cho vải.

Phụ nữ Lào ở Na Sang nhuộm chàm cho vải.

Người Lào ở xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên sinh sống chủ yếu ở 2 bản Na Sang 1 và Na Sang 2. Bà con ở đây cho biết, nghề dệt thổ cẩm đã có từ rất lâu đời. Phần lớn sản phẩm thổ cẩm làm ra được họ sử dụng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, như làm váy áo, khăn, gối, đệm...

Bà Lường Thị Un, người dân bản Na Sang 1 cho biết, để có được tấm vải thổ cẩm hoàn hảo, đòi hỏi phải trải qua rất nhiều công đoạn từ trồng bông, sử dụng màu nhuộm chàm tự nhiên, cho đến các công đoạn dệt để tạo ra những tấm vải nhiều màu với những họa tiết, hoa văn hết sức đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Lào.

Dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ Lào, những tấm vảo thổ cẩm rực rỡ được làm ra.

Dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ Lào, những tấm vảo thổ cẩm rực rỡ được làm ra.

Theo truyền thống của dân tộc Lào, khi người con gái muốn đi lấy chồng thì phải biết dệt vải, bởi sau khi xây dựng gia đình, họ sẽ phải tự tay dệt trang phục cho chồng, cho con. Do đó, các cô gái Lào đã được các bà, các mẹ truyền dạy kiến thức nghề dệt thổ cẩm ngay từ khi còn nhỏ.

Một tấm vải thổ cẩm với những hoạ tiết, hoa văn rất đẹp.

Một tấm vải thổ cẩm với những hoạ tiết, hoa văn rất đẹp.

Chị Hoàng Yến Vy, người dân bản Na Sang 2, xã Núa Ngam cho biết, hầu hết những người thông thạo dệt thủ công truyền thống ở bản, ở xã nay đã lớn tuổi. Vì vậy, việc truyền nghề cho thế hệ sau đang được các bà, các mẹ chú trọng. Bản thân chị cũng luôn háo hức với việc học dệt để hiểu sâu thêm nét văn hoá của dân tộc mình, cũng như góp phần lưu truyền nghề truyền thống và hơn thế nữa đưa các sản phẩm dệt thổ cẩm của người Lào vươn xa hơn, trở thành một thương hiệu đặc sắc trên thị trường.

"Trang phục của dân tộc Lào rất đẹp, nhiều màu sắc. Thế hệ trẻ của bọn em cũng đang cố gắng để tiếp nối nghề dệt vải. Như em ở nhà cũng được mẹ dạy cho cách dệt ra sao để được cái chân váy đẹp. Sau này em cũng sẽ truyền lại để thế hệ trẻ chúng em luôn phát huy được cái nghề dệt vải của dân tộc Lào" - Chị Hoàng Yến Vy chia sẻ.

Truyền nghề dệt cho thế hệ trẻ hôm nay.

Truyền nghề dệt cho thế hệ trẻ hôm nay.

Theo ông Trần Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, nhằm bảo tồn và phát triển nghề dệt thủ công truyền thống của người dân tộc Lào ở địa phương, chính quyền xã đã thành lập Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Na Sang. Kể từ khi HTX đi vào hoạt động, giá trị sản phẩm dệt được nâng lên rõ rệt; nhiều cơ sở đã tìm đến tận nơi để đặt hàng. Đây là những tín hiệu đáng mừng, là động lực để cấp uỷ, chính quyền và người dân nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc bảo tồn, phát huy nghề dệt truyền thống của dân tộc Lào địa phương.

"Hiện nay UBND xã đã hoàn thiện hồ sơ trình huyện, cấp có thẩm quyền phê duyệt nghề truyền thống thành sản phẩm OCOP cho bản Na Sang, tiếp tục để khuyến khích vận động bà con phát huy truyền thống làng nghề lâu đời của bản" - Phó Chủ tịch UBND xã Núa Ngam, huyện Điện Biên thông tin.

Trải qua nhiều thế hệ, nghề dệt thủ công truyền thống vẫn đang được đồng bào dân tộc Lào ở Núa Ngam gìn giữ, phát huy với mong muốn đưa các sản phẩm thổ cẩm trở thành một trong sản phẩm du lịch đặc sắc, tạo ấn tượng khó quên với mỗi du khách khi có dịp đến với Điện Biên Phủ anh hùng./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất