Tỉnh Thừa Thiên Huế có 2 huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là Nam Đông, A Lưới. Các dân tộc chiếm số đông ở đây là Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều, Pa Hy… Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ còn 16,40%, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng thay đổi. Những thành quả này có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
|
Già làng Ra Pát Trình, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế
|
Năm 2004, về nghỉ hưu theo chế độ, ông Ra Pát A Ray được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thượng Long, huyện Nam Đông rồi Bí thư Chi bộ thôn A Xăng. Ở cương vị nào, ông cũng gương mẫu, đi đầu trong công tác. Già làng Ra Pát A Ray, người dân tộc Cơ Tu ở thôn A Xăng, xã Thượng Long, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những đảng viên, người có uy tín ở địa phương.
Già làng Aray kể rằng, sau ngày đất nước giải phóng, người dân quê ông thiếu thốn đủ bề bởi chỉ trông chờ vào một mùa lúa rẫy. Nay, cả thôn chỉ còn 3 hộ nghèo; ai cũng biết làm lúa nước, trồng cây ăn trái, vườn nào cũng xanh sạch. Già làng A Ray rất vui khi phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương có nhiều kết quả nổi bật.
“Vận động làm ruộng, làm vườn, xây dựng nông thôn mới; đoàn kết xóm làng, đoàn kết cộng đồng. Bởi xác định được có đoàn kết mới có sức mạnh. Từ chỗ vận động, nhiều người tận dụng khoa học kỹ thuật, phân bón, làm đúng thời vụ, cây giống năng suất cao.., tôi góp phần nhỏ bé của mình vào xây dựng đời sống văn hóa”.
|
Già làng A Ray, xã Thượng Long, huyện Nam Đông vận động dân làng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
|
Cũng như già làng Ra Pát A Ray ở huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều già làng, người có uy tín khác đều cùng chính quyền địa phương thường xuyên làm công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các chủ trương, chính sách. Nhiều người luôn đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, vận động bà con từ bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa, giúp người dân địa phương từng bước thoát nghèo, xây dựng quê hương no ấm. Từ đó, người dân đã chấp hành tốt hơn các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước như phong trào xây dựng nông thôn mới, cải tạo vườn tạp, xóa đói giảm nghèo.
Bà Hồ Thị Lụt, người dân xã Thượng Long, huyện Nam Đông bày tỏ: “Ông là một người già làng trong thôn thì bà con luôn luôn tin tưởng. Cái gì ông nói ra thì bà con dân làng đều tuân theo hết. Ông rất tâm huyết với người dân ở đây. Tôi thấy ông rất tích cực tham gia công việc của thôn từ khi về hưu, ông làm Bí thư Chi bộ thôn cho đến khi ông nghỉ, ông đều gắn với mọi công việc của thôn, xóm. Cái gì khó khăn ông đều làm hết”.
|
Đồng Cơ Tu ở thôn A Xâng, xã Thượng Long huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế cải tạo vườn tạp
|
Ở huyện Nam Đông, trước kia, trong nhiều lễ hội của người Cơ Tu thường có nghi thức đâm trâu. Gần 10 năm nay, nghi thức này đã được loại bỏ. Ban đầu việc tuyên truyền người dân, đồng bào từ bỏ nghi thức này gặp rất nhiều khó khăn, không ít người phản đối. Tuy nhiên, chính quyền huyện Nam Đông đã tổ chức nhiều hội nghị, thuyết phục bà con bỏ tục lệ này. Huyện đã tổ chức các cuộc gặp gỡ già làng, trưởng bản, những người có uy tín để tuyên truyền, vận động, giải thích về bỏ tục đâm trâu.
Thông qua những người này, dần dần đồng bào đã hiểu và thay đổi, không duy trì tục lệ đâm trâu. Ông Mai Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, người có uy tín được xem là những "cánh tay nối dài" đồng hành với chính quyền, giúp củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy tinh thần tự lực tự cường và ý chí vươn lên của đồng bào các dân tộc.
Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Đông tổ chức nhiều hội thảo phát động “Dòng họ, bản làng không có hộ nghèo”; “Dân biết, dân bàn, dân làm dân kiểm tra”. Trong đó, già làng, người có uy tín giữ vai trò nòng cốt.
|
Lễ hội dệt Zèng của đồng bào Tà Ôi
|
“Các chú, các bác, già làng, người có uy tín rất tích cực trong việc phối hợp với Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng Mặt trận dân cư làm công tác tuyên truyền trong nhân dân về chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước; bãi bỏ các phong tục tập quán lạc hậu như ma chay, thách cưới, lãng phí trong chi tiêu”.
Tại huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, già làng Ra Pát Trình ở xã Lâm Đớt luôn được chính quyền địa phương tin tưởng, đồng bào Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu… mến phục bởi sự gương mẫu, nhiệt tình trong các hoạt động, phong trào ở địa phương.
Năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng già Trình luôn tham gia đều đặn các lễ hội, chương trình văn hóa, văn nghệ do huyện, xã tổ chức. Ở thôn bản, ông luôn hết mình truyền dạy những nét văn hóa truyền thống cho lớp trẻ. Dưới sự truyền dạy của già làng Ra Pát Trình, các làn điệu dân ca, dân vũ, những điệu múa truyền thống của đồng bào Tà Ôi được các bạn trẻ biểu diễn thuần thục.
|
Già làng A Ray luôn tâm huyết gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số
|
“Người khác thì họ ước mong cuộc sống giàu sang, sung túc nhưng tôi thì chỉ mong muốn bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Vì vậy, tôi phải duy trì Câu lạc bộ văn nghệ dân gian để bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống. Chúng tôi sẽ truyền dạy lại cho con cháu của mình và thế hệ trẻ để nếu sau này chúng tôi mất đi thì lớp trẻ có thể kế thừa văn hóa của cha ông.”
Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có hơn 130 già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, đội ngũ này luôn phát huy vai trò nòng cốt trong cộng đồng người dân tộc thiểu số. Họ có cả kho tàng kiến thức, kinh nghiệm nên từ lâu đã trở thành chỗ dựa của bà con, là cầu nối đưa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.
|
Ông Lê Xuân Hải, Phó Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế
|
Những nỗ lực của đội ngũ già làng, người có uy tín ở các huyện miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số Cơ Tu, Pa Cô, Tà Ôi nơi đây. Nếu như trước đây, bà con chỉ biết lên nương, lên rẫy thì nay được tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; loại bỏ các hủ tục; con em đồng bào được đến trường; mạng lưới y tế phủ kín các thôn, bản.
Ông Lê Xuân Hải, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh đã có nhiều chính sách động viên, phát huy vai trò của người có uy tín. Mới đây, tỉnh vận động một nhà hảo tâm tặng mỗi người có uy tín một điện thoại thông minh giúp họ thuận lợi hơn trong việc cập nhật thông tin và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách.
“Người có uy tín thường xuyên cung cấp thông tin về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Họ được tổ chức thăm viếng khi ốm đau, hoạn nạn. Hàng năm, họ được đi tham quan, học hỏi các mô hình hay, cách làm sáng tạo của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn quốc. Định kỳ, những người có thành tích tiêu biểu được biểu dương, tuyên dương, tạo sức lan toản trong cộng đồng”, ông Hải nói./.
Thanh Hà
Nguồn: vov.vn