|
Cô Nguyễn Thị Hồng Nhung dạy học sinh trường Mầm non Trường Sơn (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). (Ảnh: TTXVN)
|
Trường Sơn là xã vùng cao biên giới, đời sống kinh tế - xã hội, trình độ dân trí của người dân còn nhiều khó khăn, hạn chế. Toàn xã có 19 thôn, bản, trong đó, đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều chiếm hơn 61% dân số. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất so với các xã trong toàn huyện. Công tác tại địa bàn vùng núi có đông đồng bào dân tộc sinh sống, cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Trường Sơn luôn quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, cùng ngành Giáo dục Quảng Bình đồng hành với người dân trên hành trình chinh phục tri thức và xây dựng quê hương.
Cô giáo Hoàng Thị Hậu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trường Sơn cho biết, trường có 13 điểm trường, điểm trung tâm ở thôn Long Sơn và 12 điểm lẻ nằm rải rác ở các thôn, bản. Năm học 2023 - 2024, trường có 50 cán bộ, giáo viên, dạy 22 nhóm lớp với 420 học sinh, trong đó có 275 em là người dân tộc Bru - Vân Kiều. Để tổ chức tốt hoạt động chăm sóc, dạy học cho trẻ, cán bộ, giáo viên nhà trường đã dành trọn tình yêu thương, nỗ lực, vượt lên hoàn cảnh, tận tâm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Đặc biệt, tấm gương của cô Nguyễn Thị Hồng Nhung là nhà giáo giỏi, rất tâm huyết và như “người mẹ” hiền thứ 2 của những đứa trẻ vùng cao Trường Sơn.
Lãnh đạo nhà trường không giấu được niềm vui và phấn khởi khi cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nhung là đại diện duy nhất của ngành Giáo dục Quảng Bình tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức. Đây là niềm vinh dự, tự hào đối với cô giáo Nhung và cả tập thể sư phạm Trường Mầm non Trường Sơn.
Ấn tượng đầu tiên về cô giáo Hồng Nhung là sự khiêm tốn, hồn hậu và rất nhẹ nhàng, đúng “chất” cô giáo mầm non. Chia sẻ lý do trở thành cô giáo mầm non, Hồng Nhung cho biết: “Xã Trường Sơn là nơi gắn liền với con đường Trường Sơn huyền thoại cũng là nơi tôi được sinh ra, lớn lên. Mảnh đất này còn nghèo khó nhưng tình yêu quê hương, bản làng và những đứa trẻ luôn rất đặc biệt trong tôi. Tôi mong bà con quê mình sớm thoát nghèo, trẻ con ai cũng được học chữ và sau này góp sức xây dựng quê hương. Điều này cứ thôi thúc, tiếp sức mạnh và niềm tin để tôi tự nguyện gắn bó, đi theo con đường dạy học”.
Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Bình, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Hồng Nhung về nhận công tác tại điểm trường bản Chân Trộng, Trường Mầm non Trường Sơn. Cô giáo Nhung nhớ lại: Từ nhà vào bản khoảng 10 km nhưng sỏi đá gập ghềnh, dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng những khó khăn lúc ấy vượt sức tưởng tượng của mình. Ngày đầu nhận lớp, phòng học chỉ là căn nhà nhỏ tạm bợ, mái và tường được che chắn bằng lá cọ đơn sơ. Cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học thiếu thốn, lớp phải học ghép 3 độ tuổi mầm non, với 21 cháu… Đặc biệt, trở ngại nhất khi đó là bất đồng ngôn ngữ giữa cô và trò. Học sinh nói tiếng Bru - Vân Kiều (ngữ hệ Môn - Khmer) cô giáo nói tiếng Kinh. Khó khăn đủ bề nên nhiều khi cũng nản lòng, muốn từ bỏ nghề.
Nhưng tình yêu quê hương và lòng thương mến trẻ quá lớn, cùng với sự động viên, tiếp sức của gia đình, đồng nghiệp đã giúp Hồng Nhung nỗ lực, vượt qua, rèn luyện để bản thân trưởng thành qua từng ngày. “Cuộc sống còn nghèo khó, trẻ em vùng núi thiệt thòi hơn các bạn miền xuôi. Càng nghĩ tôi càng thương các em hơn. Nhìn tấm gương các thầy cô ở mọi miền Tổ quốc không ngại khó ngại khổ, băng rừng, lội suối mang cái chữ đến bản làng, tôi lại nhắc nhở mình không được lùi bước, phải cố gắng bám trụ, đồng hành cùng các em”, cô Nguyễn Thị Hồng Nhung chia sẻ.
|
Sau những giờ lên lớp, cô Nguyễn Thị Hồng Nhung tranh thủ vào các bản, đến từng nhà dân tuyên truyền để bà con hiểu tầm quan trọng của việc học và cho con đến lớp. (Ảnh: TTXVN)
|
Để các em đến lớp đầy đủ, sau những giờ lên lớp, cô Nhung cùng đồng nghiệp lại tranh thủ vào các bản, đến từng nhà người dân để vận động phụ huynh cho con đến trường. Cô Hồng Nhung cho biết, thời điểm đó, đồng bào chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học, công tác vận động gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, có sự hỗ trợ của Bộ đội Biên phòng, các già làng, trưởng bản, các cô giáo vẫn kiên trì, bền bỉ với công tác “dân vận” của mình để mong các em được đến trường học tập. Mưa dầm thấm lâu, lớp học của cô Nhung và các cô giáo tại điểm trường Chân Trộng ngày càng có thêm những gương mặt mới. Các em được ba mẹ đưa đến lớp để xin theo học. Niềm vui rạng ngời trên gương mặt những đứa trẻ và cả các cô giáo cắm bản.
Cô Nguyễn Thị Hồng Nhung bộc bạch: “Để xóa bỏ rào cản ngôn ngữ giữa cô và trò, tôi tích cực học thêm tiếng Bru - Vân Kiều từ những người dân địa phương. Bà con tuy nghèo nhưng rất tình cảm, thương các cô phải xa nhà cắm bản nên rất nhiệt tình giúp đỡ. Mỗi lần mưa lũ, ngập lụt chia cắt, thương các cô không về nhà được, rồi lo các cô lương thực không đủ dùng, bà con lại lui tới hỏi han, chia sẻ từng củ khoai, củ sắn, mớ rau… Chúng tôi thấy ấm lòng và hạnh phúc lắm”.
Vốn từ Bru - Vân Kiều dần được cải thiện, cô giáo Nhung càng tích cực tương tác, dạy nói, dạy hát tiếng Việt cho các em. Cô trò ngày càng gần gũi, thân thiết, việc chăm sóc, dạy dỗ các em thuận lợi hơn. Cô Hồng Nhung kể, thấy đồ dùng dạy học ít ỏi, “nghèo nàn”, cô đã tìm tòi những viên đá cuội, vỏ sò, lá cây khô, bìa giấy, chai nhựa… sáng tạo, cắt dán thành các vật dụng và trang trí màu sắc bắt mắt, sinh động làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ dạy học. Bên cạnh đó, cô còn nghiên cứu thêm tài liệu, ứng dụng công nghệ thông tin, thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học để tạo hứng thú cho trẻ mỗi giờ lên lớp. Mùa đông đến, sợ các em mặc không đủ ấm, cô Nhung kêu gọi và quyên góp áo quần cũ, chăn ấm từ bạn bè, người thân để đem lên cho các em và bà con ở bản.
Nhìn những đứa trẻ đang say sưa học bài trong lớp học, ánh mắt của cô giáo Nhung lấp lánh tràn đầy yêu thương. Cô Nhung xúc động cho biết: “Mới đó, mình đã có 17 năm song hành với nghề giáo và quê hương Trường Sơn. Từ bản Chân Trộng đến bản Sắt cheo leo núi đồi, bản Rìn Rìn, Ploang không điện và không có sóng điện thoại… đều là những nơi tôi đã và đang gắn bó công tác, cùng đồng nghiệp trải qua những ngày tháng gian khổ nhưng đầy nghĩa tình. Quãng thời gian đó, dù khó khăn, vất vả nhưng mãi là ký ức đẹp và tự hào trong sự nghiệp “trồng người” của chúng tôi”.
|
Cô Nguyễn Thị Hồng Nhung được huyện Quảng Ninh và ngành Giáo dục Quảng Bình tặng Giấy khen. (Ảnh: TTXVN)
|
Hiệu trưởng trường Mầm non Trường Sơn cô Hoàng Thị Hậu cho biết: Cô Nguyễn Thị Hồng Nhung rất tâm huyết, trách nhiệm và say mê với nghề, không nề hà vất vả. Đặc biệt, cô luôn xung phong đảm nhận nhiệm vụ công tác tại các bản xa và khó khăn nhất của xã. Cô Nhung gần gũi, chia sẻ, giúp đỡ đồng nghiệp cùng tiến bộ. Với nghị lực và những cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, từ năm 2014 đến 2023, cô Nhung đã được Ủy ban nhân dân huyện Quảng Ninh và ngành Giáo dục - Đào tạo Quảng Bình tặng nhiều Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục; nhiều năm liền cô luôn đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở…
Theo bà Trần Thị Thùy Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, so với các cấp học khác, bậc học Mầm non có nhiều đặc thù, chủ yếu là giáo viên nữ dạy và độ tuổi của học sinh còn nhỏ. Do đó, giáo viên mầm non thường vất vả hơn, đặc biệt là các giáo viên dạy học ở địa bàn miền núi, biên giới. Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp đã quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho công tác giáo dục ở địa bàn vùng núi, trong đó có xã Trường Sơn. Nhờ đó, chất lượng giáo dục đã có sự chuyển biến tích cực, từng bước rút ngắn khoảng cách về chất lượng vùng, miền.
Là người con của quê hương Trường Sơn, cô Nguyễn Thị Hồng Nhung dường như thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, vất vả và thiệt thòi của con em nơi đây. Cô Nhung luôn cố gắng học tập, rèn luyện, phấn đấu, trở thành một giáo viên tài năng với nhiều thành tích nổi bật. Cô là tấm gương nhà giáo tiêu biểu, truyền cảm hứng cho thế hệ giáo viên trẻ; đồng thời góp phần cùng địa phương nâng cao đời sống, trình độ dân trí, từng bước xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương Trường Sơn ngày càng phát triển.
Võ Dung
Nguồn: baotintuc.vn