(TTĐN)
- Tối 17/4, tại huyện Châu Thành (An Giang) đã diễn ra Lễ khai mạc Ngày
hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Chăm tỉnh An Giang,
lần thứ X năm 2024.
|
Tiết mục dự thi của Đội văn nghệ quần chúng đến từ xóm Chăm thuộc xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. (Ảnh: TTXVN)
|
Tham gia ngày hội có các nghệ nhân, diễn viên, nghệ sĩ, vận động viên, nhạc công và quần chúng nhân dân là người dân tộc Chăm trên địa bàn tỉnh. Ngày hội kéo dài đến 19/4 với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn như: Liên hoan Nghệ thuật quần chúng, thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn trang phục truyền thống, giới thiệu văn hóa ẩm thực, triển lãm ảnh những thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào dân tộc Chăm An Giang trong thời kỳ đổi mới và hội nhập…
Đặc biệt, đối với Liên hoan Nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống, mỗi đội nghệ thuật quần chúng dân tộc Chăm xây dựng một chương trình ca múa nhạc dân tộc, gồm những tiết mục nghệ thuật truyền thống và biểu diễn trang phục truyền thống (trang phục cưới, lễ hội, trang phục sinh hoạt hàng ngày, trong lao động, sản xuất) của đồng bào dân tộc Chăm tỉnh An Giang.
Khuôn khổ Ngày hội còn có các hoạt động quảng bá du lịch như: Liên hoan văn hóa ẩm thực truyền thống nhằm giới thiệu nét đặc sắc của ẩm thực dân tộc Chăm An Giang. Theo đó, mỗi xóm Chăm tham gia giao lưu ẩm thực truyền thống phải chuẩn bị 4 mâm ẩm thực/xóm, mỗi mâm 4 người ăn, gồm thức ăn mặn - ngọt của đồng bào dân tộc Chăm An Giang
Cũng trong thời gian diễn ra Ngày hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang tổ chức triển lãm ảnh và trưng bày hiện vật với chủ đề “Di sản văn hóa dân tộc Chăm tỉnh An Giang”; các hoạt động thể dục, thể thao gồm 5 môn: Bóng đá 5 người (nam), bóng chuyền (nam), việt dã (nam, nữ), đẩy gậy (nam, nữ), kéo co (nam, nữ)…
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang Nguyễn Khánh Hiệp cho biết: Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm tỉnh An Giang được tổ chức định kỳ 2 năm/lần, là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên chuyên và không chuyên người dân tộc Chăm trên địa bàn tỉnh gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, góp phần bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống.
Các hoạt động trong Ngày hội thể hiện tính sáng tạo, phong phú, độc đáo của nghệ nhân, diễn viên, vận động viên; là cơ hội quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Chăm An Giang nói riêng, tỉnh An Giang nói chung đến với du khách trong và ngoài tỉnh. Ngày hội còn nhằm phát hiện những tài năng trong đồng bào Chăm nhằm bồi dưỡng, đào tạo, góp phần làm đa dạng, phong phú lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch của tỉnh.
Cộng đồng dân tộc Chăm tỉnh An Giang hiện có hơn 17.000 người, tất cả đều theo đạo Hồi Islam, sinh hoạt ở 12 thánh đường và 16 tiểu thánh đường tại 9 xóm Chăm thuộc thị xã Tân Châu, các huyện An Phú, Châu Phú, Châu Thành và thành phố Long Xuyên. Dù trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, cộng đồng người ở Chăm An Giang vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống lâu đời, độc đáo trong đời sống hàng ngày./.
Công Mạo
Nguồn: baotintuc.vn