Ngày hạnh phúc của người Khơ Mú ở bản Huồi Thum
Lãnh đạo Báo Nhân Dân, Công ty cổ phần Đầu tư Lê Bảo Minh, Công ty TNHH Canon Marketing Việt Nam khánh thành cầu bản Huồi Thum. (Ảnh: nhandan.vn)

Lãnh đạo Báo Nhân Dân, Công ty cổ phần Đầu tư Lê Bảo Minh, Công ty TNHH Canon Marketing Việt Nam khánh thành cầu bản Huồi Thum. (Ảnh: nhandan.vn)

Để lên được Bản Huồi Thum, chúng tôi phải di chuyển từ thành phố Vinh (Nghệ An) ngót 300km mới đến xã biên giới Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn). Từ trên dãy núi Puxailaileng, phải zoom hết ống ngắm mới thấy thấp thoáng khoảng 42 nóc nhà đơn sơ của bà con Khơ Mú đang sinh sống trong bản.

Già bản Xeo Khăm Hương nói phập phõm tiếng Kinh: “Trước đây, người dân trong bản chỉ đốt nương làm lúa rẫy, đặt bẫy bắt con sóc, con heo, con khỉ về ăn thôi. Bảy năm trước, “cái” Biên phòng (Bộ đội Biên phòng) dạy dân bản trồng lúa nước, khi dân no cái bụng, thì mới hết đốt nương. Nhưng mà bản ở xa quá, con nít còn thiếu cái chữ nhiều lắm!”

Chính vì Huồi Thum là điểm trường xa nhất của xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, lại là bản có 100% đồng bào dân tộc Khơ Mú, nằm trong một thung lũng biệt lập so với bên ngoài, được bao quanh bởi dãy Trường Sơn… nên hành trình đến với con chữ của trẻ em nơi đây thật là gian khó. Trước đây, để vào Huồi Thum, chỉ có một cách duy nhất là phải bơi qua con suối Ca Nan với dòng nước chảy xiết. Và vào mùa mưa, bản Huồi Thum dường như biệt lập với bên ngoài bởi nước suối Ca Nan dâng cao. Vì vậy, nơi mảnh đất xa ngái cùng trời cuối đất này, những “người gieo chữ”gần như sống cô quạnh, thiếu thốn đến độ cả tháng không biết mặt chợ, không thấy ánh đèn điện và không biết khái niệm “trạm xá, đường nhựa”.

Lãnh đạo Báo Nhân Dân, Công ty cổ phần Đầu tư Lê Bảo Minh, Công ty TNHH Canon Marketing Việt Nam trao tặng 5 máy in cho các trường học của xã Na Ngoi. (Ảnh: nhandan.vn)

Lãnh đạo Báo Nhân Dân, Công ty cổ phần Đầu tư Lê Bảo Minh, Công ty TNHH Canon Marketing Việt Nam trao tặng 5 máy in cho các trường học của xã Na Ngoi. (Ảnh: nhandan.vn)

Hai năm trước, nhằm giúp đồng bào, thầy cô giáo và học sinh đi lại, sinh hoạt, học tập, Đồn Biên phòng Na Ngoi, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã cử lực lượng xuống địa bàn giúp đỡ nhân dân bản Huồi Thum làm cầu tạm qua suối, giúp 40 hộ dân với 209 nhân khẩu kết nối với bên ngoài. Hình ảnh người chiến sĩ quân hàm xanh cùng đồng bào hì hụi khai thác, vận chuyển đất đá làm đường dẫn để bắc cầu tạm qua suối đã in sâu trong trí nhớ của người Khơ Mú ở Huồi Thum, đó là những chuỗi ngày thật trân quý. Thế nhưng, qua mấy mùa mưa, người Khơ Mú ở Huồi Thum đã mất đi chiếc cầu cũ do lũ cuốn. Với những thầy cô giáo ở bản, gian nan, vất vả hơn bao giờ hết là công việc “cõng chữ” lên Huồi Thum. Tuy nhiên, do địa lý bị chia cắt, con đường từ Uỷ ban nhân dân xã vào bản Huồi Thum nếu đi xe máy cũng mất hơn 60 phút nếu thời tiết tốt, còn như mùa lũ ở Trường Sơn này, thời gian có thể tính bằng tuần. Cũng rất gian nan để vào bản khi di chuyển trên con đường một bên là vách núi cheo leo, một bên là vực thẳm hun hút với các khe suối rất nguy hiểm. Và trở ngại lớn nhất vẫn là suối Ca Nan.

Ghé thăm điểm trường tiểu học và mầm non bản Huồi Thum, ống kính chúng tôi ghi nhận có khoảng 60 em học sinh, với 7 thầy cô (trong đó có 5 giáo viên tiểu học, 2 giáo viên mầm non). Các thầy cô giáo đều là người miền xuôi xung phong lên Huồi Thum công tác, giảng dạy. Ban đầu, đến với nghiệp “cõng chữ”, họ phải tá túc trong những mái nhà lụp xụp, dột nát. Bà con ở đây thì nghèo, chỉ có hai bàn tay trắng và tấm lòng, nên không thể giúp gì ngoài bỏ công làm phòng gỗ tạm bợ cho thầy cô. Ngay cả trong việc giảng dạy, các thầy cô cũng gặp nhiều khó khăn vì các em học sinh không hiểu nhiều tiếng Kinh nên phải qua nhiều tháng, thầy trò mới diễn đạt qua lại được.

Kể về những tháng ngày đã qua, thầy giáo Phan Văn Giang, rơm rớm nước mắt chia sẻ, mùa nắng thì ít vất vả, chứ vào mùa mưa lũ, phải hàng tuần giáo viên mới cử được người ra chợ xã để mua thực phẩm. Vật chất đã thiếu, tinh thần cũng không có khi nơi đây không điện, không điện thoại, không internet. Có lần tôi về xuôi thăm con, nó còn không chịu ngủ cùng vì quen hơi ấm ông bà hơn. Có lúc nhớ bố mẹ, phải lội suối ra ngoài 20km mới có sóng. Cũng may là các giáo viên đều trẻ, yêu nghề nên quyết tâm bám trụ dạy chữ cho các em”.

Còn theo ký ức của cô giáo Lầu Thị Rao, những ngày vừa tốt nghiệp và xung phong lên đây, cô phải lội qua suối với duy nhất là chiếc “cầu người” do 6 người dân nối tay nhau. Khi về đêm nhìn toàn sương giăng, nghe thú rừng kêu, cô chỉ muốn khóc và về xuôi ngay. Nhưng rồi sau đó, các em học sinh Khơ Mú thương mến thầy cô như cha mẹ, nên họ không nỡ rời xa Huồi Thum nữa.

Cũng xung phong vào Huồi Thum, cô Vi Thị Vương mỗi tháng mới được về thăm con một lần. Đồng lương giáo viên eo hẹp cùng với đường sá xa xôi, mỗi năm hai vợ chồng cô mới gặp nhau được vào dịp Tết, khi chồng đi làm xa trở về quê. Cô bật khóc: “Không có cầu, bất tiện nhiều lắm. Nhiều khi đến “ngày phụ nữ”, cũng không thể ra chợ mua vật dụng. Nhiều khi đau ốm, chỉ nhờ lá cây, thuốc rừng của bà con nấu cho uống cầm cự. Nhưng giờ trót yêu thương các cháu ở Huồi Thum mất rồi, không thể để các cháu khát chữ”.

Ngày hạnh phúc của thiếu nữ Khơ Mú ở bản Huồi Thum bên chiếc cầu mới. (Ảnh: nhandan.vn)

Ngày hạnh phúc của thiếu nữ Khơ Mú ở bản Huồi Thum bên chiếc cầu mới. (Ảnh: nhandan.vn)

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn Nguyễn Viết Hùng cho biết: “Huồi Thum là điểm trường xa nhất của xã Na Ngoi, cách điểm trường chính 18km, đây là điểm bản 100% dân tộc Khơ Mú, nằm chung quanh khe suối, mưa to thì cả bản bị cô lập. Việc Báo Nhân Dân, Công ty cổ phần Đầu tư Lê Bảo Minh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Canon Marketing Việt Nam xây dựng cho bản Huồi Thum một chiếc cầu vững chắc, là niềm hạnh phúc lớn lao đối với người Khơ Mú nơi đây, đã thỏa nguyện ước của học sinh, giáo viên Huồi Thum. Các nhà tài trợ còn lưu tâm đến chi tiết nhỏ như tặng máy in cho trường, giúp giáo viên in ấn kịp thời khi cần, không phải đi xa vài mươi cây số. Đây rõ là ngày hạnh phúc ở bản Huồi Thum, bản người Khơ Mú dưới chân núi Puxailaileng”./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất