(TTĐN)
- Ngày 4/4, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg phê
duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên
truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng
đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024 - 2030”.
|
Nâng cao năng lực đội ngũ báo cáo viên pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. (Ảnh: baochinhphu.vn)
|
Đối tượng thực hiện Đề án gồm: Đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các cá nhân được huy động, được mời tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đề án được triển khai thực hiện từ năm 2024 đến hết năm 2030 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đơn vị cấp xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của pháp luật.
Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm xây dựng và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm đưa công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại các địa bàn này đi vào nền nếp, thực chất, hiệu quả, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật và năng lực sử dụng pháp luật để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; góp phần củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Đề án phấn đấu trong giai đoạn 1 (năm 2024 và năm 2025), số lượng báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với ngôn ngữ tại địa phương tăng thêm ít nhất 20% so với số lượng năm 2023; bổ sung mới ít nhất 10% đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật là cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số so với năm 2023; mỗi thôn, bản, ấp, buôn, phum, sóc... có ít nhất 01 tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số hoặc biết tiếng dân tộc thiểu số; trong đó ưu tiên lựa chọn, bồi dưỡng già làng, trưởng thôn, bản, ấp, buôn, phum, sóc, các chức sắc, chức việc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân cư.
Đồng thời, Đề án phấn đấu bảo đảm 100% báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; bảo đảm ít nhất 70% báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại địa bàn này được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với đối tượng, lĩnh vực, địa bàn; thực hiện các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại 10 địa phương có nhiều xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đại diện các vùng, miền trên cả nước.
Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Đề án là: Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; rà soát, nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng và phát triển đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bảo đảm về số lượng và hoạt động hiệu quả.
Cùng với đó là tăng cường năng lực của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật bảo đảm hoạt động thực chất, có kỹ năng, nghiệp vụ tốt, am hiểu pháp luật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ hoạt động của báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường huy động các nguồn lực tham gia công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để hỗ trợ hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật.../.
Nguồn: baotintuc.vn