|
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Sìn Hồ phối hợp với nhân dân địa phương phát dọn thực bì để bảo vệ rừng. (Ảnh: Thu Thảo)
|
Xã Làng Mô, huyện Sìn Hồ có trên 5.500ha đất rừng, trong đó, rừng phòng hộ trên 4.200ha, rừng sản xuất trên 1.200ha với độ che phủ rừng đạt trên 51%. Năm qua, diện tích rừng đủ điều kiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng của xã là trên 5.000ha, với số tiền chi trả trên 4,8 tỷ đồng cho 763 hộ. Trong đó, xã Làng Mô chi trả 1,6 tỷ đồng, Ban Quản lý rừng phòng hộ chi trả trên 3,2 tỷ đồng. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, diện tích rừng của xã Làng Mô được bảo vệ, không xảy ra cháy rừng và từ nguồn chi trả dịch vụ từ rừng cũng giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống tốt hơn.
Ông Sùng A Sếnh, Phó Chủ tịch UBND xã Làng Mô cho biết: "Qua công tác tuyên truyền của các tổ chức trên địa bàn, ý thức của bà con được nâng cao. Khi bà con được nhận tiền từ chính sách chi trả môi trường dịch vụ rừng, bà con rất phấn khởi. Trung bình mỗi hộ nhận được 4,8 triệu đồng tiền dịch vụ chi trả môi trường rừng, có hộ nhận được trên dưới 20 triệu đồng, tùy theo diện tích rừng của từng hộ. Từ nguồn kinh phí này, bà con mua sắm được nhiều vật dụng phục vụ sinh hoạt và nông cụ để phục vụ sản xuất. Đây cũng là động lực để bà con có ý thức hơn trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng. Do đó, những năm qua, diện tích rừng của xã đang tăng dần lên, độ che phủ rừng ở Làng Mô hiện nay là 51,8%".
Cũng giống như Làng Mô, Tả Phìn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Sìn Hồ, với 652 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Dao. Các hộ dân ở Tả Phìn sống tập trung thành từng bản, mỗi bản có vài chục hộ, làm nhà trên các triền núi cao. Đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn khi chỉ canh tác nông nghiệp truyền thống. Khi chính sách chi trả môi trường rừng được triển khai đã thu hút lực lượng lao động lớn trong đồng bào dân tộc tham gia. Năm vừa qua, xã Tả Phìn chi trả số tiền hơn 1,1 tỷ đồng cho bà con 9 bản của xã. Được hưởng lợi từ chính sách, người dân xã Tả Phìn đã tự giác chấp hành tốt các quy định của pháp luật, nâng cao ý thức chăm sóc và bảo vệ rừng, tình trạng chặt, phá rừng trái phép để làm nương rẫy đã chấm dứt.
|
Bà con nhận tiền từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. (Ảnh: Ái Vân)
|
Trong đó, bản Tầm Choong, xã Tả Phìn có 104 hộ, trên 500 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Dao. Trước dây, Tầm Choong là bản đặc biệt khó khăn, đời sống nhân dân thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo cao, việc vận động nhân dân chung tay xây dựng cơ sở hạ tầng là rất khó khăn. Để làm tốt công tác bảo vệ cho hơn 320ha rừng, bản Tầm Choong đã thành lập Tổ quản lý, bảo vệ rừng với 20 thành viên, đồng thời, giao nhiệm vụ cho tất cả các hộ dân cùng quản lý; vận động 100% người dân ký cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng. Do tất cả các hộ dân ở xã đều được hưởng chi phí dịch vụ môi trường rừng nên đều có trách nhiệm bảo vệ rừng.
Ban quản lý bản cũng xây dựng hương ước của bản về công tác quản lý, bảo vệ rừng, giao nhiệm vụ cho từng cá nhân, hộ gia đình, khi có cháy rừng, cả bản đều phải tham gia chữa cháy. Nghiêm cấm hành vi chặt phá rừng, ai vi phạm sẽ bị xử phạt, các gia đình có diện tích nương rẫy gần rừng muốn làm nương đốt rẫy phải thực hiện đốt nương theo giờ quy định, cá nhân, hộ gia đình nào vi phạm sẽ bị xử phạt. Do vậy, nhiều năm nay, bản Tầm Choong không để xảy ra cháy rừng, không còn tình trạng chặt phá rừng trái phép.
Năm vừa qua, bà con ở bản Tầm Choong được chi trả gần 300 triệu đồng tiền chi trả từ dịch vụ môi trường rừng. Nhờ có thu nhập ổn định từ dịch vụ môi trường rừng, người dân nâng cao trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ và phát triển môi trường rừng. Từ nguồn tiền này, bà con đã đầu tư mua phân bón, giống cây trồng, giống gia súc, gia cầm để phát triển kinh tế, đầu tư cho con cái đi học... Cũng từ chính sách này, xã đã vận động người dân đóng góp kinh phí để sửa chữa nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn được khang trang, sạch đẹp hơn. Anh Chẻo A Phù, bản Tầm Choong cho biết: "Từ khi được chi trả tiền từ dịch vụ môi trường rừng, gia đình tôi có thêm tiền mua phân để bón ngô, bón lúa, tích góp tiền mua lợn giống về nuôi, hoặc mua con trâu, con bò nhỏ để phát triển kinh tế gia đình. Từ bây giờ, tôi sẽ nâng cao ý thức chăm sóc và bảo vệ rừng được tốt hơn".
Năm vừa qua, xã Tả Phìn có 2.000ha rừng được chi trả tiền từ dịch vụ môi trường rừng, với số tiền gần 1,5 tỷ đồng cho 9 bản, có 625 hộ dân được hưởng lợi. UBND xã phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thực hiện công tác rà soát diện tích rừng phòng hộ có diện tích cung ứng môi trường rừng và được chi trả dịch vụ môi trường rừng đảm bảo công khai, minh bạch, đúng người, đúng diện tích. Đồng thời, phối hợp với Kiểm lâm huyện thực hiện việc chi trả chính sách dịch vụ môi trường rừng từ việc nhận khoán, bảo vệ rừng của xã. Nhờ đó, những năm trở lại đây, ở Tả Phìn không để xảy ra vụ cháy và chặt phá rừng nào, nâng độ che phủ rừng của xã lên gần 50%.
Huyện Sìn Hồ có hơn 152.000ha diện tích tự nhiên, trong đó, diện tích đất lâm nghiệp chiếm 96.000ha, diện tích đất có rừng trên 64.000ha. Những năm qua, nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tác động vào nhiều mặt của cuộc sống của người dân cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Một mặt giúp người dân cải thiện cuộc sống, mặt khác, họ nâng cao ý thức để bảo vệ rừng và cũng có trách nhiệm giữ màu xanh cho những cánh rừng.
Ông Nguyễn Quốc Vinh, Phó ban quản lý Dự án rừng phòng hộ huyện Sìn Hồ chia sẻ, diện tích rừng được UBND huyện giao cho 22 xã, thị trấn, có diện tích tự nhiên hơn 41.000ha, trong đó, diện tích đất có rừng là 22.000ha trải đều các xã, một số xã có diện tích rừng lớn như Làng Mô, Tả Ngảo và một số xã vùng cao. Hơn 12 năm thực hiện chính sách dịch vụ chi trả môi trường rừng theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ “Về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng” thì ý thức của người dân trên địa bàn được nâng lên, bà con nâng cao được ý thức quản lý, bảo vệ rừng và làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện.
Từ chính sách dịch vụ chi trả môi trường rừng, người dân nâng cao trách nhiệm, kịp thời tố giác các trường hợp vi phạm. Do đó, số vụ lâm sản chặt phá, cháy rừng ở huyện Sìn Hồ giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, diện tích và lâm sản bị thiệt hại.
Ái Vân
Nguồn: bienphong.com.vn