(TTĐN) - Mặc dù lễ hội Roya Haji mới là Tết cổ truyền của người Chăm theo đạo Hồi (Islam) ở biên giới An Giang, nhưng nhiều năm qua, Tết Nguyên đán cũng dần trở thành Tết cổ truyền thứ hai của đồng bào dân tộc Chăm. Vào dịp Tết Nguyên đán, những ai đi làm ăn xa tất bật trở về quê hương đón Tết, mọi người chung tay dọn dẹp, trang trí nhà cửa, làm bánh, làm các món ăn truyền thống… để đón chào năm mới.
|
Phụ nữ Chăm chuẩn bị tiệc đón khách đến thăm nhà nhân dịp Tết Nguyên đán. (Ảnh: Chiến Khu)
|
Xuân về trên những làng Chăm
Khi sắc Xuân tràn về trên những làng Chăm nơi biên giới, cây cối đâm chồi, nảy lộc, đất trời như thay áo mới. Sự rộn ràng, tươi mới hiện diện ở khắp các gia đình, các thánh đường và thấp thoáng sau chiếc khăn che mặt của các cô gái Chăm dịu dàng, e ấp... Trong những năm gần đây, đời sống vật chất của đồng bào Chăm khu vực biên giới không ngừng được nâng lên, các tuyến đường đã được trải nhựa hoặc bê tông hóa, ở mỗi làng Chăm đều có Nhà văn hóa; mỗi dịp lễ, Tết, sự kiện trọng đại của đất nước, mỗi gia đình đều treo cờ Tổ quốc trang nghiêm trước cửa nhà.
Ngoài Tết truyền thống Roya Haji của dân tộc mình, người Chăm nơi biên giới An Giang cũng tổ chức ăn Tết Nguyên đán, với những nét văn hóa vừa đặc trưng, vừa có sự giao thoa, hòa quyện với văn hóa cộng đồng người Kinh, Hoa, Khmer Nam bộ.
“Dịp này, gia đình nào cũng náo nức trang hoàng nhà cửa, đường làng được mắc đèn, kết hoa rực rỡ sắc màu. Trong mỗi gia đình còn chuẩn bị gạo, nếp, trứng gà, thịt… Các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau cùng tham gia làm các món ăn truyền thống của người Chăm như: bánh rế, bánh bông lan, cà ri, tung lò mò (lạp xưởng bò)… để đón khách tới thăm nhà” - ông Aly, Giáo cả Thánh đường Mukarromah, xã Khánh Bình, huyện An Phú vui vẻ cho biết.
Còn chị Sa Ly Hah, xã Khánh Bình chia sẻ: “Tết này, chúng em cũng rủ nhau may một vài bộ trang phục truyền thống từ vải lụa do người Chăm dệt để du Xuân, đồng thời, để đón khách đến nhà thăm thân giống như người Kinh vậy”.
Tết Nguyên đán tuy không phải là Tết chính thức của đồng bào Chăm, nhưng giờ đây lại là dịp sum họp gia đình, cùng nhau cầu nguyện và thăm thân. Và như thế, Tết Nguyên đán đã trở thành Tết chung của tình đoàn kết, nghĩa tình, gắn bó thủy chung giữa các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer... để cùng nhau vượt qua khó khăn, gian khổ, xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng quê hương giàu mạnh và phát triển bền vững. |
Xuân đoàn kết, Tết yêu thương
Giáo cả Haji Jacky, Trưởng ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang cho biết: “Những năm qua, cộng đồng người Chăm tỉnh An Giang luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang nên đời sống vật chất, tinh thần ngày càng phong phú. Đồng bào Chăm giờ đây cũng đón Tết Nguyên đán như Tết thứ 2 của mình”.
Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Hòa Hợp, Chủ tịch UBND huyện An Phú cho biết: “Tết Nguyên đán của đồng bào Chăm nơi biên giới cũng mang những nét đẹp đặc trưng. Mọi người cùng nhau mang mặc những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất của dân tộc mình, cùng nhau đến thánh đường cầu nguyện cho một năm quốc thái, dân an, gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc. Trong ngày Tết, mọi người trong gia đình sum họp đầm ấm. Những người Chăm có uy tín, tiêu biểu còn giáo dục con cháu, ôn lại một năm đã qua với những việc làm được, chưa làm được để năm sau phấn đấu phát triển hơn”.
|
Đại diện Đồn Biên phòng Phú Hữu, BĐBP An Giang tặng quà Tết cho các vị chức sắc tôn giáo, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào Chăm xã Quốc Thái, huyện An Phú. (Ảnh: Chiến Khu)
|
Trong những ngày Tết Nguyên đán, ngoài những cuộc thăm hỏi, chúc Tết người thân, bạn bè, láng giềng, bà con đồng bào Chăm rất phấn chấn, hào hứng tham gia những hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, ca hát, đua ghe thật tưng bừng, sôi động.
Đối với người Chăm, Tết Nguyên đán còn là dịp gắn kết tình yêu đôi lứa, là mùa đơm hoa kết trái, sinh sôi nảy nở. Họ coi đây là mùa đẹp nhất trong năm. Dịp này, các nam thanh, nữ tú thường tổ chức lễ kết hôn để được “Trăm năm tình viên mãn, bạc đầu nghĩa phu thê”.
Ông Sa Lây Man, xã Nhơn Hội, huyện An Phú hào hứng cho biết: “Trong vòng 10 năm trở lại đây, đã thành thông lệ và trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa của làng Chăm, đó là mỗi khi Tết đến, Xuân về, họ lại náo nức đón mừng các sự kiện tổ chức lễ thành hôn cho các đôi bạn trẻ”.
|
Hội Phụ nữ cơ sở BĐBP An Giang tặng quà Tết cho đồng bào Chăm xã Khánh Bình, huyện An Phú. (Ảnh: Chiến Khu)
|
Tết Nguyên đán còn là dịp gắn kết tình quân dân nơi biên giới, đặc biệt là tình cảm giữa cán bộ, chiến sĩ BĐBP đối với đồng bào dân tộc Chăm. Các đơn vị BĐBP đồng loạt tổ chức các hoạt động ý nghĩa trong Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”; tổ chức khánh thành và bàn giao nhà “Mái ấm biên cương” cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng quà cho các gia đình chính sách, các vị chức sắc, tôn giáo, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc, các em học sinh trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”; tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân...
Đây là dịp cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng tỏa về các cộng đồng dân tộc Chăm chung vui Tết cùng bà con, gói bánh tét tặng các hộ nghèo trên khu vực biên giới, tổ chức tiệc tất niên, liên hoan văn nghệ... quy tụ đông đảo các vị chức sắc tôn giáo, người có uy tín và nhân dân các dân tộc đến chung vui, cùng nhau tiễn năm cũ đi, chào đón năm mới về.
Ở An Giang có 9 làng Chăm, trong đó, ở khu vực biên giới có 3 làng Chăm, tập trung ở 3 xã Quốc Thái, Khánh Bình, Nhơn Hội (huyện An Phú). Cộng đồng dân tộc Chăm ở biên giới sống gần nhau, hình thành các xóm Chăm, chủ yếu sống ven sông Hậu, với tổng số 943 hộ, 4.663 nhân khẩu. |
Chiến Khu
Nguồn: bienphong.com.vn