Lan tỏa nét đẹp văn hóa dân tộc Mảng ở Lai Châu

Dân tộc Mảng hiện có khoảng hơn 4.600 người, sinh sống rải rác ở lưu vực sông Đà và sông Nậm Na, thuộc hai huyện Nậm Nhùn và Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Từ tập quán làm nông nghiệp là chủ yếu, nên khi kết thúc thắng lợi mỗi mùa vụ, hay kết thúc một năm lao động vất vả, bà con lại tổ chức Tết Cơm mới để tạ ơn tổ tiên, trời đất và để cùng chào đón một năm mới bình an.

Ông Pàn Văn Dao, ở bản Nậm Sẻ, xã Vàng San, huyện Mường Tè cho biết: Người Mảng quan niệm trời là đấng sáng tạo, hai vị thần Mon ten, Mon ong là những vị thần cao nhất. Vì vậy, cùng với việc thờ cúng tổ tiên, dòng họ, là những lễ nghi nông nghiệp liên quan đến hồn lúa. Từ đây, nghi lễ Mừng Cơm mới ra đời, được tổ chức vào cuối tháng 9 âm lịch hàng năm và là nghi lễ không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của người Mảng.

Các động tác múa của người Mảng đều tái hiện lại cuộc sống sinh hoạt, sản xuất thường nhật.

Các động tác múa của người Mảng đều tái hiện lại cuộc sống sinh hoạt, sản xuất thường nhật.

"Cái lý của người Mảng từ ngày xửa, ngày xưa khi tổ chức ăn lúa mới là mời cụ già về nói chuyện với mình cho làm nương mới cho thu lúa được nhiều. Đừng có thiếu, đừng có đói, cho con cháu cố gắng làm nương làm rẫy. Đảng lãnh đạo bảo đến đây ở tập trung thành bản làng và vui vẻ, uống một chén rượu với nhau, ăn cái gì cũng cùng nhau cho vui" - ông Pàn Văn Dao cho biết.

Phụ nữ Mảng gìn giữ nghề thủ công truyền thống.

Phụ nữ Mảng gìn giữ nghề thủ công truyền thống.

Ghé thăm bản làng người Mảng lúc nông nhàn, dễ dàng bắt gặp những người phụ nữ cùng nhau may vá, thêu thùa. Trang phục của phụ nữ Mảng có nhiều nét giống với người Thái, áo cánh xẻ ngực cách tân và váy dài. Mỗi chiếc áo đều được tô điểm bằng hàng cúc bạc, tạo họa tiết mới lạ và bắt mắt. Tuy nhiên, nét độc đáo khác biệt trong y phục của phụ nữ Mảng là tấm vải choàng quấn quanh thân màu trắng, được điểm bằng các họa tiết thêu bằng chỉ đỏ.

Giữa không gian núi rừng, tiếng trống hội mở đầu cho điệu múa Tà Nơm, khiến bất cứ ai nghe cũng thấy nhịp thời gian như đảo chiều, trở về thuở người Mảng còn du canh. Những độc tác tra hạt, gặt lúa trên nương được cách điệu hóa, giờ đây đã trở thành một ký ức thiêng liêng của người phụ nữ Mảng.

Trang phục của người Mảng đều do những người phụ nữ đảm nhận thêu thùa và được truyền dạy từ đời này sang đời khác.

Trang phục của người Mảng đều do những người phụ nữ đảm nhận thêu thùa và được truyền dạy từ đời này sang đời khác.

Chị Vàng Thị Thơm, ở bản Nậm Sảo I, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn nói: "Tôi tham gia vào các tiết mục múa này của dân tộc Mảng thấy rất là phong phú, nó thể hiện rõ bản sắc của dân tộc mình. Như bài múa giã gạo quê tôi, nó đã thể hiện ra là người dân đi lao động, đi hái lúa ở trên nương. Tôi thể hiện bài múa đấy là để tái hiện lại cuộc sống của bà con lao động sản xuất để có được hạt gạo, hạt thóc mang về nhà".

Theo ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu, đồng bào Mảng hiện có đời sống khó khăn nhất trong các dân tộc thiểu số ở Lai Châu và nhiều nét văn hóa từng bị mai một. Tuy nhiên, nhờ Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy và Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch, đến nay, bà con người Mảng đã phục dựng được nhiều lễ hội thường niên cũng như nghề thủ công truyền thống.

"Hiện nay các lễ hội của các dân tộc như Mảng, Cống, Lự, Si La được đưa vào danh mục tổ chức thực hiện hàng năm và được hỗ trợ kinh phí cho tổ chức thực hiện phục dựng và duy trì. Đối với dân tộc Mảng vẫn còn duy trì và tổ chức thường xuyên một số lễ hội độc đáo như là lễ Mừng Cơm mới, lễ vào nhà mới, rồi tết Rằm tháng giêng. Cùng với đó là bảo tồn các nghề thủ công truyền thống mà dân tộc Mảng có được, đó chính là nghề đan lát mây tre đan, được thể hiện trong nghệ thuật rất là tinh xảo, đang được cộng đồng vẫn còn lưu giữ và phát triển" - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu thông tin.

Bản làng người Mảng hôm nay luôn tươi vui rộn rã. Bà con rất vui, phấn khởi vì cái đói nghèo đã lùi xa nhờ các chính sách thiết thực của Đảng, Nhà nước và của cấp uỷ chính quyền các cấp. Đồng bào hiện đang cùng nhau giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và đoàn kết, chung sức xây dựng bản làng, quê hương ngày càng ấm no, phát triển hơn.

Nghi lễ Mừng cơm mới của người Mảng là nét văn hóa đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Nghi lễ Mừng cơm mới của người Mảng là nét văn hóa đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Bà Lò Thị Chướng, ở bản Nậm Sảo I, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn chia sẻ: Với các cô gái Mảng, trang phục không đơn thuần là nét riêng để nhận biết tộc người, mà quan trọng hơn là qua từng đường nét thêu thùa, người ta sẽ đánh giá được sự đảm đang, khéo léo của người con gái đó.

"Người phụ nữ Mảng thì phải có áo, có váy và khăn choàng và phải có khăn cuốn chân nữa. Áo của người Mảng cũng phải có đồng bạc, đồng xu để trang trí. Đồng xu cũng phải có 2 đến 3 loại đồng xu. Áo cũng tự cắt, tự khâu xong rồi mới trang trí hoa văn ở phía sau nữa. Nói về trang phục truyền thống của người Mảng nếu mà không có khăn choàng thì không phải là người dân tộc Mảng" - bà Lò Thị Chướng chia sẻ.

Sinh sống nơi đại ngàn, mỗi ngày đều hòa mình vào cỏ cây, hoa lá, chim muông nên người Mảng có sự hồn nhiên, phóng khoáng của núi rừng. Cũng từ đây, các làn điệu dân ca, dân vũ được hình thành và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu như cơm ăn, áo mặc hàng ngày./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất