Làm gì để nâng cao vai trò của các Bộ, ngành trong truyền thông về dân tộc- tôn giáo
Báo Công Thương đã xây dựng chuyên trang về dân tộc - tôn giáo để tuyên truyền. (Ảnh: congthuong.vn)

Báo Công Thương đã xây dựng chuyên trang về dân tộc - tôn giáo để tuyên truyền. (Ảnh: congthuong.vn)

Các kết quả tích cực

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định công tác dân tộc, tôn giáo là vấn đề chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt; các chính sách dân tộc, tôn giáo được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm không chỉ ở công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách mà còn đẩy thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội.

Để triển khai các Nghị quyết của Đảng về dân tộc, tôn giáo, ngày 21/02/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 219/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo. Đây là nhiệm vụ chính trị mà các bộ, ngành, địa phương cần chung tay thực hiện.

Mục tiêu của đề án nhằm góp phần xây dựng nhận thức đúng đắn của xã hội về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo và các chính sách, pháp luật về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; Góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam; tăng cường đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Phát huy những giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội; Đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội và đời sống nhân dân; đồng thời đưa thông tin, hình ảnh về Việt Nam và dân tộc Việt Nam đến cộng đồng thế giới.

Nhận thức và hiểu rõ tầm quan trọng của công tác dân tộc, tôn giáo, trong những năm qua các Bộ, ban, ngành, địa phương đã luôn quan tâm, nỗ lực, cố gắng triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều chính sách để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo nói riêng. Đồng thời, các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ theo Đề án cũng đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo bằng nhiều hình thức khác nhau và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo đó, 100% bộ, ngành, địa phương đều có xây dựng, kế hoạch triển khai đề án; quan tâm chỉ đạo sát sao các vấn đề tuyên truyền. Các nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, đặc điểm của từng địa bàn; hàng trăm nghìn tin, bài, phóng sự, ảnh, video clip về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; các chính sách phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào công giáo; mô hình phát triển kinh tế - du lịch của đồng bào có đạo; đấu tranh phê phán những biểu hiện vi phạm chủ trương, chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo…. đã được ra đời và lan toả bằng nhiều hình thức khác nhau.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, nhờ các hoạt động tuyên truyền mà nhận thức của cộng đồng về dân tộc, tôn giáo được nâng lên, góp phần hạn chế những thông tin xấu độc của các đối tượng lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá, gây chia rẽ; đồng thời xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Thông qua đó cũng đã nhân lên và lan toả những giá trị văn hoá, truyền thống, lòng tự hào dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên – là một quốc gia độc lập, dân chủ, yêu chuộng hoà bình, có nhiều thành tích trong xoá đói giảm nghèo và là bạn bè tin cậy của mọi quốc gia trên thế giới.

Cần những nội dung chuyên sâu

Nhiều ý kiến cho rằng, đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với toàn xã hội. Bởi lẽ Việt Nam là quốc gia độc lập nhưng đã phải trải qua hàng 1000 năm Bắc thuộc, hơn 80 năm đô hộ của chủ nghĩa thực dân và chịu nhiều đau thương mất mát từ 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Và kể từ khi đất nước hoàn toàn giải phóng đến hôm nay chưa đầy 40 năm, song chúng ta đã có những thành quả diệu kỳ.

Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, chịu sự tàn phá của chiến tranh, đời sống kinh tế, vật chất, tinh thần của nhân dân thuộc loại đói nghèo, phải nhận viện trợ từ khối các nước xã hội chủ nghĩa; kinh tế bao cấp, công nghiệp, thương mại hầu như không phát triển vì bị cấm vận nhưng đến nay chúng ta có thể tự hào ngẩng cao đầu với thế giới: Việt Nam đã trở thành nước có tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ hàng đầu ở Đông Nam Á; Ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, có quan hệ ngoại giao kinh tế với trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các quốc gia hàng đầu thế giới như Nga, Mỹ, Trung Quốc…Kim ngạch xuất khẩu gấp hàng trăm lần thời kỳ trước đó, đặc biệt đã xuất siêu hàng chục tỷ USD. Nhiều loại sản phẩm hàng hoá Việt Nam đã nổi tiếng thế giới như xe ô tô điện, gạo, cafe, tôm, cá tra…và các danh lam thắng cảnh.

Ở trong nước, hạ tầng đường xá giao thông, điện, cơ sở giáo dục, y tế được mở rộng. Mọi người dân đều được học hành, chăm sóc y tế; Tự do lựa chọn và sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo…; An ninh trật tự được duy trì; Độc lập, chủ quyền được giữ vững.

Đây là điểm sáng, đáng tự hào mà mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là các thế hệ trẻ nên biết về quá trình xây dựng, đấu tranh, gìn giữ và phát triển đất nước. Quá trình ấy có máu và nước mắt thế nhưng bằng tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, ý chí vươn lên của mỗi con dân Việt, chúng ta đã vượt qua tất cả, tự tin khẳng định mình và “sánh vai với các cường quốc năm châu” – như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dậy.

Các hoạt động thăm hỏi tổ chức tôn giáo, biểu dương gương sáng phát triển kinh tế được duy trì thường xuyên. (Ảnh: congthuong.vn)

Các hoạt động thăm hỏi tổ chức tôn giáo, biểu dương gương sáng phát triển kinh tế được duy trì thường xuyên. (Ảnh: congthuong.vn)

Theo đại diện Vụ Kế hoạch- Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, nội dung thông tin tuyên truyền của đề án có sự khác biệt với các chương trình truyền thông đơn thuần. Tình hình thế giới biến đổi rất nhanh và Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới. Bên cạnh những yếu tố tích cực, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức từ văn hoá, lối sống, thậm chí tư duy từ bên ngoài, thậm chí có yếu tố tiêu cực.

Mặt khác, các thế lực thù địch, bất mãn ở cả trong và ngoài nước vẫn ra sức bịa đặt, xuyên tạc, chống phá Đảng Nhà nước, phủ nhận những thành quả to lớn của đất nước, cũng như quá trình lịch sử, làm méo mó nhận thức của người dân, nhất là lớp trẻ về văn hoá, lịch sử dân tộc và các giá trị truyền thống tốt đẹp lâu đời của dân tộc.

Do đó cần đẩy mạnh tuyên truyền những mặt tích cực nhưng phải làm sao lồng ghép vào các nội dung khéo léo, không quá sa đà, chủ quan, duy ý chí.

Các bộ, ngành cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình để xây dựng các chương trình thông tin, truyền thông gắn với lĩnh vực.

Đơn cử như Ủy ban Dân tộc cần lựa chọn những nội dung tích cực về đồng bào các dân tộc thiểu số như gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá đặc sắc của mỗi dân tộc; biểu dương những mô hình sản xuất, cá nhân làm kinh tế giỏi… Hay Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ) cần lựa chọn, biên soạn các tài liệu về dân tộc, truyền thống dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo

Bộ Công Thương cần tiếp tục giao cho một số cơ quan báo chí trực thuộc Bộ thực hiện xây dựng đề án thông tin tuyên truyền về lĩnh vực kinh tế, thương mại, hội nhập, sản xuất nông nghiệp theo hướng thị trường, xuất khẩu, ứng dụng thương mại điện tử…

Ông Phan Xuân Thuỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, trong thời gian tới, cần tập trung làm rõ vai trò, tầm quan trọng, vị trí chiến lược của vấn đề dân tộc, tôn giáo trong sự nghiệp cách mạng; quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, Nhà nước ta về công tác dân tộc, tôn giáo; thường xuyên cập nhật những chính sách mới của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo. Tuyên truyền, cổ vũ, động viên đồng bào các dân tộc, đồng bào tôn giáo đoàn kết, gắn bó, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, đất nước. Kịp thời nhân rộng những điển hình, nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo. Phê phán, đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta.

Đặc biệt trong quá trình thực hiện cần theo dõi nắm tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội, nhất là những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, địa bàn có đồng bào theo đạo, để tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền có những giải pháp xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả những bức xúc và vướng mắc có liên quan đến việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo.

Nâng cao ý thức chính trị

Nhiều ý kiến cho rằng, dù đã đạt được thành quả nhất định, song công tác thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo vẫn cần đổi mới hơn nữa cho phù hợp với tình hình mới. Song song với việc lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp thì cần nâng cao nhận thức, ý thức chính trị của mỗi Bộ, ngành, địa phương và các cán bộ, đảng viên ở các cơ quan quản lý.

Một là, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác dân tộc, tôn giáo. Coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên hàng năm của tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Hai là, tiếp tục kiện toàn, bộ máy hành chính, tổ chức nhân sự; xây dựng hình ảnh cán bộ, đảng viên gương mẫu trong mọi mặt – cán bộ gần dân, là đầy tớ của nhân dân; Thường xuyên tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Ba là tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết, chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; Ở các địa phương cần quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào theo tôn giáo; tăng cường công tác bồi dưỡng phát triển đảng viên là người theo đạo; tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng cốt cán, chức sắc, chức việc, người có uy tín trong các tôn giáo. Nắm chắc tình hình cơ sở, tình hình dân tộc - tôn giáo; phối hợp giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan đến tôn giáo, đảm bảo an ninh trật tự, không để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các âm mưu và hoạt động lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước.

Bốn là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động thông tin tuyên truyền. Mỗi bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng lần thứ 4 để truyền thông; chọn lọc nội dung thông tin gắn liền với lĩnh vực của mình, thông tin một cách kịp thời, hiệu quả. Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp thông tin cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp xúc với Nhân dân./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất