Lai Châu: Đa dạng chính sách giúp tiêu thụ nông sản cho bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Là tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80% nhưng Lai Châu có nhiều nông sản thế mạnh. (Ảnh: congthuong.vn)

Là tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80% nhưng Lai Châu có nhiều nông sản thế mạnh. (Ảnh: congthuong.vn)

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Trong số các giải pháp mà tỉnh Lai Châu thực hiện nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con đồng bào dân tộc miền núi phải kể đến công tác xúc tiến thương mại với vai trò quan trọng, tạo đòn bẩy, mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Tỉnh Lai Châu có 20 dân tộc sinh sống, trong đó có 4 dân tộc rất ít người là Cống, Mảng, La hủ và Si la. Là tỉnh miền núi, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80% nhưng đây lại là địa phương có nhiều nông sản thế mạnh.

Để tìm đầu ra cho các sản phẩm, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con, nhất là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Với vai trò là cơ quan chuyên môn tham mưu giúp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương, thời gian qua, Sở Công Thương Lai Châu tích cực triển khai công tác khuyến công, xúc tiến thương mại nhằm kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm cho người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số miền núi vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh nông sản ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản tại thị trường trong nước, xuất khẩu và trên các sàn thương mại điện tử. Cập nhật thông tin về thị trường, chính sách thuế quan, rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, quy định an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu kịp thời thông tin đến tổ chức, cá nhân có hướng sản xuất kinh doanh phù hợp với yêu cầu thị trường…

Tính riêng từ năm 2021-2023, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã hỗ trợ 10 doanh nghiệp, hợp tác xã với trên 40 sản phẩm nông sản tham gia tuần hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản tại Hà Nội. Hỗ trợ 37 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với trên 250 lượt sản phẩm nông sản trưng bày giới thiệu tại nhiều hội chợ do các tỉnh, thành phố tổ chức. Hỗ trợ 10 doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến nông sản xây dựng, vận hành ổn định website bán hàng và đưa 20 sản phẩm nông sản lên hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc các sản phẩm hàng hóa của tỉnh…

Việc hỗ trợ, kết nối, tiêu thụ nông sản đã và đang được tỉnh tăng cường thực hiện đã thực sự trở thành cầu nối thúc đẩy, tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, liên doanh, liên kết, phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ cho các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt là từng bước tiếp cận được thị trường quốc tế.

Ông Lê Xuân Tiến - Phó giám đốc Sở Công Thương Lai Châu cho biết: Trong giai đoạn 2021- 2025, tỉnh xác định phát triển 7 chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với việc kết nối các sản phẩm nông sản của đồng bào dân tộc thiểu số, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng 16 chương trình để triển khai thực hiện, để kết nối tất cả các sản phẩm nông sản của bà con vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại tỉnh cũng như một số địa phương.

Xây dựng nền tảng số kết nối tiêu thụ nông sản

Tỉnh cũng đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản qua nền tảng số. (Ảnh: congthuong.vn)

Tỉnh cũng đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản qua nền tảng số. (Ảnh: congthuong.vn)

Cùng với xúc tiến thương mại, hoạt động đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản thông qua các nền tảng số tại thời điểm hiện nay là giải pháp quan trọng để Lai Châu phát triển kinh tế số, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá, xây dựng hình ảnh và phát triển thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ mở rộng thị trường, đặc biệt là mở ra một phương thức bán hàng mới hiện đại và bền vững, tránh phụ thuộc vào thương lái cũng như ùn ứ nông sản khi vào cao điểm mùa thu hoạch.

Để thực hiện hiệu quả việc đẩy mạnh ứng dụng thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tỉnh Lai Châu đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách, kế hoạch cụ thể. Tiêu biểu như: Kế hoạch số 1085/KH-UBND ngày 06/4/2022 về triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển thương mại điện tử tỉnh Lai Châu năm 2022; Kế hoạch số 453/KH-UBND ngày 18/02/2022 về thực hiện Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Đây là cơ sở hỗ trợ các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Sở Công Thương Lai Châu cũng phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, hợp tác xã. Trong đó tập trung vào việc livestream bán hàng cũng như quảng bá và bán các sản phẩm nông sản của tỉnh trên các sàn thương mại điện tử lớn như: Lazada.vn, Tiki.vn, Shopee.vn.

Song song với đó là triển khai các giải pháp thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân bằng các nền tảng số, tích hợp giá trị, tạo sự thuận lợi cho người nông dân, hợp tác xã, người tiêu dùng bằng việc truy xuất nguồn gốc.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng nền tảng số được xác định là một trong những khâu đột phá, tạo tiền đề cho việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản, hướng tới các tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thông qua đó, nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam vào thị trường có giá trị cao để việc đàm phán mở cửa hàng nông sản vào các thị trường khác được thuận lợi. Từ đó, các cơ quan khác tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam được thuận lợi.

Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu đã hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký tham gia các nền tảng hỗ trợ xuất khẩu, tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, hội thảo trực tuyến để thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang các thị trường Singapore, Trung Quốc, châu Âu, châu Mỹ, Pakistan…

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tiếp tục duy trì vận hành Sàn giao dịch thương mại điện tử www.laichau.biz.

Với mục tiêu giúp nông dân quảng bá và kết nối bao tiêu sản phẩm, Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh còn ký kết Kế hoạch triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác về: “Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2022 – 2025”. Theo đó Bưu điện và Hội Nông dân tỉnh phối hợp thực hiện các nhiệm vụ như: Tập trung tuyên truyền, khảo sát giới thiệu kết nối tiêu thụ sản phẩm; phối hợp triển khai chuỗi cung ứng hàng hóa là nông sản an toàn, chất lượng cao của các hội viên nông dân; hợp tác xây dựng chuỗi sản xuất, phát triển mạng lưới cộng tác viên, đại lý bán hàng từ cấp xã đến thành phố.

Ngay sau khi thỏa thuận được ký kết, lãnh đạo 2 ngành thống nhất triển khai ngay các nội dung, trong đó việc cần thực hiện ngay là lựa chọn các hộ nông dân sản xuất giỏi, hộ nông dân sản xuất hàng hóa quy mô trang trại, loại nông sản an toàn, chất lượng... để đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử postmart.vn.

Nhiều sản phẩm nông sản của bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Lai Châu đã có chỗ đứng vững chắc tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn và được người tiêu dùng tin dùng. (Ảnh: congthuong.vn)

Nhiều sản phẩm nông sản của bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Lai Châu đã có chỗ đứng vững chắc tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn và được người tiêu dùng tin dùng. (Ảnh: congthuong.vn)

Với mục tiêu dài hạn, Hội Nông dân và Bưu điện tỉnh sẽ đẩy mạnh triển khai các chương trình phối hợp tiêu thụ nông sản trên phạm vi toàn quốc. Thông qua Bưu điện, Hội Nông dân sẽ tổ chức triển khai các chương trình kết nối, tiêu thụ trên phạm vi địa bàn tỉnh; chọn lựa các cơ sở tiêu thụ nông sản an toàn, sản phẩm đặc trưng thế mạnh... tại các huyện để quảng bá và kết nối bao tiêu sản phẩm…

Những hoạt động hỗ trợ thiết thực này đã tạo hiệu ứng tốt với sản lượng tiêu thụ nông sản của bà con tăng qua các năm và có mặt cả ở những hệ thống phân phối lớn cũng như xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Lai Châu có điều kiện tự nhiên phù hợp trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như mắc ca, cây ăn quả, dược liệu, rau củ, hoa, lúa… Những năm qua, tỉnh đã phát triển, mở rộng thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung như mắc ca, chuối, lúa Tẻ râu… tại các huyện Phong Thổ, Tam Đường, Than Uyên. Nhiều sản phẩm nông sản của bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có chỗ đứng vững chắc tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn; đặc biệt được người tiêu dùng tin dùng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất