Giúp đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói giảm nghèo từ phát triển du lịch bền vững
Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’Mông nằm trên diện tích bằng phẳng, bao quanh là núi đá. (Ảnh: NDO)

Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’Mông nằm trên diện tích bằng phẳng, bao quanh là núi đá. (Ảnh: NDO)

Tạo đột phá từ du lịch cộng đồng

Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’Mông tọa lạc trên diện tích trên 27.000 m2, bao quanh là núi đá kỳ vĩ. Đứng từ xa, quang cảnh tại làng văn hóa du lịch lập tức gây ấn tượng với du khách bởi các homestay được thiết kế theo lối kiến trúc mang đậm bản sắc của dân tộc H’Mông, và được bố trí theo hình vòng cung giống như những bông hoa, giữa là khu vực sân chơi công cộng. Dù đã là cuối tháng ba nhưng dọc lối vào làng văn hóa, hoa đào vẫn đua sau khoe sắc, tạo nên một cách sắc vô cùng thơ mộng.

Được khởi công xây dựng từ tháng 12/2016 và đi vào hoạt động từ tháng 4/2019, đến nay làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’Mông đã trở thành một điểm đến được yêu thích của nhiều du khách trong nước và nước ngoài.

Con đường dẫn vào làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’Mông. (Ảnh: NDO)

Con đường dẫn vào làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’Mông. (Ảnh: NDO)

Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc không khí tại làng văn hóa trở nên sôi động và vô cùng náo nhiệt. Tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng hát và những tiếng cười nói vang lên rộn rã tại khu vực trung tâm cũng như các homestay. Ít người biết rằng trước khi làng văn hóa đi vào hoạt động, cuộc sống của bà con nơi đây gặp vô vàn khó khăn, kinh tế chậm phát triển. Với địa hình có tới 80% diện tích lộ đá vôi, quanh năm thiếu nước nên người dân thuần túy làm nông nghiệp, hầu như chỉ biết trông chờ vào nuôi dê, bò và trồng ngô.

Nhằm tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương, các cấp chính quyền đã xác định việc cần chuyển hướng mạnh mẽ sang lĩnh vực du lịch. Chính vì thế sau nhiều lần họp bàn, chọn được khu vực đất đai tương đối bằng phẳng tại thôn Pả Vi Hạ, cách trung tâm Mèo Vạc khoảng 6km, giao thông thuận lợi, chính quyền đã tiến hành giải tỏa, thu hồi đất và đầu tư hạ tầng để phát triển du lịch.

Sau một thời gian tuyên truyền, vận động cũng như tạo cơ chế chính sách thuận lợi cho bà con như hỗ trợ mặt bằng 50 năm không lấy phí đối với các hộ dân; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội có cơ chế giảm lãi suất đối với các hộ tham gia kinh doanh dịch vụ... nhờ vậy đã có 28 hộ đồng bào dân tộc tham gia đầu tư, kinh doanh homestay tại làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’Mông.

Biển hướng dẫn tại làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’Mông. (Ảnh: NDO)

Biển hướng dẫn tại làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’Mông. (Ảnh: NDO)

Nhớ lại những ngày đầu, chị Hoàng Thị Hiên, chủ homestay Pả Vi cho biết, chị và nhiều người dân nơi đây vốn lâu nay chỉ quen làm nông nghiệp, nay bước sang lĩnh vực hoàn toàn mới nên không khỏi bỡ ngỡ và có phần lo lắng. Nắm bắt được tâm tư đó, chính quyền địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch, nghiệp vụ đón khách du lịch cho các chủ hộ, cũng như kỹ năng phục vụ buồng phòng, lễ tân, đầu bếp, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...

Trước lượng khách nước ngoài đổ về làng văn hóa ngày một tăng cao, chính quyền địa phương chỉ đạo kịp thời việc mở các lớp đào tạo cấp tốc tiếng Anh cho bà con. Đồng thời chị Hoàng Thị Hiên và nhiều hộ gia đình khác được tạo điều kiện đi thăm quan, học hỏi các mô hình homestay hiệu quả tại Lào Cai, Hòa Bình, Thái Nguyên,... Nhờ vậy chị đã có những kiến thức, kinh nghiệm quý báu để áp dụng tại cơ sở kinh doanh của mình.

Phát triển trên nguyên tắc bền vững

Thành công của mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’Mông tại thôn Pả Vi Hạ chính là nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của chính quyền địa phương và người dân nơi đây. Quan trọng nhất đó là việc kinh doanh du lịch được dựa trên nguyên tắc phát triển bền vững, vừa bảo tồn vừa khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào H’Mông, đồng chú trọng công tác bảo vệ môi trường.

Cuối tuần lượng khách đến với làng văn hóa tăng mạnh. (Ảnh: NDO)

Cuối tuần lượng khách đến với làng văn hóa tăng mạnh. (Ảnh: NDO)

Đến với làng văn hóa, du khách được đắm mình vào không gian văn hóa giàu bản sắc của đồng bào H’Mông, từ cách trang trí tại các homestay, đến việc trải nghiệm các món ăn truyền thống và tham gia vào các trò chơi dân gian.

Nhằm đa dạng trải nghiệm cũng như chất lượng phục vụ khách du lịch, anh Hoàng Văn Sên, chủ homestay A Sên cho biết, cơ sở của mình còn có thêm dịch vụ tắm, ngâm chân bằng lá thuốc dân tộc. Còn homestay Pả Vi của chị Hoàng Thị Hiên luôn có sẵn các loại bánh do chính chị làm từ hạt tam giác mạch – một loại cây đặc sản của quê hương Hà Giang để phục vụ du khách.

Bánh tam giác mạch do chị Hoàng Thị Hiên tự tay làm để phục vụ khách du lịch. (Ảnh: NDO)

Bánh tam giác mạch do chị Hoàng Thị Hiên tự tay làm để phục vụ khách du lịch. (Ảnh: NDO)

Nhằm không ngừng tạo sức hấp dẫn với du khách thập phương, vào mỗi cuối tuần, tại nhà văn hóa cộng đồng còn diễn ra các buổi biểu diễn văn hóa, văn nghệ truyền thống miễn phí do đội văn nghệ của thôn thực hiện.

Thống kê của Phòng Văn hóa thông tin huyện Mèo Vạc cho biết, lượng khách đến làng văn hóa hiện chiếm tới 2/3 lượng khách đến với Mèo Vạc. Nhờ hoạt động hiệu quả, làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’Mông đã thực sự tạo ra những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế-xã hội của thôn Pả Vi, huyện Mèo Vạc nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung. Người dân có thêm nhiều cơ hội việc làm, thu nhập ổn định, từng bước xóa được đói nghèo. Đây cũng là một hướng đi đúng đắn mà nhiều địa phương có thể học tập và nhân rộng./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất